Lời giải nào cho bài toán thu hút đầu tư vào ngành điện?
Tại Tọa đàm 'Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện', các đại biểu đã có nhiều đề xuất, kiến nghị về hút đầu tư vào phát triển bền vững ngành điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Liên thông điều chỉnh từ giá nhiên liệu đầu vào đến giá điện
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động, thực tế vận hành của các nhà máy điện than thì nguyên liệu đầu vào chiếm đến 70-80%, cho nên việc thay đổi nguồn nhiên liệu ảnh hưởng rất lớn đến giá bán.
Hiện có những nhà máy lo về nguồn hàng chuyển sang dùng than pha trộn nhập khẩu và sau khi tính giá bán thậm chí phải dừng cả nhà máy do giá cao hơn giá thị trường. Có nghĩa là giá thị trường đang thấp so với nguồn nguyên liệu đầu vào, làm ảnh hưởng đến chế độ vận hành cũng như hiệu quả kinh tế và tính toán quản trị doanh nghiệp.
Trước những nguy cơ như thế, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động đề xuất việc liên thông điều chỉnh từ giá nhiên liệu đầu vào đến giá điện. Đặc biệt như nhiệt điện than còn liên quan đến giá của các nguyên liệu và chuyển đổi, cần có cơ chế liên thông linh hoạt trong tính toán và điều hành.
Hệ thống truyền tải phải an toàn
Thứ hai là hệ thống lưới. Nếu như đầu tư lâu dài về mặt an toàn hệ thống, an ninh hệ thống cần phải có một hệ thống truyền tải đủ đảm bảo cũng như hệ thống truyền tải thông minh để có thể cân được nguồn từ các vùng, các miền, các thời điểm…
Thứ ba là cơ chế mua bán điện. Lộ trình thì Chính phủ cũng đã có bán điện trực tiếp. Tuy nhiên, để giải quyết được trong bối cảnh cũng như nhu cầu hiện tại, cần rất nhiều cơ chế và sự tham gia của nhiều ngành, đặc biệt là hệ thống hành lang pháp lý để các đơn vị, tổ chức lớn có thể mua trực tiếp từ các nhà máy.
Đặc biệt nữa là việc đầu tư thêm các hệ thống dự trữ năng lượng cho các nhà máy năng lượng tái tạo. Đó là những gì sẽ ảnh hưởng lâu dài, bền vững đến hệ thống điện Việt Nam.
Quan trọng nhất với doanh nghiệp là chào giá
Chia sẻ về những điểm quan trọng đối với các doanh nghiệp đầu tư như Sơn Động, ông Bùi Xuân Hồi cho rằng có 2 điểm cần chú ý:
Thứ nhất, về mặt giá cả, được giá thì mới chào, nên quan trọng nhất với doanh nghiệp là chào giá.
Thứ hai, làm thế nào để tham gia hệ thống ít nhất để giảm bớt chi phí khởi động và bảo đảm ổn định của hệ thống. Như hiện nay, về cơ chế giá, thì chủ thể ảnh hưởng nhiều nhất là EVN, nên vấn đề quan trọng nhất của doanh nghiệp là EVN có tiền để trả cho doanh nghiệp nữa không.
Rà soát các chính sách hỗ trợ
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hộiPhan Đức Hiếu thì nhấn mạnh, thứ nhất, để giảm giá thành điện, phải nghĩ đến các thể chế, chính sách khác có giúp cho việc sản xuất điện tiết kiệm hơn không, ví dụ, quy trình, thủ tục đầu tư.
Phải rà soát luôn, nếu cải cách được cả quy trình đầu tư để phát triển một dự án điện; quy trình, thủ tục về tham gia bán buôn, bán lẻ điện… giảm đi, rõ ràng sẽ tạo cơ hội để giảm giá.
