Lợi ích của Nga-Trung trong tranh chấp Nhật-Hàn
Dù Nhật Bản và Hàn Quốc có thể không đồng ý với nhau về việc bên nào sở hữu cụm đảo đá nhỏ ngoài khơi, nhưng cả hai nhất trí rằng máy bay ném bom của Nga không nên bay phía trên chúng.
Theo phân tích của đài CNN, Nga và Trung Quốc đã lợi dụng tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc để chia rẽ sự đoàn kết của các đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Quần đảo Dokdo/Takeshima là đối tượng tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, đã trở thành tiêu điểm sau một vụ xâm phạm không phận của một máy bay phản lực Nga hôm 23-7.
Hàn Quốc cho biết các máy bay chiến đấu của họ đã bắn hàng trăm phát súng cảnh báo vào máy bay tình báo và radar A-50 của Nga sau khi các quan chức ở Seoul nói rằng họ đã hai lần đi vào ranh giới 12 hải lý mà Hàn Quốc coi như không phận của mình quanh các đảo tranh chấp.
Moscow đã từ chối thẳng thừng các báo cáo của Seoul về cuộc chạm trán, cho rằng máy bay phản lực của quân đội Hàn Quốc đã liều lĩnh chặn hai máy bay ném bom của Nga trong cuộc tập trận quân sự đầu tiên với Trung Quốc trên vùng biển trung lập.
Hai máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc đã bay cùng Nga như một phần của cuộc tập trận chung mà Bắc Kinh cho rằng đã tuân thủ luật pháp quốc tế. Một vị tướng Nga phủ nhận việc bắn phát súng cảnh báo và sự tham gia của A-50 chỉ nhằm hỗ trợ cho nhiệm vụ chung.
Các hòn đảo trên có thể chỉ là cái cớ mà Moscow cần để tiếp tục chia rẽ mối quan hệ an ninh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á và đánh lạc hướng Washington khỏi các khu vực khác trên thế giới hiện đang nóng hơn trong các chương trình nghị sự về Nga.
Giống như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đưa máy bay chiến đấu để đánh chặn các máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc. Và Nhật Bản đã cáo buộc máy bay phản lực và tình báo điều khiển trên không A-50 (AWACS) của Nga đã vi phạm không phận.
Theo Nhật Bản, các đảo trên thuộc về nước này. Do đó, theo các quan chức Nhật Bản, máy bay phản lực Nga đã bay vào không phận Nhật Bản - và hơn thế nữa, máy bay chiến đấu của Hàn Quốc không việc gì phải bắn pháo cảnh báo trên lãnh thổ Nhật Bản.
Vụ việc gây tranh cãi xảy ra giữa lúc Washington đang cố gắng hòa giải Hàn Quốc và Nhật Bản - hai đồng minh châu Á thân cận nhất - là đối tác chính để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn nữa.
Một công cụ cho Nga
Nhật Bản và Hàn Quốc đã không thể giải quyết tranh chấp Dokdo/Takeshima thông qua bất kỳ diễn đàn pháp lý quốc tế nào, cơ sở của những gì Washington gọi là "trật tự dựa trên luật lệ" chi phối cách Mỹ tiếp cận xung đột, ví dụ như ở Biển Đông hoặc Crimea.
Nếu không thể giải quyết tranh chấp của riêng mình, họ có thể thực sự giúp Washington thuyết phục nơi khác giải quyết tranh chấp theo "trật tự dựa trên quy tắc" không?
Và các nhà phân tích nói rằng vụ việc trên là một cái cớ mà Nga đã khai thác.
Theo ông Timothy Heath, một chuyên gia phân tích cấp cao ở Washington, ý định của Nga có thể là chia rẽ các đồng minh châu Á của Mỹ hợp tác chặt chẽ với nhau tại những nơi khác trên thế giới mà có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Nga.
Một ví dụ như vậy là Triều Tiên, vào hôm 25-7, đã phóng hai tên lửa ở Biển Nhật Bản. Tên lửa đầu tiên bay khoảng 430 km, trong khi quả thứ hai bay 690 km, các quan chức Hàn Quốc cho biết.
Các vụ phóng tên lửa diễn ra khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đến thăm Hàn Quốc để thảo luận về các vấn đề chiến lược song phương.
"Ông Bolton đã được lên kế hoạch trao đổi chủ yếu về việc bao gồm các đồng minh châu Á trong nỗ lực giám sát và gây áp lực với Iran, điều mà Nga phản đối", ông Heath nói.
Xung đột giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể làm phức tạp các cuộc thảo luận đó và buộc Mỹ dành nhiều thời gian hơn để hòa giải giữa các đồng minh châu Á và chuẩn bị các phản ứng trước vụ việc, ông Heath cho biết thêm.
Máy bay tình báo của Nga
Vụ việc này cũng có thể đã cung cấp thông tin tình báo cho Nga, một nhà phân tích khác cho biết.
Máy bay A-50 của Nga được cho là đã bay vào không phận đang tranh chấp được trang bị một loạt radar và các thiết bị giám sát có khả năng phát hiện các chi tiết chính về cách Hàn Quốc có thể triển khai và liên lạc với các lực lượng của mình trong tình huống chiến đấu toàn diện.
"A-50 sẽ thu thập thông tin tín hiệu điện tử từ các liên lạc vô tuyến, radar trên máy bay đánh chặn, radar giám sát trên không mặt đất và mạng lưới chỉ huy và kiểm soát. Nhiệm vụ này sẽ mang lại cho (Nga) một bản đồ toàn diện về hệ thống phòng không quốc gia Hàn Quốc", ông Peter Layton, cựu phi công của Không quân Hoàng gia Úc.
Ngoài ra, theo ông Carl Schuster, cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ và cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, "khía cạnh chiến lược quan trọng nhất của sự cố này là nó làm nổi bật một mức độ hợp tác quân sự Nga-Trung mới ở tầm cao hơn".
Đồng ý với ý kiến trên, ông Artyom Lukin, một học giả quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, cho biết Moscow và Bắc Kinh đã liên tục tăng cường những gì ông mô tả là "gần như là một liên minh". Vụ việc này được dàn dựng để thể hiện sức mạnh chung của họ và truyền tải thông điệp tới Tokyo, Seoul và Washington.
Đồng thời, ông Lukin gọi sứ mệnh Nga-Trung là "táo bạo và khiêu khích".
Lo ngại của Washington
Các phân tích của ông Schuster và ông Lukin chỉ ra điều mà Washington đã lo sợ từ lâu - hoặc thậm chí dự đoán sắp xảy ra - một liên minh chặt chẽ hơn giữa hai đối thủ truyền thống với Mỹ.
"Trung Quốc và Nga liên kết chặt chẽ hơn bất cứ lúc nào kể từ giữa những năm 1950 và mối quan hệ có thể sẽ tăng cường trong năm tới", Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats nói với một ủy ban của Thượng viện Mỹ vào tháng 1.
"Khi Trung Quốc và Nga tìm cách mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, họ đang làm xói mòn các chuẩn mực an ninh (của Mỹ) được thiết lập tốt và làm tăng nguy cơ xung đột khu vực, đặc biệt là ở Trung Đông và Đông Á", ông Coats nói với các thượng nghị sĩ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/loi-ich-cua-ngatrung-trong-tranh-chap-nhathan-848575.html