Lợi ích khi tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi
Theo TS Bùi Lê Minh, rất khó để nói chắc chắn việc tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi có lợi hay nguy cơ nhiều hơn. Phương án tốt nhất là cho phép tiêm nhưng không bắt buộc.
Bộ Y tế cho biết đã trình Chính phủ về việc mua gần 22 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP về việc mua vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ ở độ tuổi này được triển khai trong quý I và II khi vaccine về đến Việt Nam.
Lợi ích và tính an toàn của tiêm chủng
Tiêm vaccine giúp giảm các nguy cơ bệnh nặng, tử vong, hậu Covid-19, đặc biệt với trẻ có bệnh nền như béo phì và các bệnh chuyển hóa. Theo báo cáo giữa kỳ của CDC châu Âu (ECDC), ngay cả trẻ em không có bệnh nền cũng có thể xuất hiện các triệu chứng viêm đa hệ thống (PIMS-TS/MIS-C) và di chứng sau khi mắc Covid-19. Chúng ta rất khó đánh giá chính xác mức độ phổ biến và nguy hiểm của các triệu chứng này.
Theo số liệu ở Mỹ, trong số 3.000 trẻ mắc Covid-19 (triệu chứng nhẹ và không triệu chứng), khoảng một em sẽ có biểu hiện MIS-C trong 4 tới 6 tuần sau đó. Với nguy cơ viêm cơ tim, tại Mỹ, nhóm trẻ dưới 16 tuổi chưa tiêm vaccine có nguy cơ cao hơn nhóm đã tiêm vaccine (mRNA, Johnson & Johnson) khi mắc Covid-19 là 37 lần.
Tiêm vaccine giúp giảm các nguy cơ bệnh nặng, tử vong, hậu Covid-19, đặc biệt với trẻ có bệnh nền như béo phì và các bệnh chuyển hóa.
TS Bùi Lê Minh
Nhóm 5-11 tuổi có bệnh nền nguy cơ nhập viện cao hơn 12 lần và phải vào ICU cao hơn 19 lần khi mắc Covid-19, so với trẻ em không có bệnh nền. Trẻ em nhóm tuổi này sẽ mắc Covid-19 nhiều hơn do biến thể lây lan nhanh và các nhóm tuổi lớn hơn đã có độ phủ vaccine cao. Chỉ riêng trong tháng 10/2021 tại Mỹ, trẻ em đã chiếm tới 27% số ca nhiễm, trong khi giai đoạn đầu của dịch con số này chỉ có 3%.
Vaccine sử dụng cho trẻ em (Pfizer) đã được tiến hành thử nghiệm lâm sàng có đối chứng giả dược và cho thấy khả năng sinh miễn dịch, hiệu quả bảo vệ ở nhóm tuổi này tương đương với người lớn dù dùng liều bằng 1/3 (10 microgram). Thậm chí, đáp ứng sinh kháng thể ở nhóm này còn cao hơn một chút so với nhóm trẻ lớn và người trẻ tuổi.
Các tác dụng phụ ghi nhận ở nhóm tuổi này đều nhẹ hơn nhóm lớn hơn và gần với biểu hiện ở nhóm từ 55 tuổi trở lên. Trong số 42.504 trẻ ở nhóm tuổi này tham gia tiêm vaccine ở Mỹ vào tháng 11-12/2021, chỉ có 14 trẻ phải nhập viện. Hai trẻ tử vong sau khi tiêm đều có bệnh lý nền và không có kết luận về quan hệ nhân - quả giữa vaccine và bệnh lý được xác định.
Về vấn đề viêm cơ tim, số trẻ tham gia thử nghiệm lâm sàng là ít để đánh giá các nguy cơ với khả năng xảy ra thấp hơn 1/3.000 (không có trường hợp nào bị viêm cơ tim sau khi tiêm trong thử nghiệm lâm sàng).
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể dự đoán nguy cơ này còn thấp hơn tỷ lệ 1/5.000 xảy ra ở nam giới trong độ tuổi 16-17 đã được ghi nhận trước đó. Bởi vaccine đã được thiết kế liều và thời gian cách liều riêng cho nhóm trẻ nhỏ. Với liều 10 microgram và thời gian chờ giữa 2 mũi tiêm lên tới 8 tuần, các nguy cơ về tác dụng phụ cũng sẽ giảm đi nhiều.
Mức độ cấp thiết và tính rủi ro của tiêm vaccine Pfizer
Theo ECDC, trong số 65.800 trường hợp trẻ em 5-11 tuổi mắc Covid-19 được báo cáo từ 10 nước thành viên trong giai đoạn biến thể Delta lây lan, chỉ có 0,61% phải nhập viện (khoảng 400 em) và 0,06% phải vào ICU (khoảng 40 em).
Trong làn sóng trẻ em phải nhập viện ở Mỹ gần đây, giới chức cũng khẳng định phần lớn trẻ em phải vào viện vì các nguyên nhân khác và đồng thời dương tính với nCoV, ít bệnh nhi nhập viện do triệu chứng bệnh này. Triệu chứng ở phần lớn trẻ em là nhẹ và tiên lượng tốt.
