Lợi ích của việc tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4
Thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt kết quả tốt trong tiêm chủng. Thực tế cho thấy, hiện nay, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý do dự, chủ quan trước COVID-19, cho rằng dịch bệnh trở nên bình thường vì đã tiêm đủ 3 mũi hoặc đã từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì vắc xin phòng chống COVID-19 có tác dụng trong thời gian nhất định, do đó người dân cần chủ động tiêm vắc xin COVID-19 đúng lịch.
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để đẩy lùi đại dịch. Thông thường, kháng thể sẽ xuất hiện sau khoảng 12 ngày kể từ khi tiêm mũi đầu tiên. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm một mũi thì cơ thể vẫn chưa đủ miễn dịch nên cần tiêm mũi thứ 2. Tùy từng loại vắc xin mà khoảng cách giữa hai mũi sẽ khác nhau. Sau khi tiêm mũi 2 khoảng 2 - 3 tuần, cơ thể sẽ đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất. Thực tế, không có một loại vắc xin nào có thể bảo vệ cơ thể 100% khỏi tác nhân gây bệnh. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do cơ thể không tạo kháng thể sau khi tiêm vắc xin. Tỉ lệ này khá ít. Một nguyên nhân phổ biến là do kháng thể không đủ mạnh để chống lại vi rút hoặc các biến chủng khác của nó. Đối với những trường hợp này thì sau một thời gian, hệ miễn dịch sẽ dần sản sinh đủ kháng thể và đủ để bảo vệ cơ thể khỏi những diễn biến nặng của bệnh.
Vắc xin COVID-19 đã và đang làm giảm dần số ca nhiễm vi rút cũng như số lượng bệnh nhân chuyển nặng, giảm số lượng người phải nhập viện điều trị và giảm nguy cơ tử vong. Dù càng ngày càng có thêm nhiều biến thể hoành hành nhưng vắc xin COVID-19 vẫn đang làm tốt vai trò bảo vệ con người trước dịch bệnh. Các loại vắc xin COVID-19 hiện nay đã được các nhà khoa học thử nghiệm trên nhiều nhóm người với độ tuổi khác nhau, chủng tộc khác nhau với hiệu quả bảo vệ được đánh giá là trên 90%. Giống như nhiều loại vắc xin khác, những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ và đúng hạn sẽ được bảo vệ tốt nhất.
Theo tổng hợp từ Tổ chức Y tế thế giới, các nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 đều được tiến hành trong thời gian mà Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu. Mặc dù các nghiên cứu khác nhau về thiết kế và dân số được điều tra nhưng hầu hết đều đánh giá mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 là có hiệu quả. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỉ lệ mắc COVID-19 nặng một tháng sau mũi 4 thấp hơn 3,5 lần so với ở nhóm tiêm 3 liều. Nghiên cứu cuối cùng được thực hiện tại Canada cho thấy rằng với mỗi liều bổ sung, hiệu quả vắc xin tăng lên đối với bệnh nặng. Cụ thể hiệu quả vắc xin tuyệt đối là 82% được đo hơn 84 ngày sau liều thứ ba và 92% đối với người nhận liều thứ 4.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) khuyến nghị tiêm nhắc mũi 4 vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna COVID-19 ít nhất 4 tháng sau lần tiêm nhắc lại đầu tiên cho các đối tượng gồm người lớn từ 50 tuổi trở lên; những người từ 12 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch vừa phải hoặc nghiêm trọng.
Ngày 9/5/2022, Bộ Y tế đã có văn bản số 2357/BYT-DP chỉ đạo về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng. Tại tỉnh Quảng Trị, Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 đã ban hành Kế hoạch số 101/KH-BCĐ ngày 26/5/2022 về việc tổ chức tiêm chủng liều 2 nhắc lại lần 2 (mũi 4) vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng tiêm là người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp. Vắc xin sử dụng: Vắc xin mRNA (của hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vắc xin do AstraZeneca sản xuất, vắc xin cùng loại với mũi 3. Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3. Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3 thì hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Sở Y tế căn cứ vào tình hình thực tiễn, yêu cầu phòng chống dịch tại địa phương và số lượng vắc xin được phân bổ để chỉ đạo và quyết định đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, đảm bảo theo đúng quy định và an toàn tiêm chủng, đồng thời sử dụng hiệu quả số lượng vắc xin được cấp.Tiêm trước cho các đối tượng ưu tiên; giao trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu ban chỉ đạo các địa phương lựa chọn địa điểm tiêm chủng phù hợp với số lượng vắc xin được phân bổ và đối tượng trên địa bàn. Các cơ sở tiêm chủng căn cứ đối tượng đã triển khai tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), lập kế hoạch, dự trù nhu cầu vắc xin và thông báo cho đối tượng để triển khai tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) theo quy định...
Bên cạnh việc tiêm chủng định kỳ, đúng lịch thì người dân cũng nên tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.