Thứ hai, giá điện có tác động đến đời sống kinh tế, xã hội, vì vậy phải rà soát chính sách hỗ trợ về bán điện cho các đối tượng. Việc này phải thực hiện luôn, nhưng vẫn trên nguyên tắc cơ chế tài chính tách bạch, Nhà nước tách bạch giữa việc hỗ trợ với việc kinh doanh.
Thứ ba, thúc đẩy bán điện cạnh tranh, làm sao để có sự tham gia của nhiều bên hơn. Như vậy, cùng với hệ thống, cần tìm mọi cách để có giá điện tốt nhất với phương hướng tốt nhất, tiết kiệm chi phí nhất.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, chúng ta đang sửa Luật Điện lực, có rất nhiều nội dung đã và đang được đề cập trong đó. Rào cản hiện nay vẫn còn đang xuất hiện nhiều chính là các thủ tục hành chính.
Người ta đếm ra ở Luật Điện lực cũ có 17 thủ tục hành chính đối với đầu tư điện. Tất cả những rào cản hành chính như Nghị quyết 55 đã đề cập, kể cả về đầu tư, về giá,... phải xóa bỏ để hướng đến tính thị trường nhiều hơn.
Luật Điện lực phải được sửa kỹ lưỡng
Theo chuyên gia Kinh tế năng lượngBùi Xuân Hồi, đầu tiên, sửa Luật Điện lực là một cơ hội và phải xác định đúng là cơ hội thật. Lý do không thể năm nay mang ra sửa, năm sau mang ra sửa. Nó là cơ hội và nếu đã là cơ hội thì đề nghị các đơn vị làm luật trước khi trình đến những cấp cao hơn, đến Quốc hội thì phải làm thật kỹ lưỡng.
Hiện nay có những dự thảo chưa chất lượng khi chuyển lên các cấp có thẩm quyền cao hơn. Đây là chia sẻ rất thật, vì làm luật rất khác làm các văn bản bình thường. Hãy làm Luật Điện lực một cách chất lượng, tạo ra một dự thảo tốt trình lên Quốc hội. Hãy đưa tất cả những vấn đề thật sự trọng tâm, trọng điểm của ngành vào để làm sao sau này dưới luật là những văn bản pháp quy khác làm cho ngành vận hành tốt.
Thứ hai, chúng ta quyết liệt cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Không thể để một văn bản quan trọng như thế từ năm 2014 đến bây giờ không điều chỉnh. Chúng ta càng để lâu không điều chỉnh thì những lần điều chỉnh sau sẽ vô cùng khó vì tác động rất lớn.
Trong dự thảo dùng từ "vi chỉnh" dần dần, tức là phân biệt giá để mỗi lần điều chỉnh là giảm dần, chứ không thể điều chỉnh sốc ngay.
Ông Bùi Xuân Hồi cho rằng cũng cần phải nghiên cứu đến hướng sớm sửa ngay Quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trong thời gian song song với quá trình tu chỉnh Luật Điện lực. Đấy là cơ cấu biểu giá để phản ánh một biểu giá phù hợp.
Và điểm quan trọng nhất là cơ chế điều hành giá, tức là khi có cơ cấu biểu giá phù hợp rồi thì điều hành như thế nào. Làm mọi cách để giảm giá thành đi nhưng khi người ta đã cố gắng giảm giá thành rồi, đã tính đúng rồi thì phải thừa nhận người ta tính đúng giá thành và điều hành theo đúng giá thành.
Những vấn đề về cơ cấu biểu giá và cơ chế điều hành giá nên luật hóa ở mức độ cao hơn, ví dụ như Nghị định của Chính phủ. Xăng dầu chúng ta thậm chí 1 tuần điều chỉnh 1 lần.
Chúng ta không làm được như thế với điện, thì từ quyết định của Thủ tướng trở thành nghị định của Chính phủ để 3 tháng chúng ta điều chỉnh 1 lần, "đến hẹn lại lên" chúng ta điều chỉnh được không? Như thế, ngành sẽ dần dần ổn định và đảm bảo được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra một cách hợp lý nhất.