'Lợi ích kép' từ việc nuôi xen ghép tôm thẻ, cua và cá dìa
Với người nuôi thủy sản nước lợ ở huyện Gio Linh, con tôm luôn được xem là đối tượng nuôi chính nhờ hiệu quả kinh tế mang lại. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, không theo quy hoạch, không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kĩ thuật của đối tượng nuôi này đã kéo theo sự ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Một số hộ nuôi do bị thua lỗ nên đành phải bỏ hoang ao nuôi hoặc chuyển sang mục đích khác. Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm thiểu rủi ro do độc canh con tôm mang lại và hướng tới nghề nuôi ổn định, bền vững, năm 2019, Trạm Khuyến nông (KN) huyện Gio Linh đã triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm thẻ, cua và cá dìa, bước đầu mang lại thu nhập khả quan, đồng thời mở ra hướng đi mới cho người nuôi thủy sản tại địa phương.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm ao nuôi thực hiện mô hình nuôi xen ghép tôm thẻ, cua và cá dìa, ông Lê Văn Khánh ở tại thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh vừa cho biết, gia đình ông bắt đầu đào ao nuôi tôm từ năm 1994 nhưng do làm theo kiểu tự phát, không nắm vững kĩ thuật nên chỉ sau vài vụ đầu tiên thành công ông thường xuyên thua lỗ do dịch bệnh, thậm chí có một thời gian dài phải “treo ao”. Vì vậy, khi nghe tin Trạm KN huyện triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm thẻ, cua và cá dìa, ông đã mạnh dạn đăng kí tham gia. Trên diện tích ao nuôi gần 4.000 m2 của mình, ông được Trạm KN hỗ trợ 40.000 con tôm thẻ chân trắng, 2.500 con cua giống và 2.000 con cá dìa giống. Sau chưa đầy 3 tháng thả nuôi, các đối tượng tôm thẻ, cua và cá dìa đều phát triển tốt, trong lượng bình quân của cá dìa đạt 5 con/ kg, tôm thẻ đạt 55 con/kg và cua là 6 con/kg. Với giá bán như hiện nay thì ước tính sau khi trừ chi phí ông thu lãi khoảng 60 triệu đồng.
Theo ông Khánh, bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại thì mô hình này còn giúp cân bằng hệ sinh thái ao nuôi, hạn chế dịch bệnh cũng như nâng cao sản lượng và giá trị cho đối tượng nuôi chính là con tôm. Điều này rất quan trọng, nhất là đối với vùng nuôi tôm xã Gio Mai từ nhiều năm nay liên tục xảy ra dịch bệnh, làm tôm chết hàng loạt do môi trường nuôi không đảm bảo. “Khi thả nuôi kết hợp cá dìa với tôm thẻ và cua, con tôm thẻ phát triển rất tốt, không xảy ra dịch bệnh, môi trường nước ao nuôi trong sạch hơn nhờ cá ăn rong tảo và chất thải của tôm, cua. Lợi nhuận mang lại có thể không cao so với các ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát nhưng với vùng nuôi thấp triều thì đây là một kết quả hết sức khả quan. Trong những vụ nuôi tới tôi sẽ tiếp tục thực hiện mô hình nuôi này trên ao nuôi của mình”, ông Khánh cho biết.
Theo kĩ sư Phan Mỹ Nhung, cán bộ trực tiếp chỉ đạo mô hình, bên cạnh tôm thẻ chân trắng và cua thì cá dìa là đối tượng nuôi mới, lần đầu tiên được đưa vào nuôi thử nghiệm trong ao tại tỉnh. Theo đánh giá, đây là loài cá có sức sống rất tốt, sinh trưởng nhanh, trọng lượng lớn và chất lượng thịt ngon. Đặc biệt cá dìa là loài cá ăn tạp, do vậy cá dìa sẽ ăn rong, tảo và một phần thức ăn dư thừa cùng những mùn bã hữu cơ giúp môi trường nước ao nuôi được sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp góp phần cải thiện môi trường ao nuôi và sử dụng nguồn thức ăn có hiệu quả. Theo kĩ sư Nhung, qua thực tế với mô hình nuôi xen ghép này mức lợi nhuận có thể không cao so với nuôi tôm thâm canh nhưng môi trường nuôi lại rất ổn định, ít bị biến động. Chi phí cho các loại thuốc, hóa chất xử lí môi trường gần như không có nên sản phẩm đảm bảo an toàn về chất lượng. Chi phí về thức ăn cũng thấp do các đối tượng nuôi tận dụng nguồn thức ăn của nhau, đặc biệt chi phí thức ăn của cá dìa không nhiều nhưng sản lượng thu được cao bởi cá dìa là loài ăn tạp, bên cạnh thức ăn công nghiệp cá dìa còn ăn rong câu, rong mền, rong đốt, mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa của tôm, cua đã góp phần giảm chi phí thức ăn. “Hình thức nuôi xen ghép tôm thẻ, cua và cá dìa trong cùng một ao đã đem lại “lợi ích kép” cho người nuôi vì vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa tác động rất tích cực đến môi trường nuôi nói chung. Hình thức nuôi này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi; hạn chế những rủi ro vì dịch bệnh; tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần giảm bớt khó khăn cho người nuôi tôm”, kĩ sư Nhung cho hay.
