Lợi ích kép từ liên kết sản xuất chuỗi chăn nuôi lợn bản địa
Từ lâu giống lợn bản địa được nuôi chủ yếu trong các hộ gia đình. Vào dịp lễ, Tết hoặc gia đình có công việc, người tiêu dùng nhờ người quen tìm mua ở các hộ chăn nuôi.
Trong những năm gần đây, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Nhiều người lựa chọn thịt lợn bản địa làm thực phẩm hàng ngày. Để có lợn thịt chất lượng cao, yên tâm về nguồn gốc, một vài hộ chọn mua cả con lợn để cuối tuần ăn đụng. Việc chăn nuôi lợn bản địa ít được nuôi trong trang trại lớn, mà chủ yếu nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình, hay nuôi chung với các giống lợn khác.
Qua nhiều năm, giống lợn bản địa có sự lai tạo, không còn giống thuần chủng. Chất lượng thịt không đồng đều. Do vậy, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn bản địa là rất cần thiết. Người chăn nuôi được tiếp cận quy trình chăn nuôi hiện đại, giảm chi phí. Giống lợn bản địa được bảo tồn gen. Người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tốt nhất.
Là đơn vị cầu nối giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và các hợp tác xã (HTX) chăn nuôi lợn bản địa, Liên minh HTX tỉnh tổ chức chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt có 6 HTX với hơn 20 thành viên chăn nuôi lợn bản địa đăng ký tham gia chuỗi. Đây là bước đầu trong quá trình gây dựng, đưa sản phẩm thịt lợn bản địa đến với người tiêu dùng.
Ông Ninh Văn Nghị, Giám đốc Công ty TNHH CooPlus (Hà Nội) cho biết: Vài năm nay, đơn vị chúng tôi triển khai chuỗi tiêu thụ, chế biến sản phẩm lợn đen xứ Mường. Sản phẩm được người tiêu dùng ở Hà Nội rất ưa chuộng. Đây là yếu tố quan trọng để mở rộng chuỗi, mở rộng chăn nuôi và để nhiều người tiếp cận với sản phẩm. Tuy nhiên, để xây dựng được chuỗi thành công đòi hỏi phải có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX chung ý tưởng cùng tham gia. Một đơn vị không thể làm được tất cả các khâu. Cần xây dựng quy trình kỹ lưỡng, từ chọn con giống, nguồn thức ăn, chăm sóc, thú y đến sơ chế, chế biến... phải khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu một khâu bị lỗi sản phẩm sẽ hỏng, mất thương hiệu.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình sản xuất, đại diện HTX chăn nuôi lợn đen Mường Pa (Mai Châu) cho biết: Hiện HTX chăn nuôi từ 800 - 1.200 con lợn. Khó khăn, vướng mắc nhất là chưa có đơn vị cung ứng giống lợn bản địa chuẩn. HTX tận dụng con giống ở các hộ gia đình, chất lượng giống không đồng đều nên việc xuất bán gặp nhiều khó khăn.
Cùng quan điểm với đại diện HTX chăn nuôi lợn đen Mường Pa, đại diện HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh (Đà Bắc), HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Sơn (Tân Lạc), HTX thực phẩm sạch Yên Hòa (Đà Bắc) cho biết, ngoài khó khăn về chuẩn hóa con giống, khi tham gia chuỗi, các HTX mong muốn được hỗ trợ công tác thú y, xây dựng khu sơ chế sản phẩm và vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Có thể nói, xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là bước đi tất yếu để xây dựng thương hiệu lợn bản địa. Xây dựng chuỗi tăng cường tính minh bạch và đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi lợn bằng cách thiết lập các quy trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản và phân phối sản phẩm, cũng như đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, với việc cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, khách hàng có thể tin tưởng lựa chọn sản phẩm thịt lợn bản địa với sự yên tâm hơn. Ngoài những lợi ích trên, việc xây dựng chuỗi liên kết còn giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà sản xuất, tiêu thụ lợn bản địa.