Các trường hợp trẻ em nhóm tuổi này bệnh nặng hay tử vong cũng rất hiếm gặp ở Việt Nam. Hàng năm, Việt Nam có hơn 400.000 trường hợp mắc cúm mùa và khoảng 10 người tử vong.
Xét về mức độ nguy cấp, việc tiêm cúm mùa với tất cả lứa tuổi còn cấp thiết hơn vaccine Covid-19 với trẻ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine cúm mùa ở Việt Nam cũng không nhiều người quan tâm. Các nguy cơ có thể xảy ra chưa đánh giá được chính xác.
Có hai hiện tượng gọi là OAS (original antigenic sin - tội lỗi kháng nguyên ban đầu) và ADE (antibody-dependent enhancement - hiện tượng tăng nặng bệnh lý phụ thuộc kháng thể) vẫn luôn là những nguy cơ được để ý tới nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng với SARS-CoV-2 nên không thể hoàn toàn loại bỏ.
OAS là hiện tượng cơ thể đã sinh đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên ban đầu sau đó vẫn sinh ra kháng thể nhận diện kháng nguyên ban đầu với một kháng nguyên khác đã thay đổi, làm giảm hiệu quả hoạt động của kháng thể.
Với bản chất vaccine đang sử dụng vẫn thiết kế theo virus chủng ở Vũ Hán rất khác so với Delta và Omicron, OAS có thể dẫn tới các mũi tiêm tiếp theo trong những năm sau (dù là mũi đã “nâng cấp”) sẽ vô dụng với biến thể mới. Điều này do cơ thể chỉ sinh ra kháng thể kháng lại kháng nguyên lần đầu tiếp xúc (kháng protein gai của biến thể Vũ Hán).
ADE có thể gây ra triệu chứng bệnh nặng hơn sau khi nhiễm virus ở người đã tiêm vaccine, như trường hợp của vaccine Dengvaxia phòng sốs xuất huyết Dengue ở Philippine. Với cả hai hiện tượng này, hậu quả phụ thuộc vào khác biệt cấu trúc giữa các kháng nguyên. Vì vậy, dù chưa có bằng chứng lâm sàng vào thời điểm này cũng không có nghĩa nó sẽ không xảy ra, đặc biệt là khi virus liên tục biến đổi.
Không phải tất cả kháng thể đều tốt, trong số kháng thể sinh ra có thể sẽ xuất hiện các tự kháng thể (autobody) tấn công ngược lại chính tế bào của người và gây ra nhiều trạng thái bệnh lý. Ngày càng có nhiều báo cáo về các tình trạng này sau khi vaccine, bao gồm bệnh như giảm tiểu cầu, bệnh tự miễn ở gan, hội chứng Guillain-Barré, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống SLE.
Gần đây nhất, một người đàn ông 33 tuổi ở Mỹ đã tử vong sau 2 tháng kể từ khi có triệu chứng đau đầu, sốt sau khi tiêm Pfizer. Người này đã nhập viện 2 lần với chẩn đoán mắc hội chứng tự miễn hiếm gặp Still. Hiện nay, cũng chưa có bằng chứng trực tiếp nào khẳng định liên hệ giữa vaccine và các bệnh tự miễn xuất hiện sau thời điểm tiêm. Tuy nhiên, đây vẫn là một rủi ro có thể xảy ra, sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ em phát triển nó từ giai đoạn sớm.
Tỷ lệ trẻ mắc phản ứng phụ sau tiêm hoặc tử vong do vaccine là rất thấp trên toàn thế giới, nhưng việc tiêm chủng ở Việt Nam còn có những rủi ro khác như khả năng cấp cứu sốc phản vệ tại cơ sở y tế địa phương.
Thực tế là nước ta đã ghi nhận các trường hợp trẻ em tử vong trong thời gian vừa qua. Đây cũng là yếu tố rất cần phải cân nhắc. Ngoài ra, chúng ta rất thiếu các thông tin về mức độ an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine với trẻ em châu Á nói chung và trẻ em Việt Nam nói riêng. Vì vậy, đây vẫn còn là một câu hỏi chưa được trả lời thấu đáo.
Phương án tốt nhất là cho phép tiêm nhưng không bắt buộc, để phụ huynh quyền tự quyết định.
TS Bùi Lê Minh
Nếu đọc hết các điểm ở trên, cá nhân tôi cho rằng khó có thể nói chắc chắn việc tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi có lợi hay nguy cơ nhiều hơn. Ở tình trạng này, phương án tốt nhất là cho phép tiêm nhưng không bắt buộc, để phụ huynh quyền tự quyết định.
Cũng theo báo cáo của ECDC, tình trạng trẻ em mắc các vấn đề tâm lý do phải ở nhà dài ngày đang càng ngày càng phổ biến. Nếu không sớm cho các em hòa nhập trở lại cuộc sống bình thường, trẻ có thể sẽ có ảnh hưởng lâu dài tới cả một thế hệ hậu Covid-19.
TS Bùi Lê Minh là Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM.