Lợi ích sức khỏe và những điều cần lưu ý khi uống kombucha

Kombucha là một loại trà lên men từ trà đen hoặc trà xanh, có hương vị chua nhẹ và chứa nhiều khí gas tự nhiên. Không chỉ hấp dẫn về mặt khẩu vị, kombucha còn được biết đến với nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt là khả năng hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, việc tiêu thụ kombucha cũng cần có liều lượng hợp lý để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Hỗ trợ quá trình trao đổi chất và kiểm soát cân nặng

Kombucha không phải là một giải pháp giảm cân tức thì nhưng có thể thúc đẩy và tăng cường trao đổi chất, giúp cơ thể sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Ngoài ra, thức uống này còn giúp ức chế sự hình thành triglyceride, giảm nguy cơ tích tụ mỡ thừa.

Tăng cường hệ miễn dịch

Kombucha chứa lượng lớn vitamin B, axit axetic, glucuronic acid và D-saccharic acid, các hợp chất có tính kháng khuẩn giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại. Những chất này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Kombucha được lên men từ trà, do đó chứa nhiều polyphenol và các hợp chất chống oxy hóa. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thức uống này có thể cải thiện mức cholesterol, làm giảm LDL (cholesterol xấu) và tăng HDL (cholesterol tốt), từ đó giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Hỗ trợ thải độc gan

Axit glucuronic trong kombucha có khả năng hỗ trợ gan loại bỏ độc tố và đào thải qua thận, giúp giảm “gánh nặng” cho gan, và hỗ trợ quá trình thanh lọc cơ thể. Đặc biệt, kombucha có thể giúp đào thải kim loại nặng và các hợp chất có hại thông qua hệ bài tiết, giảm áp lực cho gan.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cải thiện hệ tiêu hóa và sức khỏe đường ruột

Kombucha chứa probiotic tự nhiên, đặc biệt là lactobacillus plantarum, giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa, giảm táo bón, hạn chế đầy hơi và giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Nhờ vào đặc tính sinh ra axit tự nhiên trong quá trình lên men, kombucha cũng có thể giúp giảm tình trạng đầy hơi và khó tiêu.

Nguy cơ tăng axit lactic trong cơ thể

Mặc dù kombucha chứa nhiều axit hữu cơ có lợi, nhưng nếu tiêu thụ quá mức, lượng axit trong cơ thể có thể tăng cao, dẫn đến tình trạng toan lactic (lactic acidosis). Trường hợp nghiêm trọng có thể gây chóng mặt, buồn nôn và rối loạn tiêu hóa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh hưởng đến lượng đường trong máu

Nhiều sản phẩm kombucha thương mại chứa đường bổ sung cao để tạo vị ngọt, điều này có thể làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt là đối với người mắc tiểu đường. Do đó, khi mua kombucha, nên kiểm tra thành phần dinh dưỡng và chọn loại không đường hoặc ít đường.

Không phù hợp cho phụ nữ mang thai và cho con bú

Do quá trình lên men, kombucha có chứa một lượng nhỏ caffeine và cồn (khoảng 0,5%). Mặc dù hàm lượng này thấp, nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến những người nhạy cảm với caffeine hoặc cồn, đặc biệt là phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng

Kombucha chứa axit axetic, một loại axit cũng có trong giấm, làm cho thức uống này có độ pH dưới 4.2. Theo một số nghiên cứu, độ pH thấp có thể làm mòn men răng, đặc biệt khi tiêu thụ kombucha quá thường xuyên.

Theo khuyến nghị, mỗi ngày chỉ nên uống 1 ly kombucha (khoảng 240ml) là mức tiêu thụ hợp lý. Nếu uống quá nhiều, kombucha có thể gây đầy hơi, khó chịu dạ dày hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ do chứa caffeine.

Theo Wkorea, Allure Korea, Hidoc

Trang Nguyen

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/loi-ich-suc-khoe-va-nhung-dieu-can-luu-y-khi-uong-kombucha/