Sở GD&ĐT Hải Phòng kiến nghị một số giải pháp để thực hiện dạy 2 buổi/ngày hiệu quả
Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng có thể dùng trụ sở UBND xã/phường cũ sau khi sáp nhập làm phòng học cho các trường đang thiếu để đáp ứng dạy 2 buổi/ngày.
Chủ trương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhận được sự đồng thuận cao từ phụ huynh và học sinh. Việc học tập cả ngày tại trường không chỉ giúp giảm áp lực học thêm ngoài giờ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong quản lý thời gian và sắp xếp công việc, nhất là với các gia đình lao động, công nhân tại đô thị.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn hiện nay là việc đảm bảo cơ sở vật chất trong tổ chức triển khai. Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã có một số kiến nghị để hoạt động này được tổ chức hiệu quả trong thực tế.
Thực tế tổ chức dạy 2 buổi/ngày tại Hải Phòng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thông tin về tình hình tổ chức dạy 2 buổi/ngày trên địa bàn thành phố năm học 2024-2025.
Đối với cấp tiểu học, trong năm học 2024-2025, thành phố Hải Phòng duy trì và mở rộng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại cấp tiểu học với tỷ lệ thực hiện cao. Toàn thành phố Hải Phòng sau sáp nhập có 474/475 trường có cấp tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đạt 99,7%. Trong đó, khu vực Tây Hải Phòng đạt 100% (256/256 trường), khu vực Đông Hải Phòng đạt 99,5% (218/219 trường), còn 01 trường tại huyện Cát Hải (cũ) chưa tổ chức do thiếu phòng học.
Tại khu vực Tây Hải Phòng, tất cả cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo đúng yêu cầu chương trình, bố trí không quá 7 tiết/ngày, bảo đảm 9-10 buổi/tuần. Thời khóa biểu được sắp xếp khoa học, cân đối giữa các môn học bắt buộc và hoạt động tự chọn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tại Đông Hải Phòng, số lớp, số học sinh được học 2 buổi/ngày chưa đảm bảo 100%, 8/14 quận/huyện (cũ) tổ chức cho 100% số lớp trong nhà trường; 6/14 quận/huyện (cũ) còn lại chỉ tổ chức được một số lớp trong nhà trường dạy học 2 buổi/ngày, số còn lại chỉ tổ chức được trên 6 buổi/tuần.

Ảnh minh họa: Lã Tiến
Tỷ lệ lớp và học sinh thực học còn chênh lệch giữa các địa phương, tỷ lệ học sinh học đủ 2 buổi/ngày dao động từ 72% đến gần 100%, trong đó thấp nhất là quận Hải An (cũ, 72,7%), cao nhất là huyện Kiến Thụy (cũ, 99,98%). Sở đã hướng dẫn các nhà trường linh hoạt bố trí thời khóa biểu và nội dung chương trình phù hợp với điều kiện thực tế.
Đối với cấp trung học cơ sở, tính đến thời điểm hiện tại sau sáp nhập, thành phố Hải Phòng có 49 trường có cấp trung học cơ sở đang tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (48 trường phía Đông Hải Phòng, 01 trường phía Tây Hải Phòng), chiếm tỷ lệ 11,5%; trong đó có 44 trường công lập và 05 trường tư thục.
Tất cả 5 trường tư thục có cấp trung học cơ sở tổ chức ăn bán trú. Các trường trung học cơ sở công lập không tổ chức ăn bán trú, chủ yếu áp dụng hình thức giãn thời khóa biểu trong ngày nhằm tận dụng tối đa điều kiện phòng học hiện có và bảo đảm thực hiện đủ thời lượng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đối với cấp trung học phổ thông, thành phố Hải Phòng sau sáp nhập có 4 trường tư thục có cấp trung học phổ thông đang tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (phía Đông Hải Phòng), chiếm tỷ lệ 0,94%, các trường này tổ chức ăn bán trú.
Điều kiện tối thiểu để dạy học 2 buổi/ngày:
Về điều kiện cơ sở vật chất, theo quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 ban hành quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, tiểu học, trung học và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 ban hành quy định phòng học bộ môn cơ sở giáo dục phổ thông: Điều kiện để triển khai dạy học 2 buổi/ngày là tỷ lệ phòng học/lớp đạt tối thiểu 1,0. Đồng thời, trường phải có đủ phòng bộ môn để thực hiện nội dung giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về điều kiện đối với đội ngũ giáo viên, theo Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023, để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường phải bảo đảm đủ số lượng và cơ cấu giáo viên theo định mức tối thiểu như sau:
Đối với cấp tiểu học: 1,5 giáo viên/lớp.
Đối với cấp trung học cơ sở: 1,9 giáo viên/lớp.
Đối với cấp trung học phổ thông: 2,25 giáo viên/lớp.
Đánh giá tình hình tổ chức dạy học 02 buổi/ngày trong năm học 2025-2026 trên địa bàn, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho hay: Đối với cấp tiểu học, tổng số trường đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là 476/476 trường, đạt 100%.
Đối với cấp trung học cơ sở: Tổng số trường có cấp trung học cơ sở đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là 262 trường, chiếm 61,4% (Tây Hải Phòng có 117 trường, chiếm tỷ lệ 46,8%; Đông Hải Phòng có 145 trường, chiếm 81,9%). Còn lại 165 trường chưa đủ điều kiện để triển khai mô hình, tương ứng 38,6% (Tây Hải Phòng có 133 trường, chiếm tỷ lệ 53,2%; Đông Hải Phòng có 32 trường, chiếm 18,1%).
