Lời hứa của sự yêu thương
Đã từ lâu, bếp cơm từ thiện trao suất ăn yêu thương tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang vẫn âm thầm hoạt động như lời hứa của sự yêu thương. Hàng ngàn bữa cơm, phần cháo nóng như 'liều thuốc tinh thần', giúp người bệnh và thân nhân thêm ấm lòng, vững tâm vượt qua khó khăn, bệnh tật.
Có mặt tại sân Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang vào giờ phát cơm từ thiện, chúng tôi mới cảm nhận đầy đủ tình cảm chân thành, mộc mạc mà vô cùng ấm áp của những cô chú trao cơm miễn phí tại đây. “Con lấy mấy phần ăn?”; “Chị ăn bao nhiêu đủ no không?”; “Mai lại nhận cơm nữa nghe cô!”...
Tay không ngừng nhịp lấy cơm, thức ăn trao cho thân nhân nuôi bệnh, thành viên tổ phát cơm từ thiện vẫn không quên hỏi han, quan tâm mọi người. Giá trị mỗi suất ăn không lớn, nhưng đã giúp bệnh nhân vơi bớt khó khăn trong hành trình chiến đấu với bệnh tật, “tiếp sức” người nhà bệnh nhân, để họ thêm vững tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Gắn bó với Bếp cơm từ thiện Dân Lập cô Tư (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) từ những ngày còn trao cơm ở Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cũ (nay là Bệnh viện Sản - Nhi An Giang), chú Võ Văn Bi (65 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) bày tỏ: “Tôi ở trực chiến tại bếp ăn, lâu lâu mới về thăm nhà ít hôm, xong lại trở xuống phụ giúp anh em. Mỗi ngày, tôi thức từ 2 giờ sáng nấu 150kg gạo, rồi quay sang phụ gọt rau củ. Nấu xong, chúng tôi đẩy cơm, thức ăn vừa chín, còn nóng hổi đến bệnh viện phát cho bệnh nhân và người nhà, vào các khung giờ cố định (9 giờ và 14 giờ)”.
Giọt mồ hôi làm ướt cả lưng áo, nhưng những cô chú đứng trao cơm từ thiện vẫn rất ân cần, vui cười mỗi khi trao tay ai đó phần ăn, lại còn dặn: “Ăn nhiều nhiều đi, đừng có để dành, buổi chiều chúng tôi còn phát nữa!”. Câu nói thật ấm lòng. Giữa lo toan về bệnh tình người thân, họ lại được động viên bởi suất cơm nghĩa tình từ những người hoàn toàn xa lạ.
“Mỗi khi đi viện, để tiết kiệm chi phí, tôi chỉ mua suất ăn đủ chất cho người nhà, còn mình thì ăn bữa ăn miễn phí ở bệnh viện. Nhờ vậy, tôi đỡ đi phần nào nỗi lo trong quá trình điều trị nhiều ngày ở bệnh viện” - chị Nguyễn Thị Dúng (thân nhân nuôi bệnh) chia sẻ.
“Bếp ăn có nhiều tổ nấu, nhưng ai rảnh lúc nào thì vào phụ lúc ấy. Chúng tôi phát tâm làm từ thiện, nên không phân bì ai làm ít làm nhiều bao giờ. Người cao tuổi nhất ngoài 90, ít tuổi nhất cũng hơn 50. Dù phải dậy sớm, tất bật chuẩn bị nhiều việc cho bếp ăn, nhưng chúng tôi thấy rất vui vì đã góp chút sức nhỏ vào công tác thiện nguyện ở địa phương” - bà Nguyễn Thị Chiến (64 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới) tâm sự.
Tại bếp ăn Cơ sở nhân đạo xã hội bệnh viện, mỗi ngày, tình nguyện viên (đa phần là cô, chú lớn tuổi) cùng nhau đóng góp sức, nấu tặng khoảng 2.000 suất cơm, cháo, nước sôi... miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở 4 bệnh viện: Đa khoa Trung tâm An Giang, Sản - Nhi, Tim mạch và Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt An Giang.
Ông Nguyễn Văn Thanh (Phó Trưởng ban Thường trực Cơ sở nhân đạo xã hội bệnh viện) cho biết: “Tiền thân của cơ sở là những nhà hảo tâm làm thiện nguyện tự phát cách đây mấy mươi năm. Đến năm 2006 mới hình thành, phát triển dưới tên gọi Cơ sở nhân đạo xã hội bệnh viện (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang).
Dù là phần ăn chay, nhưng luôn được đầu bếp chế biến bằng cả tấm lòng, với nhiều món xào, canh, món kho và được đổi món mỗi ngày. Lực lượng tình nguyện viên thường trực của cơ sở khoảng 18 người, gồm 5 tổ thay phiên nhau nấu. Bằng tấm lòng thiện nguyện, các thành viên luôn cố gắng vượt khó, hết mình vì công tác xã hội, duy trì hoạt động đến hôm nay. Ấm lòng nhất là nhiều thân nhân nuôi bệnh tranh thủ lúc rảnh cũng góp sức tiếp chúng tôi phát cơm, nước sôi miễn phí cho mọi người. Điều đó chứng tỏ những việc làm thiện nguyện luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ!”.
Đều đặn ngày nắng hay mưa, mọi người chuẩn bị từ rất sớm, gồm cơm, món chay luân phiên nhằm thay đổi khẩu vị, đảm bảo dinh dưỡng. Những bữa cơm, bữa cháo đầy ắp tình người được rất nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tự nguyện đóng góp kinh phí, hàng hóa, công sức để duy trì suốt thời gian qua.
“Chứng kiến biết bao cảnh đời, hình ảnh người bệnh đi lọc thận, người bị bệnh đến nhận cơm làm tôi rất xúc động. Những bữa cơm giúp người khó khăn ấm lòng thì tôi cũng vui lây. Tôi tâm niệm, còn sức thì sẽ tiếp tục gắn bó với cơ sở” - ông Thanh bộc bạch thêm.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/loi-hua-cua-su-yeu-thuong-a393949.html