Lời hẹn Tết với cây
Người ta nói 'nhà là nơi để về', vậy mà đôi lúc cô tưởng như mình là một kẻ vô gia cư, chẳng tìm được lý do gì để hào hứng trở về, hoặc trở về trong ảo não rồi trở đi trong buồn bực; càng chẳng thể chia sẻ với ai nỗi hụt hẫng, trống rỗng đến xót xa của lòng mình.
Gió cứ nối nhau lùa từng cơn ràn rạt từ phía triền đồi. Miên chẳng để tâm cả những cái rùng mình, mải miết sải những bước chân lang thang vô phương, vô định, tay không ngừng với bứt những cành hoa xuyến chi, bứt rồi ném, bứt rồi lại ném. Dưới chân, đám cỏ gà khô vàng, héo rũ, lấm tấm hơi sương. Lần nào về quê, Miên cũng lần bước lên vạt đồi ấy, chán rồi lại mò xuống phía khu vườn nơi còn sót lại duy nhất một cây mận tam hoa già cỗi, cái cây mà từ hồi nhỏ cô đã nhận riêng là của mình rồi chăm chăm, bẵm bẵm. Miên ngồi tựa lưng trầm ngâm ở đó, một mình, thật lâu, thủ thỉ. Chỉ ở đó cô còn tìm được bình yên để vỗ về trái tim bé nhỏ.
Ngày bé, anh chị em Miên và lũ cái Phượng Ớt chiều nào cũng túm tụm ở đây, quanh cái vạt đồi này. Hồi ấy, mỗi nhà một đàn trâu. Vào mùa rét, cỏ rạc đi, đỏ quạch, trâu gầy thấy rõ, lông dài ra, dựng đứng. Của đáng tiền nhất chỉ có đàn trâu, mùa đông rét mướt ít cỏ, lại hết việc mùa, nên việc chính của đám trẻ con lớn bé đều tập trung vào chăn trâu, lấy củi. Buổi sáng đi học, buổi chiều lên đồi, tốp lớn như anh chị của Miên, với đám anh Tân, anh Toàn, chị Nhuận thì cầm dao quắm, đeo gùi kéo nhau sục vào các khe, những mỏm đá cao mà bọn trâu không leo tới được để tìm cỏ mà cắt. Bọn em út ít như Miên, thằng Tình, cái Phượng, cái Mận đương nhiên thành một đội nhí chuyên le thừng trâu đi buộc ở những chỗ có cỏ và trông chừng mấy con nghé mải chơi, cứ le từ chỗ nọ buộc sang chỗ kia, cỏ đã nát nhàu, tịt gốc. Cứ xong xuôi việc, thể nào tốp các anh chị lớn cũng mang về được chiến lợi phẩm, lúc thì vài củ sắn, lúc lại củ mài. Rồi xúm vào một đống mà thổi lửa, mà nướng ăn. Trời rét căm căm, hầu như lúc nào cũng mưa phùn, gió bấc, củi cỏ ẩm ương dở khô dở ướt, nhóm được một đống lửa thì đứa nào đứa nấy bụm thổi say cả khói, hoa cả mắt mới cháy được. Vậy mà cuối chiều nào về ai cũng một bụng no căng. Hồi ấy nghèo mà vui biết mấy! Nhà nào khá lắm cũng chỉ có hơn cái ti vi đen trắng hoặc cái đầu quay băng. Nhà Miên xem như khá nhất làng, ti vi, đầu quay băng đủ cả. Dù nuôi ít trâu nhất, cả đàn chỉ có ba con, hai mẹ con trâu cái với một con trâu cà, nhưng bố Miên từ kế toán hợp tác xã, rồi chuyển làm phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã, có đồng lương ra vào, mắm muối lúc nào cũng đủ, lại còn có cả con xe máy "uây tàu" màu đỏ nữa. Sáng nào Miên cũng được bố cho ngồi theo trên con xe ấy đến trường đi học. Bố lại ưa hình thức, lại thương chiều Miên số một, mới lớp sáu đã được may quần âu, đi giày da gót vuông chơi Tết rồi. Thế là nghiễm nhiên Miên được gán cái mác tiểu thư tư sản.
