Lợi ích kép từ trồng dâu tây công nghệ cao ở Bắc Hà
Hai năm trở lại đây, Bắc Hà đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp cao, đặc biệt là trồng dâu tây trong nhà màng. Điều dễ nhận thấy, trồng dâu tây đã mang lại lợi ích kép, không chỉ doanh nghiệp, nông dân có thu nhập ổn định, mà còn thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp ở cao nguyên trắng.
Tập đoàn Migroup bắt đầu trồng thử nghiệm từ tháng 9/2019 trong hệ thống 5 nhà màng tiêu chuẩn, với diện tích trên 3.000 m2. Đặc biệt, Tập đoàn Migroup thuê chuyên gia kỹ thuật người Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc dâu tây. Sau 2 tháng trồng, đến tháng 11/2019, toàn bộ diện tích dâu tây công nghệ cao đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nên quả dâu tây trồng tại thôn Cốc Cài Thượng đạt tiêu chuẩn đề ra, trọng lượng đạt từ 50 – 70 gam/quả, màu sắc bắt mắt, quả ngọt, mọng và mềm, được chuyên gia kỹ thuật người Hàn Quốc đánh giá cao. Trung bình, mỗi tuần, trang trại dâu tây của Tập đoàn Migroup tại thôn Cốc Cài Thượng xuất bán cho thị trường tại Lào Cai, Hà Nội khoảng 100 kg quả. Sau 4 tháng thu hái, đến nay trang trại đã xuất bán 1,5 tấn quả, với giá bán 650.000 đồng/kg, Tập đoàn Migroup đã thu được hơn 900 triệu đồng từ bán quả dâu tây.
Không chỉ Tập đoàn Migroup thu được thành quả từ dự án trồng dâu tây, mà người dân địa phương cũng được hưởng lợi, nhờ cho doanh nghiệp thuê đất, được nhận vào làm việc, với thu nhập ổn định và cao hơn so với làm nông nghiệp.
Điều đáng nói, dù mới đang trong giai đoạn đầu tư, nhưng trang trại trồng dâu tây của Tập đoàn Migroup tại thôn Cốc Cài Thượng đã trở thành điểm đến của du khách trên tuyến Cốc Ly - thị trấn Bắc Hà. Vào thứ ba hằng tuần, trên hành trình khám phá chợ phiên Cốc Ly, nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến trải nghiệm, trực tiếp thưởng thức quả dâu tây chín mọng tại vườn và mua về làm quà. Đây cũng là mục tiêu mà Tập đoàn Migroup và huyện Bắc Hà hướng tới: Vừa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vừa phát triển du lịch.
Còn dự án sản xuất dâu tây Hàn Quốc công nghệ cao tại Bắc Hà do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Bắc Hà và Tập đoàn Nông nghiệp Dooho (Hàn Quốc) hợp tác đầu tư tại xã Lùng Phình với tổng vốn đầu tư là 20 tỷ đồng. Dự án được triển khai thử nghiệm trong nhà màng với diện tích trên 300 m2 bắt đầu từ tháng 11/2019, dâu tây được trồng trên giá thể, toàn bộ hệ thống cung cấp dưỡng chất, thết bị làm nóng, lạnh đều được thực hiện tự động theo mô hình trang trại thông minh, Tập đoàn Nông nghiệp Dooho có thể kiểm tra, theo dõi toàn bộ hoạt động sản xuất tại Hàn Quốc mà không cần phải trực tiếp có mặt tại Lùng Phình. Do tuân thủ nghiêm kỹ thuật được chuyển giao của chuyên gia Hàn Quốc, nên sản phẩm dây tây trồng thử nghiệm tại Lùng Phình cho kết quả khả quan.
Sau khi thử nghiệm thành công, các nhà đầu tư sẽ mở diện tích trồng dâu tây 3,49 ha, với mục tiêu mỗi năm cung cấp 100 tấn quả dâu tây cho thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời biến khu sản xuất dâu tây thành điểm du lịch sinh thái, nông nghiệp hấp dẫn tại Bắc Hà.
Cả hai dự án bước đầu cho kết quả khả quan, đang dần hiện thực hóa chủ trương của huyện, đó là đưa Bắc Hà trở thành vùng trọng điểm sản xuất dâu tây công nghệ cao của Lào Cai, đồng thời là điểm đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết, nhất là đất đai, đòi hỏi huyện Bắc Hà cần quan tâm giải quyết vấn đề này.