Lợi ích kép từ 'cánh kiến trắng'

Công ty Cổ phần Nông - Lâm nghiệp Đức Phú thực hiện dự án khai thác nhựa bồ đề (còn gọi là 'cánh kiến trắng') tại các xã: Chiềng Ken, Nậm Tha, Liêm Phú... để xuất khẩu, đã mở ra hướng mới cho người dân trên địa bàn huyện trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Văn Bàn có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 112.460,08 ha, trong đó: Rừng tự nhiên 84.224,81 ha, rừng trồng 5.821,78 ha, đất trống 22.413,49 ha. Trước đây, người dân chủ yếu sống phụ thuộc vào khai thác, thu hái lâm sản từ rừng tự nhiên và trồng rừng nguyên liệu, đặc biệt là người dân trồng bồ đề chỉ để lấy gỗ, chưa biết đến khai thác nhựa để tăng thu nhập. Việc Công ty Cổ phần Nông - Lâm nghiệp Đức Phú thực hiện dự án khai thác nhựa bồ đề (còn gọi là “cánh kiến trắng”) tại các xã: Chiềng Ken, Nậm Tha, Liêm Phú... để xuất khẩu, đã mở ra hướng mới cho người dân trên địa bàn huyện trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tổ chức tham vấn về xây dựng cơ chế, áp dụng chính sách phát triển cây bồ đề trên địa bàn.

Tổ chức tham vấn về xây dựng cơ chế, áp dụng chính sách phát triển cây bồ đề trên địa bàn.

Theo đánh giá của ngành lâm nghiệp, cây bồ đề phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Văn Bàn. Cây sinh trưởng nhanh, có tiềm năng phát triển, đặc biệt là phục vụ sản xuất “cánh kiến trắng”. Đây là hướng phát triển kinh tế cho hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp là chính mà chính quyền địa phương xác định.

Năm 2018, được Dự án GREAT (của Chính phủ Úc) hỗ trợ, Hạt Kiểm lâm Văn Bàn đã đề xuất thực hiện “Xây dựng vùng nguyên liệu và chính sách phát triển cây bồ đề sản xuất “cánh kiến trắng” huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai”, với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu sản xuất “cánh kiến trắng” tại huyện Văn Bàn. Thông qua dự án nhằm đề xuất áp dụng chủ trương, chính sách của chính quyền đối với hộ gia đình thực hiện chuyển trồng bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa và trồng mới bồ đề lấy nhựa, hướng tới phát triển chuỗi giá trị bồ đề...

Người dân thảo luận liên kết trồng cây bồ đề.

Người dân thảo luận liên kết trồng cây bồ đề.

Đến nay, Hạt Kiểm lâm Văn Bàn đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn điều tra, rà soát hiện trạng cây bồ đề trên địa bàn huyện; thực hiện 5 mô hình cải tạo rừng trồng bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa tại 5 xã (tổng diện tích 5 ha); 5 mô hình trồng mới bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa tại 5 xã (tổng diện tích 5 ha). Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện thành lập tổ xây dựng cơ chế, áp dụng chính sách phát triển cây bồ đề trên địa bàn. Cùng với đó, đơn vị đã tổ chức họp tham vấn lần 1 về xây dựng cơ chế, áp dụng chính sách phát triển cây bồ đề trên địa bàn huyện; xây dựng và trình UBND huyện phê duyệt dự án phát triển vùng nguyên liệu cây bồ đề khai thác nhựa; đồng thời, tổ chức được 5 buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ cải tạo rừng trồng cây bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa; trồng mới, chăm sóc, bảo vệ cây bồ đề lấy nhựa với 340 người tham gia (nữ dân tộc thiểu số chiếm 60%).

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Nông - Lâm nghiệp Đức Phú đã hỗ trợ, đầu tư vùng nguyên liệu theo tiêu chí sản xuất hữu cơ (organic); cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm nhựa khai thác. Công ty có các đối tác đặt hàng “cánh kiến trắng”, như Tập đoàn Mane (sản xuất nước hoa cao cấp của Pháp); Myanmar và thị trường trong nước dự kiến sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản...

Với giá thu mua 350.000 đồng/kg nhựa bồ đề, ước tính 1 ha cây bồ đề, người dân có thu nhập ổn định khoảng 90 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với trồng bồ đề lấy gỗ.

Hướng dẫn người dân cải tạo rừng trồng bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa.

Hướng dẫn người dân cải tạo rừng trồng bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa.

Ông Triệu Tài Lâm, dân tộc Dao, ở xã Nậm Tha (Văn Bàn) cho biết: Trước đây, chưa biết giá trị “cánh kiến trắng” nên tôi chưa khai thác hết giá trị kinh tế từ cây trồng này. Khi tham gia dự án, tôi thấy rất hữu ích. Bây giờ thì không chỉ riêng tôi mà nhiều hộ trong thôn, trong xã cũng đã chuyển sang trồng và chăm sóc bồ đề để khai thác lấy nhựa, có nguồn thu cao hơn. Chúng tôi không còn sống dựa vào rừng như trước nữa... Chúng tôi mong muốn được tập huấn, hướng dẫn biện pháp bảo quản giống bồ đề để có thể tự gieo ươm, chủ động nguồn giống phục vụ trồng rừng của gia đình.

Bước đầu khẳng định, dự án trồng bồ đề khai thác nhựa được thực hiện tại huyện Văn Bàn hứa hẹn đầy tiềm năng, tạo kiên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm “cánh kiến trắng”. Đặc biệt, tạo sinh kế cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây bồ đề và phân loại sản phẩm “cánh kiến trắng”. UBND huyện sẽ ban hành cơ chế, áp dụng chính sách hỗ trợ cũng như khuyến khích việc phát triển cây bồ đề nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ tại địa phương.

Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: Với việc triển khai dự án này, chúng tôi hy vọng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, mở ra hướng mới cho phát triển kinh tế lâm nghiệp; góp phần xây dựng và hình thành nghề mới, sản phẩm mới của huyện. Cũng đồng nghĩa với việc người dân hạn chế phụ thuộc vào nguồn thu từ rừng tự nhiên (khai thác gỗ, bắt bẫy động vật....), góp phần giảm áp lực khai thác các sản phẩm từ rừng tự nhiên. Đây là điều mà huyện Văn Bàn, các đơn vị chủ rừng luôn mong muốn, vì mang lại “lợi ích kép” cho người dân.

Thanh Nam

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/loi-ich-kep-tu-canh-kien-trang-z3n20191219152703619.htm