Lời giải cho thực phẩm Việt cạnh tranh sòng phẳng trên 'sân nhà'

Nhìn từ thành công của một nhãn hiệu sữa Việt khi dẫn đầu doanh thu sữa cho trẻ em với 23,6% thị phần, có thể thấy thực phẩm Việt muốn cạnh tranh sòng phẳng trên 'sân nhà' cần những sản phẩm chất lượng cao nhằm 'lật thế cờ' trước hàng ngoại. Không chỉ thế, việc tính toán cho những thay đổi, định vị lại chiến lược, nắm bắt xu hướng tiêu dùng và làm chủ được kênh phân phối cũng là những lời giải quan trọng.

Kết quả khảo sát mới nhất được công ty Nielsen công bố dựa trên số liệu nghiên cứu tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021 cho thấy, Nutifood GrowPLUS+ (thuộc CTCP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood) tiếp tục giữ vững ngôi vị nhãn hiệu sữa trẻ em số 1 tại Việt Nam năm 2021, chiếm 23,6% thị phần và gấp 1,76 lần nhãn hiệu đứng thứ 2.

Biết cách “lật thế cờ”

Đây là năm thứ ba liên tiếp, nhãn hiệu sữa này thuộc một doanh nghiệp (DN) thuần Việt đứng đầu bảng xếp hạng về thị phần trong cả hai phân khúc sữa bột trẻ em và sữa bột pha sẵn cho trẻ em, đồng thời duy trì được vị trí sữa đặc trị số 1 trong sáu năm liên tiếp (từ năm 2016 - 2021).

Thị trường sữa dành cho trẻ em luôn là cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, việcnhãn hiệu sữa Việt duy trì được thị phần lớn ngay trên “sân nhà” là rất đáng ghi nhận.

Việc duy trì được thị phần nêu trên ngay trên “sân nhà” là rất đáng ghi nhận. Nhất là khi thị trường sữa dành cho trẻ em lâu nay luôn là cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt và từng được “thống trị” bởi các “ông lớn” sữa ngoại như Abbott, Friesland Campina, Mead Johnson, Nestlé…

Điều này cũng khẳng định được năng lực cạnh tranh của thương hiệu sữa Việt với các công ty sữa đa quốc gia tại thị trường Việt Nam. Như chia sẻ của ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: "Sản phẩm sáng tạo với chất lượng cao mang đậm dấu ấn của người Việt. Chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm ngoại nhập của các công ty đa quốc gia trên thế giới".

Có thể nói, một khi cạnh tranh càng gay gắt (như ở phân khúc sữa bột, đặc biệt là sữa công thức cho trẻ em) thì càng thấy được giá trị của một thương hiệu sữa Việt khi chiếm được một thị phần lớn như vậy.

Bởi lẽ, tâm lý “sính ngoại” của người Việt là một thách thức lớn trong việc tiêu thụ các sản phẩm sữa Việt vốn dĩ lâu nay thường bị cho là có chất lượng không bằng sữa ngoại.

Nếu “soi” vào thành công của thương hiệu sữa Việt nêu trên, giới chuyên gia cho rằng, đó là do phía DN Việt đã biết “lật thế cờ” trước sữa ngoại, chấp nhận thay đổi để làm ra sản phẩm có chất lượng ngang ngửa hàng ngoại và biết “đánh trúng” vào thị trường ngách dành cho mẹ và bé, nắm bắt, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng ở phân khúc tầm trung.

Và đây cũng là một trong những lời giải cho mảng sữa Việt nói riêng và thực phẩm Việt nói chung để cạnh tranh sòng phẳng trên “sân nhà”. Qua trao đổi với VnBusiness, Ts. Huỳnh Thanh Điền (nhà tư vấn chiến lược cho DN) nhấn mạnh điều quan trọng là các DN thực phẩm Việt cần nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng và định vị lại toàn bộ chiến lược.

Tính toán cho những thay đổi

Theo ông Điền, khi xu hướng khách hàng thay đổi thì sản phẩm của DN cũng cần thay đổi. DN cần phải tính toán đầu tư cho những thay đổi sẽ tốn khoản chi phí bao nhiêu và ước tính dòng lợi ích của chi phí đó như thế nào, có hiệu quả hay không?

Không những vậy, dịch Covid-19 cũng đã tác động sâu rộng lên chuỗi cung ứng, khiến các mô hình chuỗi cung ứng truyền thống hiện hữu gặp phải rủi ro, do đó phát sinh nhu cầu phải tính toán thiết kế lại chuỗi cung ứng.

Từ đó, xu hướng về chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt đang được mở ra để thích nghi với điều kiện mới. Và trong bối cảnh này, việc tổ chức sản xuất cũng cần được đổi mới.

Ngoài ra, xét về kênh phân phối trong thời điểm hiện nay giữa tác động của dịch Covid-19, Ts. Huỳnh Thanh Điền cho biết, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang có sự vượt trội so với những siêu thị thông thường. Các DN thực phẩm cần nắm rõ điều này để biết tổ chức lại hệ thống phân phối như thế nào cho phù hợp. Nhất là cần tránh tư tưởng chỉ chăm chăm muốn đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn.

“Tôi đã gặp rất nhiều DN phàn nàn, bức xúc về những chính sách đưa hàng vào siêu thị, trong đó có một số chính sách khá kỳ cục. Không chỉ vậy, việc bán hàng trong siêu thị cũng chưa hẳn đã hiệu quả”, ông Điền nói.

Riêng với kênh phân phối trên thị trường sữa Việt, theo giới chuyên gia, nhiều năm nay các cửa hàng tiện lợi là kênh mua sắm tăng trưởng mạnh hơn so với các kênh còn lại như siêu thị và đại siêu thị.

Và thị trường sữa ở Việt Nam được đánh giá là còn nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phân phối các sản phẩm sữa, bởi các loại hình phân phối truyền thống như chợ, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hay các đại lý phân phối vẫn còn rất phổ biến.

Giới chuyên gia có lời khuyên cho các DN Việt trong mảng thực phẩm là cần có những hỗ trợ thiết thực hơn cho hệ thống phân phối hiện tại cũng như mở rộng thêm nhiều nhà phân phối mới. Có như vậy, các kênh phân phối khác nhau sẽ có thể mang lại cho người tiêu dùng sự tiện lợi cũng như lợi ích cao nhất.

Còn riêng với thị phần sữa bột dành cho trẻ em, để DN Việt có thể dần chiếm lĩnh thị phần trước khối ngoại trong dài hạn thì điểm mấu chốt để thuyết phục người tiêu dùng trên “sân nhà” là các sản phẩm nội địa phải tương đương với các sản phẩm ngoại khi xét về tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.

Điều này đã được ghi nhận khi một số công ty trong nước tận dụng cơ hội để từng bước giành được thị phần thông qua việc đầu tư nhà máy mới, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng thông qua các chứng nhận sản phẩm của các tổ chức quốc tế…

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/loi-giai-cho-thuc-pham-viet-canh-tranh-song-phang-tren-san-nha-1084364.html