Lợi ích kép từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần quan trọng để phát huy tối đa lợi thế của rừng, tạo việc làm, thu nhập, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng. Tình trạng chặt phá, khai thác lâm sản trái phép cũng giảm đáng kể.

Thêm động lực bảo vệ, phát triển rừng

Năm 2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được thành lập (trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT). Nếu như những năm trước, do số tiền thu được từ DVMTR rất thấp nên tỉnh chi trả 3 năm/lần. Từ năm 2022, do bổ sung đơn vị chi trả DVMTR nên việc chi trả được thực hiện hằng năm cho các chủ rừng. Cụ thể, năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả hơn 2,2 tỷ đồng cho các chủ rừng. Diện tích chi trả được quy đổi theo hệ số K là hơn 17,2 nghìn ha; gồm 5.102 chủ rừng (trong đó 1 chủ rừng cộng đồng dân cư thôn, 4 chủ rừng là UBND cấp xã, 11 chủ rừng là tổ chức, còn lại hộ gia đình cá nhân trên địa bàn 22 xã, thị trấn của huyện Yên Thế, Sơn Động và Lục Ngạn).

 Lực lượng kiểm lâm và cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn tuần tra bảo vệ rừng.

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn tuần tra bảo vệ rừng.

Mức tiền chi trả theo từng lưu vực. Đối với lưu vực đầu nguồn sông Thương (huyện Yên Thế) được chi trả hơn 1,2 tỷ đồng (bình quân hơn 235 nghìn đồng/ha); lưu vực hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn) hơn 760 triệu đồng (bình quân hơn 84 nghìn đồng/ha) và lưu vực huyện Sơn Động hơn 220 triệu đồng (bình quân hơn 74 nghìn đồng/ha).

Năm 2022, xã Sơn Hải (Lục Ngạn) có hơn 900 ha rừng thuộc lưu vực hồ Cấm Sơn, trong đó có hơn 800 ha được chi trả tiền DVMTR. Toàn xã có 74 chủ rừng và được chi trả tổng cộng gần 70 triệu đồng. Được hưởng lợi từ chính sách này, gia đình ông Diêm Công Quyền ở thôn Cầu Sắt, xã Sơn Hải ngày càng gắn bó, nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn trong bảo vệ, chăm sóc rừng. Ông cho biết: “Gia đình tôi có hơn 20 ha rừng, mỗi năm bình quân được nhận gần 3 triệu đồng từ nguồn chi trả DVMTR. Nhờ đó mà có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như động lực làm tốt hơn việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng”.

Với hơn 700 ha diện tích rừng thuộc diện được chi trả DVMTR, bình quân mỗi năm Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn được nhận hơn 60 triệu đồng. Tương tự, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn quản lý hơn 4,6 nghìn ha, tháng 6 vừa qua được nhận gần 400 triệu đồng; Ban Quản lý Bảo tồn Tây Yên Tử (Sơn Động) cũng được chi trả hơn 167 triệu đồng…

Từ nguồn này, các đơn vị đã dùng để chi trả cho các hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ thành viên tổ bảo vệ rừng cộng đồng và mua sắm thiết bị, vật tư phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng… Như trường hợp của tổ bảo vệ rừng thôn Đấp, xã Sơn Hải nhận khoán bảo vệ 197,3 ha, năm 2022 được chi trả hơn 70 triệu đồng. Ông Đỗ Văn Sinh, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng thôn Đấp cho biết: “Ngoài trích lập quỹ chung của tổ, số tiền trên còn được dùng để chi cho các thành viên và sắm vật dụng bảo hộ đi tuần rừng. Được Nhà nước quan tâm nên anh em rất phấn khởi và yên tâm với nhiệm vụ của mình hơn".

Phát huy hiệu quả chính sách

Chính sách chi trả DVMTR được xem là bước đột phá trong việc bảo vệ, phát triển rừng, bởi từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách nay chuyển sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng DVMTR (20 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, 3 cơ sở sản xuất công nghiệp, 1 cơ sở sản xuất thủy điện) phải chi trả tiền DVMTR các chủ rừng.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức vận hành tốt Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; tăng cường rà soát các loại hình dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt các loại hình hiện nay chưa thực hiện thu tiền (cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái; các dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các-bon của rừng; cơ sở nuôi trồng thủy sản…) để đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác, mở rộng nguồn thu phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đánh giá: Những năm qua, chính sách chi trả DVMTR nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh nên bước đầu vừa làm giảm áp lực trong công tác bảo vệ rừng, vừa góp phần thêm thu nhập, tạo sinh kế cho người dân. Điều này được thể hiện ở chỗ, tình hình chặt phá, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể số vụ lẫn mức độ thiệt hại. Tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh tăng lên hơn 38%.

Để có được kết quả đó, hằng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động thu, chi tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai. Cùng đó, tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đồng thời thường xuyên rà soát, bổ sung các đối tượng sử dụng DVMTR phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nhằm bảo đảm thực hiện đúng các quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Từ Quốc Huy, do số chủ rừng nhiều trong khi nguồn thu từ các cơ sở sử dụng DVMTR thấp nên số tiền chủ rừng nhận được còn ít (từ 10 - 100 nghìn đồng/ha tùy theo từng lưu vực). Để làm tốt hơn nữa công tác này, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức vận hành tốt Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; tăng cường rà soát các loại hình DVMTR, đặc biệt các loại hình hiện nay chưa thực hiện thu tiền (cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái; các dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các-bon của rừng; cơ sở nuôi trồng thủy sản…) để đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác, mở rộng nguồn thu phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Chi cục Kiểm lâm tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác xây dựng phương án nộp tiền trồng rừng thay thế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả DVMTR và giải ngân các nguồn kinh phí kịp thời, đầy đủ; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Chi cục tiếp tục phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện tốt việc giải ngân tiền chi trả cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/412511/loi-ich-kep-tu-chinh-sach-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung.html