Lời giải nào cho bài toán áp lực và hiệu quả của Chương trình GDPT mới?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - 'phép thử' lịch sử GDPT 2018 đã khép lại. Vượt trên những con số phổ điểm, đây là lúc cần khoảng lặng đối diện câu hỏi định hình tương lai: Di sản chúng ta trao cho thế hệ trẻ là gì? Bảng điểm đẹp đẽ, hay năng lực, bản lĩnh kiến tạo trong thế giới biến động liên tục?
Trong 4 kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu đến quý độc giả các góc nhìn đa chiều trong chùm bài về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Bước chuyển mình của giáo dục phổ thông:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Phép thử đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Phổ điểm - phép thử năng lực và bài học cho từng môn
Kỳ 3: Thông tư 29: 'Cú hích' hay 'rào cản' cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025?
Kỳ 4: Tiếng nói từ 'người trong cuộc' - 2K7 và những trăn trở, kỳ vọng của lứa học sinh sắp tới
Để khép lại loạt bài này, Chúng tôi xin giới thiệu bài viết đầy tâm huyết của thầy Nguyễn Quốc Hoàn (Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội). Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề và tầm nhìn đổi mới, bài viết mang đến những kiến giải sâu sắc về định hướng và tương lai nền giáo dục Việt Nam. Bài viết này không chỉ là góc nhìn của một nhà giáo giàu kinh nghiệm mà còn là gợi mở về một sự thay đổi lớn trong tư duy giáo dục, vì một di sản bền vững cho thế hệ tương lai.
Kỳ cuối: Lời giải nào cho bài toán áp lực và hiệu quả của Chương trình GDPT mới?

Thí sinh tập trung làm bài trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 – một "phép thử" quan trọng của Chương trình GDPT 2018.
Áp lực điểm số: Nút thắt cần tháo gỡ
Nút thắt của mọi áp lực và bệnh thành tích chính là sự độc tôn của điểm số - một căn bệnh mạn tính đang bào mòn sức khỏe tinh thần của hàng triệu gia đình người Việt. Chừng nào điểm số vẫn còn là thước đo duy nhất, chừng đó vòng lặp dạy thêm - học thêm sẽ vẫn tràn lan. Để tìm được lối ra, đòi hỏi sự thay đổi từ gốc rễ trong tư duy.
Với học sinh và gia đình, thấu hiểu sâu sắc nỗi lo và tình yêu thương của phụ huynh khi xem điểm số là con đường an toàn nhất, nhưng đã đến lúc chúng ta cùng dũng cảm định nghĩa lại thành công. Đó không phải là điểm số, mà là một "hồ sơ năng lực" ghi lại một cách trung thực hành trình, chứ không phải một bộ sưu tập thành tích được đánh bóng. Đó là nơi trẻ được lớn lên trọn vẹn, được hạnh phúc. Đây mới là sự đầu tư bền vững nhất. Để làm được điều đó, xã hội hãy tôn vinh những hình mẫu thành công đa dạng để xoa dịu "nỗi sợ con mình thua kém".
Nhà trường phải trở thành điểm tựa tâm lý vững chắc, nơi mỗi học sinh không chỉ được lắng nghe, mà còn được trao quyền tham gia, phản biện và cùng vun đắp hành trình học tập của chính mình. Khi được công nhận là chủ thể thực sự của giáo dục, các em sẽ tự tin và chủ động tìm thấy con đường riêng, thay vì bị động đi theo một lối mòn có sẵn. Từ đó, các em mới có thể phát huy hết tiềm năng và tỏa sáng.
Với trường đại học, áp lực lên giáo dục phổ thông chỉ thực sự giảm khi các trường Đại học, vốn đang chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt, chủ động những bước đi để thay đổi từ vai trò "sàng lọc qua điểm số" sang sứ mệnh "xây dựng một vườn ươm tài năng". Bằng việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh như phỏng vấn sâu, xét hồ sơ năng lực hay dự án cá nhân, các trường không chỉ tìm được những sinh viên phù hợp, đam mê thực sự mà còn gửi đi một thông điệp dẫn dắt mạnh mẽ: mọi loại hình năng lực và trí thông minh đều được trân trọng.
Với doanh nghiệp và xã hội, cuộc đua điểm số sẽ chỉ hạ nhiệt khi thị trường lao động thay đổi luật chơi. Doanh nghiệp cần kiên trì tiên phong thiết lập một "giao ước mới về nhân tài": đặt niềm tin vào năng lực thực tế thay vì trọng bằng cấp. Hãy công nhận giá trị của các chứng chỉ kỹ năng, hợp tác với các trường nghề để mở ra nhiều lối đi thành công khác, bình đẳng và đầy tự hào, thay vì một lối đi duy nhất qua cổng đại học.