Cũng theo kĩ sư Nhung, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ khoảng tháng 4 trở đi trên địa bàn tỉnh thường xuyên có mưa dông, nắng gắt, mưa đột ngột làm cho môi trường trong ao nuôi luôn biến động, tảo phát triển mạnh, tôm nuôi khó phát triển, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Điều này dẫn đến diện tích các ao nuôi tôm bị bỏ hoang ngày càng nhiều, đặc biệt là các ao nuôi vùng thấp triều do đặc điểm vùng nuôi dễ bị ô nhiễm, tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh. Trước thực trạng này, việc áp dụng các hình thức nuôi mới như nuôi luân canh, xen canh, nuôi kết hợp tôm, cua với các loài cá khác nhau như các loại cá dìa, đối mục, rô phi trong cùng một ao nuôi là giải pháp cần thiết để ổn định nghề nuôi cũng như giảm ô nhiễm môi trường nuôi, giúp hạn chế dịch bệnh cho tôm, đồng thời tăng thu nhập cho người nuôi. Lí do là thức ăn của cá là rong tảo, mùn bã hữu cơ trong ao, thức ăn thừa của tôm, không cạnh tranh thức ăn với tôm, giúp môi trường ao nuôi sạch hơn. “Vụ nuôi tôm năm nay thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nhiều vùng nuôi tôm trong tỉnh, thậm chí là các vùng nuôi cao triều cũng đã bị ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng với mô hình này tôm vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao khi áp dụng hình thức nuôi xen ghép này người nuôi cần thực hiện nghiêm túc qui trình kĩ thuật như đầu tư cải tạo tốt ao nuôi; đê bao chắc chắn giữ được mức nước trong ao theo yêu cầu kĩ thuật; con giống phải được mua ở những cơ sở có uy tín và được lựa chọn kĩ qua kiểm tra chất lượng; mật độ thả các đối tượng hợp lí; quản lí chặt chẽ môi trường ao nuôi…”, kĩ sư Nhung lưu ý.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Nguyễn Xuân Phương cho biết, việc thực hiện thành công mô hình nuôi xen ghép tôm thẻ chân trắng với cua và cá dìa đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nghề nuôi thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện. Đặc biệt là với các ao nuôi tôm kém hiệu quả, các ao nuôi trước đây thường xảy ra dịch bệnh, môi trường bị suy thoái. “Các đối tượng nuôi trong mô hình không ảnh hưởng nhau mà còn tương trợ và bổ sung cho nhau giúp hạn chế được chi phí cho người nuôi, tạo ra môi trường nuôi tốt, ít bị dịch bệnh. So với nuôi chuyên tôm thì mô hình xen ghép tôm cua cá đã giảm rủi ro cho các hộ nông dân nuôi tôm và tạo thêm thu nhập ổn định; phù hợp với trình độ sản xuất và nguồn vốn đầu tư của đa số nông dân. Trên cơ sở này, trong những vụ tới Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu, đề xuất với UBND huyện có những chính sách hỗ trợ để nhiều người nuôi tôm được tiếp cận cách nuôi mới, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, góp phần thay đổi cách nuôi, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, cải thiện môi trường trong ao nuôi tôm vừa tăng giá trị kinh tế cho người nuôi”, ông Phương khẳng định.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140714