Sau này, khi Miên vào lớp chín, anh chị của cô đều đã ra trọ học cấp ba ngoài phố huyện, đàn trâu không ai chăn đành bán hết, hễ đến vụ là thuê máy cày bừa. Việc học cuối cấp cũng cuốn Miên đi, thưa dần những buổi chiều lẽo đẽo theo bọn bạn cùng trang lứa lên đồi đợi chúng nó cắt cỏ trâu xong để chơi các trò hoặc hì hụi nướng sắn. Rồi máy cày nhiều lên, đám nhà anh Tân, chị Nhuận cũng bán bớt đàn trâu, thưa dần tiếng trẻ con nhí nhéo, đồi xanh um cỏ. Cỏ bộ binh, cỏ gà ken vào những lùm chó đẻ, những dải hoa xuyến chi…
Miên vào lớp mười, vườn mận nhà cô bắt đầu bói quả. Độ gần trăm cây mận tam hoa chiết cành, phía cuối vườn là vài chục cây mơ lai nữa, bố cô lấy giống đâu tận mạn Lào Cai. Cô chẳng biết rõ tất thảy là bao nhiêu gốc, vì chẳng mấy khi cất công đếm đủ, cũng chưa bao giờ hỏi mẹ. Chỉ biết rằng cuối mùa đông năm nào hoa cũng nở trắng, ai đi qua đi lại đều không khỏi ngẩn ngơ. Miên nhận một cây mận còi nhất làm của riêng mình, ngày ngày tí tửng vào đấy tưới nước, nhổ cỏ, rải rơm. Khi những lùm cây chó đẻ ven đường và trên vạt đồi chuyển từ màu hoa tím trắng sang thẫm nâu để chuẩn bị tàn, thì hoa mận, hoa mơ ở vườn nhà Miên bắt đầu bung nụ trắng rợp một góc trời. Trưa nào đi học về, cả lũ Miên cũng dựng xe lề đường, nhảy tót vào vườn ngắm nghía chán chê mới chịu mò về. Lúc bọn Miên chuẩn bị được nghỉ Tết là lúc những chùm hoa bắt đầu đậu quả, từng cánh, từng cánh trắng muốt khẽ bứt ra, bay lả tả theo gió, đẹp như cảnh trong mấy bộ phim cổ trang kiếm hiệp Trung Quốc mà nhà Miên hay mở quay băng cho cả làng cùng xem. Bọn Miên cứ ngắm thỏa thích, ngắm say sưa như thể để ghi khắc thật sâu những khoảnh khắc đó vào tâm trí. Hồi ấy chẳng có ảnh như bây giờ. Rồi hè đến, quả sai trĩu trịt. Mận có vụ nhiều vụ ít, chứ mơ hầu như năm nào cũng sai. Lũ bạn lại tíu tít í ới nhau mang theo gói muối trắng leo trèo, vắt vẻo trên cây ăn thả phanh đến ê răng, căng bụng.
Có biết bao nhiêu kỷ niệm cũng mọc lên từ khu vườn ấy, ở cái tuổi ấy, như mối tình đầu của Miên với anh Toàn đầu xóm cũng từ đây. Rất nhiều khi, Miên thì thầm kể với cây mận nhỏ của mình, rồi đòi mẹ cho cắm hoa mận thay cành đào trang trí Tết. Mẹ cô thường cáu um lên bởi Miên không chịu hiểu, ngày Tết mà mang mấy cái đồ màu trắng vào nhà là điềm gở, là ly tán. Chẳng những người Dao nhà cô quan niệm thế, mà người Kinh lên đây khai hoang cũng đều bảo vậy. Ấm ức, nhưng đành chịu thua người lớn thôi. Thế rồi cũng từ vườn mận ấy, đã làm chứng cho Miên làm “cái lễ” đổi cách xưng hô với Diệu - một người bạn thân cùng trường từ mày tao thành chị dâu, em chồng đầy ngượng nghịu.
***
Ký ức đẹp đẽ, êm đềm trôi đi.
Và rồi biết bao đổi thay, xoay vần, cứ thế!
Miên lập nghiệp xa nhà, tích cóp mua được căn nhà nho nhỏ sống một mình, thi thoảng mới về quê. Mỗi đận về, thời gian cô nán lại trong căn nhà cũ lại dần ngắn đi, kể cả Tết, có khi cũng chỉ đôi hôm ngủ lại. Cuộc sống cứ đổi thay bẽ bàng quá, những con người thương thuộc của cô đều không như xưa, nhất là kể từ khi bố rời khỏi ngôi nhà này. Cô cứ bị đè nén bởi một nỗi hụt hẫng không nguôi, chẳng làm sao quen được.