Giải phóng người thầy, trao quyền nhà trường
Mọi tầm nhìn đẹp đẽ cũng sẽ chỉ là lý thuyết nếu người thực thi đang kiệt sức và bị trói buộc. Cải cách phải bắt đầu từ việc cởi trói cho giáo viên và nhà trường.
Với nhà giáo, thấu hiểu và chia sẻ với gánh nặng mà các thầy cô đang gánh vác. Hãy giải phóng người thầy khỏi áp lực hành chính và các cuộc thi phù phiếm, để trả lại thời gian và không gian sáng tạo. Cần đầu tư chiến lược vào các cộng đồng học tập chuyên môn (PLCs) thực chất - nơi các giáo viên được an toàn để thử nghiệm, được thất bại và cùng nhau cải tiến. Chỉ khi đó, người thầy mới hoàn thành trọn vẹn cuộc chuyển mình từ "thợ dạy" sang sứ mệnh "người truyền cảm hứng và thiết kế trải nghiệm học tập".

Phát triển năng lực toàn diện và năng lực cá thể là di sản giáo dục bền vững. Ảnh: Thầy Nguyễn Quốc Hoàn trong một hoạt động trải nghiệm cùng học sinh.
Với nhà trường, việc giải phóng người thầy đòi hỏi phải giải phóng người Hiệu trưởng. Cần trao quyền tự chủ có điều kiện để Hiệu trưởng định hình bản sắc riêng, với nguyên tắc cốt lõi: tự chủ tài chính mở ra cơ hội mới, chứ không đào sâu cách biệt, tiến tới tự chủ về học thuật và nhân sự. Năng lực này được nuôi dưỡng và phát triển thông qua việc nhân rộng các cộng đồng hiệu trưởng đổi mới để học hỏi và lan tỏa các mô hình trường học hạnh phúc. Không gian trường học phải trở thành một hệ sinh thái mở, được tiếp sức bởi kho học liệu chung cho cả nước có chất lượng và miễn phí. Điều này sẽ phá vỡ mọi rào cản địa lý và kinh tế, để không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Đổi mới giáo dục - Chính sách, lòng tin và lựa chọn di sản
Cuộc chuyển mình này chỉ thành công khi có sự song hành giữa vai trò dẫn dắt của Nhà nước và niềm tin của toàn xã hội.
Vai trò dẫn dắt của Nhà nước cần nhất định phải cắt bỏ kiến thức hàn lâm khó hiểu, tăng cường giáo dục trải nghiệm và phát triển năng lực. Để giảm thiểu tác động của các "lò luyện thi biến tướng", Bộ GD&ĐT cần liên tục đổi mới định dạng kiểm tra, đánh giá theo hướng thông minh nhằm đo lường năng lực tư duy thay vì ghi nhớ thuộc lòng.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, cần thiết phải ưu tiên chiến lược vào con người (chế độ đãi ngộ, phát triển nhà giáo) và hạ tầng số. Mỗi quyết sách ban hành đều phải trả lời được câu hỏi: "Điều này có thực sự vì sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của học sinh hay không?".
Vun đắp niềm tin xã hội, thách thức lớn nhất đến từ sức ì của tư duy khoa cử và nguy cơ bùng nổ của các "lò luyện thi năng lực" biến tướng, vốn có nguy cơ triệt tiêu sáng tạo và làm xói mòn mục tiêu giáo dục. Điều này đòi hỏi vai trò dẫn dắt của truyền thông và giới trí thức để kiên trì xây dựng niềm tin xã hội rằng: đầu tư vào năng lực thực chất mới là sự đầu tư bền vững nhất. Mọi thay đổi phải đặt tiêu chí công bằng và minh bạch lên hàng đầu.
"Phép thử" 2025 không hẳn là một bản báo cáo thành tích, đúng hơn là bản chẩn đoán sức khỏe của cả nền giáo dục. Con đường cải cách đó đầy rẫy những thách thức, khó khăn và bất cập.
Lịch sử sẽ không hỏi về phổ điểm của một kỳ thi, mà sẽ hỏi về di sản chúng ta để lại. Chúng ta đang đứng trước một lựa chọn định hình vận mệnh: Hoặc tiếp tục cuộc đua để tạo ra những "gà nòi công nghiệp" giỏi tuân thủ nhưng lạc lối khi đứng trước cuộc đời thực. Hoặc cùng nhau, bằng cả trái tim và khối óc, bằng dũng khí và tầm nhìn, dựng xây một nền giáo dục mà sản phẩm cuối cùng là những con người biết mình là ai, biết mình muốn gì, và có đủ bản lĩnh để mưu cầu hạnh phúc suốt đời.
Di sản đó là trách nhiệm và niềm tự hào mà thế hệ chúng ta phải cùng nhau vun đắp cho mai sau.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!