Lợi ích của việc khai thác, sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia

Việc khai thác, sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tác động đến tất cả các thủ tục hành chính hiện có theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Dữ liệu là quy định về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được xây dựng phục vụ việc khai thác, sử dụng chung đáp ứng hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; phục vụ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Bên cạnh đó, phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật; phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, ứng dụng dữ liệu của tổ chức, cá nhân.

Dữ liệu được thu thập, cập nhật, đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, bao gồm:

(1) Dữ liệu mở;

(2) Dữ liệu dùng chung của cơ quan nhà nước;

(3) Dữ liệu dùng riêng của cơ quan nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;

(4) Dữ liệu của cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khi được chủ sở hữu dữ liệu đồng ý;

(5) Dữ liệu khác do tổ chức, cá nhân cung cấp.

Việc khai thác, sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tác động đến tất cả các thủ tục hành chính hiện có theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ như:

Sẽ giảm được số thủ tục, số lượt phải thực hiện kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin giữa các cơ sở dữ liệu

Một là, về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống: Thay vì hệ thống của một bộ, ngành, địa phương phải kết nối với các hệ thống của các bộ, ngành khác và hệ thống thông tin các địa phương thì chỉ cần kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Do đó sẽ giảm được số thủ tục, số lượt phải thực hiện kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin giữa các cơ sở dữ liệu từ bộ, ngành, địa phương với các hệ thống thông tin khác; bảo đảm việc xử lý dữ liệu trong việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện nhanh hơn.

Giúp người dân không phải thực hiện các thủ tục hành chính để điều chỉnh thông tin theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước

Hai là, cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin trong các cơ sở dữ liệu khác thông qua việc đồng bộ, cập nhật, bổ sung với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia (khi một dữ liệu được thay đổi bởi cơ quan chủ quản dữ liệu thì sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và đồng bộ tự động đến các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, từ đó giúp người dân không phải thực hiện các thủ tục hành chính để điều chỉnh thông tin theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước).

Cắt giảm giấy tờ, tài liệu có trong thủ tục hành chính

Ba là, cắt giảm giấy tờ, tài liệu có trong thủ tục hành chính: Đối với trường hợp giấy tờ, tài liệu được quy định phải có trong thủ tục hành chính đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia thì công dân không cần phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa, không cần phải kê khai nhiều thông tin như trước.

Bốn là, nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước như giảm thủ tục, quy trình liên quan đến phân loại, điều tra thống kê, báo cáo thống kê; phân tích, tổng hợp, xây dựng kế hoạch, quy hoạch… và nhiều thủ tục hành chính nội bộ khác trong cơ quan nhà nước.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/loi-ich-cua-viec-khai-thac-su-dung-du-lieu-tu-co-so-du-lieu-tong-hop-quoc-gia-119250115095805586.htm