Bữa cơm gia đình trưa nay nghẹn đắng. Chị dâu cô vẫn tận lực gắp, xé thịt tra vào bát cơm của hai đứa nhỏ, phớt lờ hoàn toàn ánh nhìn về chồng, về mẹ, dường như chẳng thể cố tỏ vẻ ôn hòa như nhiều lần trước Miên về được nữa. Miên lặng lẽ gắp miếng thịt gà cho mẹ, đợi mẹ ăn xong rồi khẽ xin phép đứng dậy vào buồng. Chẳng phải một bữa này như thế, kể từ ngày nhà cô có dâu. Nằm vắt tay, bao kỷ niệm quây quần vui vẻ hồi xưa ùa dội. Ngày đó khó khăn chung, sinh hoạt chủ yếu tự cung tự ứng, thịt thà nào có bán tràn lan như bây giờ. Họa hoằn mổ được con gà thì mẹ gắp tim cho con, con gắp thịt cho mẹ, chồng nhắc vợ, vợ giục chồng ăn thêm, anh chị em nhường nhau từng miếng, bữa cơm ấm cúng chứa chan biết chừng nào. Vậy mà giờ đây, mọi chuyện đã trở thành quá vãng. Miên từ một tiểu thư được cưng chiều thành một nhân lực kiếm tiền chính trong nhà. Anh trai cô sức khỏe không được tốt, làm chỉ đủ ăn, cứ lầm lầm, lũi lũi. Hai đứa cháu thì mè nheo quấy khóc suốt đêm ngày, chị dâu đầu bù tóc rối. Ma chay, cỗ chạp, việc to việc nhỏ từ ngày bố đi đều đổ vào một tay Miên gánh vác, thi thoảng chị gái lấy chồng xa gom góp gửi về được thêm chút ít đỡ đần. Bố của cô dứt áo khỏi xứ này đi biệt từ lúc nghỉ hưu, bỏ lại mẹ cô già nua, trơ trọi và ngày càng trở nên khó tính, oái oăm, quái gở vì nỗi đau bị phản bội. Chị dâu cô có lẽ bởi khó khăn, vất vả, ấm ức mà lâu dần thay tâm đổi tính, lầm lì, vô cảm, nhiều lúc giả lả, lắm lần chua ngoa. Người ta nói “nhà là nơi để về”, vậy mà đôi lúc cô tưởng như mình là một kẻ vô gia cư, chẳng tìm được lý do gì để hào hứng trở về, hoặc trở về trong ảo não rồi trở đi trong buồn bực; càng chẳng thể chia sẻ với ai nỗi hụt hẫng, trống rỗng đến xót xa của lòng mình. Lũ bạn giờ cũng mỗi người một ngả, đã dựng vợ gả chồng, yên bề gia thất. Những thứ đẹp đẽ đã hoàn toàn lùi xa. Vạt đồi phía sau nhà giờ cũng bỏ hoang chẳng ai trồng cấy đến, những trảng cỏ mần trầu, cỏ gà dường như không đủ sức chen với đám cây hoa xuyến chi, bọn chó đẻ để mà xanh.
Miên thường chân trần lang thang khắp triền đồi cả buổi, bứt ném những chùm hoa đến nát nhàu một vùng, mùi hăng hắc xộc lên, ám đầy tay chân, quần áo, rồi lại tha thẩn xuống vườn. Mảnh vườn rợp hoa mận, hoa mơ xưa kia giờ đã được thay thế bởi một dải những cây cam sành trĩu quả vàng ươm, lúc lỉu. Chỉ còn để duy nhất cái cây mận của Miên từ hồi đó, chơ vơ. Mỗi lần về, cô thường dành cả tiếng ngồi nói vu vơ với nó, nhẹ khắc lên thân những nét gạch không hồn, mờ nhạt, khe khẽ, vì sợ nó đau. “Hồi sáng em về tới thì chị đi làm rồi, anh cả bảo em bán hộ được vài tạ quả, được từng đây tiền nhé!”. "Ừ, thôi, cô với bà cứ giữ lấy, chứ vườn tược hoa quả này chị không có công có cán...". Niềm háo hức của cô hồi trưa bỗng tắt lụi. Lẽ nào do mình nghĩ đơn giản quá, làm chị phật ý? Hay mẹ từng nói gì làm chị tự ái nhỉ? Chẳng biết bao lâu rồi cô cứ thèm một bữa cơm gia đình ấm cúng đúng nghĩa như xưa. Vậy mà rồi cứ vì một câu chuyện nhỏ nhặt nào đó mà nó thành ra ngậm ngùi, tủi bực. Miên cứ tự hỏi, tự trả lời rồi uể oải tựa lưng vào gốc cây mận duy nhất còn sót lại phía góc vườn, ngửa mặt lên để mắt mũi mình khẽ ướt cùng những giọt mưa bụi mỏng như rắc bột từ nền trời xám ngoét. Vài cánh hoa trắng muốt khẽ rơi nghiêng, uốn lượn như vòng xoáy vào khoảng không ảm đạm.