Đối với cấp trung học phổ thông: Tổng số trường có cấp trung học phổ thông đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là 83 trường, chiếm 65,4% toàn thành phố (Tây Hải Phòng có 43 trường, chiếm 70,5%; Đông Hải Phòng có 40 trường, chiếm 60,6%). Còn lại 44 trường chưa đủ điều kiện để triển khai mô hình, tương ứng 34,6% (Tây Hải Phòng có 18 trường, chiếm 29,5%; Đông Hải Phòng có 26 trường, chiếm 39,4%).
Một số kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, với yêu cầu phân bố thời lượng dạy học hợp lý trong tuần. Việc tổ chức học 2 buổi/ngày giúp thực hiện đầy đủ các nội dung của chương trình, đặc biệt là các hoạt động tự chọn, trải nghiệm sáng tạo, phát triển thể chất và kỹ năng sống.
Mô hình dạy học 2 buổi/ngày cũng cho phép các cơ sở giáo dục sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ hiện có. Nhiều trường đã chủ động bố trí thời khóa biểu theo hướng linh hoạt, giảm tải buổi sáng, mở rộng nội dung giáo dục buổi chiều, đồng thời tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh, hạn chế tình trạng dạy thêm - học thêm không đúng quy định.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, khó khăn lớn nhất hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất của nhiều trường học chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu để triển khai đồng bộ mô hình 2 buổi/ngày. Nhiều nơi thiếu phòng học bộ môn, nhà ăn, phòng đa năng và các điều kiện hỗ trợ tổ chức hoạt động giáo dục buổi chiều theo định hướng chương trình mới.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn thiếu cả về số lượng và cơ cấu môn học, đặc biệt là các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Giáo dục thể chất.
Ngoài ra, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung dạy học buổi thứ hai, cũng như cơ chế phân định rõ ràng giữa phần ngân sách nhà nước chi trả và phần huy động từ xã hội hóa. Thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng dẫn đến tâm lý e ngại, lúng túng trong triển khai, đặc biệt tại các địa bàn nhạy cảm về thu - chi tài chính trong nhà trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng có một số kiến nghị để việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày trên địa bàn diễn ra hiệu quả.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thứ nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng mong muốn Bộ hướng dẫn triển khai dạy học 2 buổi/ngày đối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, thực hiện ở những nơi đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ và có nhu cầu thực tiễn.
Thứ hai, sớm ban hành khung chương trình dạy học 2 buổi/ngày cụ thể, trọng tâm, định hướng rõ thời lượng và nội dung từng buổi, giúp các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, khả thi, không hình thức.
Thứ ba, quy định rõ về trình độ chuyên môn, tiêu chuẩn hành nghề, phạm vi trách nhiệm đối với các cá nhân ngoài biên chế ngành giáo dục (như nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên chuyên nghiệp…) khi tham gia tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường, đồng thời làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng trong lựa chọn, quản lý và giám sát các hoạt động này.
Thứ tư, ban hành hướng dẫn chi tiết việc phân định nguồn lực chi cho hoạt động dạy học 2 buổi/ngày: nội dung nào do ngân sách nhà nước đảm bảo, nội dung nào huy động từ nguồn xã hội hóa; đồng thời có quy trình chuẩn về tổ chức xã hội hóa trong trường học để bảo đảm minh bạch, hiệu quả và không phát sinh tiêu cực trong quá trình triển khai.
Đối với Ủy ban nhân dân thành phố: Thứ nhất, tiếp tục bố trí nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, nhất là tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh và mật độ dân cư cao. Trong đó, ưu tiên cải tạo, nâng cấp phòng học, sân chơi, bãi tập, phòng thí nghiệm, nhà đa năng, bếp ăn, tạo điều kiện tối thiểu để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Thứ hai, xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích giáo viên và nhân viên trực tiếp tham gia triển khai dạy học 2 buổi/ngày tại các trường công lập, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn, nhằm ổn định đội ngũ, bảo đảm tính bền vững trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ ba, giao trách nhiệm cho các sở, ngành phối hợp kiểm tra, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn trong quá trình các đơn vị triển khai, bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ sở.
Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã: Thứ nhất, rà soát toàn bộ trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã/phường cũ sau khi sáp nhập, đánh giá hiện trạng để chuyển đổi mục đích sử dụng thành điểm trường, bổ sung phòng học cho các cơ sở giáo dục đang thiếu diện tích hoặc đang phải dạy học luân phiên, học ca.
Thứ hai, chủ động đề xuất với thành phố để tổ chức bố trí, sắp xếp lại quỹ phòng học, đồng thời đề xuất kế hoạch bổ sung cơ sở vật chất tối thiểu như bàn ghế, bảng, thiết bị dạy học thiết yếu phục vụ cho dạy học 2 buổi/ngày.
Thứ ba, tham mưu cơ chế cho phép Ủy ban nhân dân cấp xã/phường được chủ động hợp đồng giáo viên (theo thẩm quyền và trong phạm vi ngân sách được giao) để đáp ứng kịp thời tỷ lệ giáo viên/lớp theo định mức tối thiểu.