Từ tình yêu với hạt cà phê cao nguyên…
Lớn lên bằng ký ức bên những mùa hoa cà phê tháng Ba, hình ảnh vườn cà phê chín đỏ mọng ăn sâu vào tâm trí của Ngô Thị Quỳnh Trang, để rồi bỏ lại phố thị náo nhiệt, cô gái trẻ cùng chồng trở về quê lập nghiệp, đưa những hạt cà phê từ vùng đất Lâm Hà đi xa.
• CÀ PHÊ HƯƠNG MẬT CHUỐI
Thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ cũng là lúc những vườn cà phê Robusta Lâm Hà chuyển màu đỏ thẫm, được người nông dân cẩn thận thu hái để mang về chế biến. Nhà kính của Hợp tác xã (HTX) LikeFarm tại thôn Liên Kết, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà cũng liên tục được phơi kín giàn, chuẩn bị cho ra lò những lô cà phê nhân xanh chất lượng cao trong mùa vụ 2024 - 2025.
LikeFarm, viết tắt của Liên Kết, vừa là địa chỉ của HTX, vừa mang ý nghĩa liên kết với nông dân với ước mong làm ra những nhân xanh cà phê ngon nhất, đặc trưng nhất của vợ chồng Ngô Thị Quỳnh Trang và Mai Nguyễn Quốc Thắng. Năm nay, LikeFarm tiếp tục đưa ra thị trường lô hàng nhân xanh chất lượng cao được chế biến theo các phương pháp naural, honey. Trong đó, không thể không nhắc đến mẫu cà phê lên men từ rượu mật chuối - một sự kết hợp ngẫu nhiên đầy thú vị, được khách hàng đánh giá cao. “Chúng em cũng không ngờ sản phẩm lại được khách hàng ưa chuộng đến thế. Sản phẩm cũng được chứng nhận đạt 84,38 điểm với mẫu Arabica và 85.75 với mẫu Robusta”, Quỳnh Trang chia sẻ.
Ý tưởng lên men với rượu mật chuối đến với Trang một cách tình cờ, khi năm đó, giá chuối Laba rất thấp. Hàng trăm buồng chuối trong vườn nhà mẹ Trang không bán được, có nguy cơ phải vứt bỏ. Trang muốn thử kết hợp ủ cà phê với chuối, như cách nhiều người làm cà phê chất lượng cao vẫn ủ với trái cam, quýt, thơm… để hạt cà phê có hương vị trái cây phong phú hơn. Công thức rượu mật chuối Trang được chia sẻ từ một người bạn. “Đây cũng là một cách để mình tạo ra được đặc trưng cho sản phẩm từ chuối Laba nổi tiếng của vùng đất Phú Sơn, Lâm Đồng”, Trang nói.
Sau khi được chấm điểm đạt cà phê đặc sản, Trang và Thắng đem mẫu cà phê Arabica hương rượu mật chuối tham gia tài trợ cho một cuộc thi rang cà phê với niềm tin rằng từ nhân xanh chất lượng nhất, dưới sức sáng tạo của của từng nhà rang sẽ cho những mẻ cà phê tốt nhất, nhiều hương vị độc đáo và tăng sự tinh tế cho cà phê.
Thông qua những gặp gỡ, trải nghiệm và chia sẻ giữa các đơn vị trồng, sơ chế, sản xuất và thương mại, Trang nhận được đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Quỳnh Trang cho biết, LikeFarm hiện đang liên kết với 57 nông hộ trên địa bàn huyện Lâm Hà. Đó đều là những người nông dân dày dặn kinh nghiệm nên đơn vị cũng hoàn toàn yên tâm để đón chờ một mùa chế biến mới.
• ĐƯA CÀ PHÊ ĐẶC SẢN ĐI XA
Quỳnh Trang là người Lâm Hà, còn Quốc Thắng sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh. Hai vợ chồng tốt nghiệp thạc sĩ Kinh tế Trường Đại học Hồng Bàng và cùng công tác trong ngành Giáo dục. Thế nhưng, Quỳnh Trang chia sẻ rằng, những chuyến về thăm nhà khiến cô giữ mãi một nỗi niềm về cây cà phê. Bởi cha mẹ Trang cũng là người Hà Nội đi xây dựng kinh tế mới và gắn bó với cây cà phê trên cao nguyên nhiều năm nay.
Không giống như Trang, anh Quốc Thắng - Giám đốc HTX LikeFarm khi về quê phải bắt đầu làm quen từ việc hái từng quả, vác từng bao cà phê, thức khuya dậy sớm để kịp sơ chế. Nhưng dường như chính tình yêu với một cô gái sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cao nguyên đã giúp anh nhanh chóng thích nghi và giờ đây hoàn toàn mang dáng vẻ của một anh nông dân với làn da sạm nắng, nụ cười hiền hậu.
Trang kể rằng, quyết định trở về của cặp đôi được gia đình ủng hộ nhưng ý tưởng làm cà phê nhân xanh chất lượng cao theo các phương pháp naural, honey của vợ chồng Trang lại gặp phải ánh mắt hoài nghi từ cha mẹ và những người xung quanh. “Cách làm này chưa thực sự phổ biến ở đây nên thời điểm ban đầu tụi mình gặp khá nhiều khó khăn. Ví dụ như việc thuyết phục bà con hái cà phê chín tỷ lệ khoảng 80% hay chuyển đổi canh tác sang hướng sinh học, an toàn… Dù rằng HTX đã cam kết sẽ thu mua với giá cao hơn so với mặt bằng chung. Thay đổi một thói quen là điều không dễ”, Trang nhớ lại.
Về làm cà phê Trang mới thực sự hiểu được sự vất vả của cha mẹ và những người nông dân để làm ra được những ly cà phê thơm ngon đem đến cho người dùng. Mỗi công đoạn đều có dấu ấn bàn tay con người với sự tỉ mỉ, chăm chút và cả tấm lòng.
Những năm gần đây, vợ chồng Trang luôn tranh thủ thời gian để tìm đến những nơi có nền nông nghiệp tiên tiến để học hỏi thêm về kiến thức, kinh nghiệm làm nông nghiệp bền vững. Đồng thời mang cà phê của mình để những người có chuyên môn đánh giá. Đây là một trong những cách hữu hiệu để từng bước giới thiệu sản phẩm cà phê của Lâm Hà đến với bạn bè quốc tế.
“Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên. Chúng mình không chắc sẽ đi được bao xa nhưng vẫn muốn tiến những bước vững chắc để đưa cà phê chất lượng cao của Việt Nam ra với thế giới”, Quỳnh Trang chia sẻ.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202501/tu-tinh-yeu-voi-hat-ca-phe-cao-nguyen-1767da3/