Lẽ còn ngủ cùng mẹ được thêm một đêm, nhưng sống trong cái cảnh ông chẳng bà chuộc, dùng lưng mà thưa nhau chiếu lệ, người ra kẻ vào như những cái bóng, Miên cũng như một cái bóng không hơn gì, cô thật sự không chịu nổi, không thở nổi. Cô viện lý do đi gấp do lệnh công tác đột xuất của cơ quan. Nhìn mẹ ngậm ngùi, cô bước đi như chạy về phía chiếc xe khách đã chật cứng người. Lần nào cũng thế, về chỉ để gom thêm vào lòng những nỗi buồn nặng trĩu.
***
“Cô ơi! Về, về cứu con anh, cứu cháu cô với!”. Giọng run rẩy đến gần như tắc nghẹn giữa chừng của anh trai cô trong điện thoại làm Miên cuống cuồng. Thằng lớn nhà anh cả bị người ta tông xe, máu chảy quá nhiều. Vốn cả hai bố con đều bị huyết tán thể nhẹ, máu khó đông và thiếu máu nặng. Mà lại nhóm máu AB (RH -), một thể máu hiếm, tỷ lệ chỉ chừng 1/1000 ca, gần như không bao giờ có đủ máu trong ngân hàng máu của bệnh viện, càng khó lòng tìm được ai cùng nhóm máu hiếm để mà mua, mà cầu cứu. Miên xin lãnh đạo vắng mặt bất khả kháng trong chương trình rất quan trọng của cơ quan sẽ diễn ra vào hôm sau, một mạch về thẳng bệnh viện để tiếp máu. Lẽ ra không thể lấy lượng máu nhiều như vậy từ cơ thể Miên, nhưng cô một mực van nài, tự nguyện làm cam kết, và nói khó với trưởng khoa (bạn cũ của cô). Cuối cùng cũng ổn, chỉ là thời gian và chế độ nghỉ dưỡng của cô cần tăng lên. Ơn trời!
Chị Diệu bẽn lẽn bước vào phòng, theo sau là mẹ, khi Miên đang gói ghém đồ đạc chuẩn bị rời quê. Tay cầm gói xôi đỏ còn đang ấm, xì xoạt trong cái túi bóng hấp hơi, chị lóng ngóng nhét vào ba lô cho cô em chồng, ấp úng dặn: “Năm nay cô về ăn Tết nhé, lâu quá rồi!”, rồi như thể sợ lời của mình không đủ đáng giá, chị quay nhẹ người ra phía sau bảo mẹ chồng: “Bà bảo cô ấy một câu đi bà, năm nay phải ăn Tết thật to mới được!”. Miên khẽ khàng ngẩng lên, mãi mới trả lời được vài câu rời rạc: “Vâng, để em thu xếp ạ!”.
Mẹ được thể tíu tít như đứa trẻ con, vồn vã bảo: "Giờ họ chả kiêng kỵ gì hoa mận hoa mơ mang cắm trong nhà con ạ, Tết về tha hồ chặt lấy mà cắm chơi". "Thôi mẹ, giờ đừng chặt nữa, hẵng để yên còn nở thêm được vài vụ. Chứ nó già rồi, không chịu nổi đau!".
Đặt tay lên lớp vỏ cây mận già xù xì, loang lổ mốc trắng, trên những cành khẳng khiu đang chớm nụ, Miên thủ thỉ nói một lời hứa hẹn với cây: “Chờ tao mận nhá, mấy nữa Tết tao về!” rồi khẽ mỉm cười xách ba lô bước đi.
Truyện ngắn của Trần Mỹ Thương