Lợi ích thiết thực từ thỏa ước nhóm
Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm trong ngành dệt may không chỉ giúp ổn định quan hệ lao động mà còn hạn chế tình trạng nhảy việc
Mới đây, tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hội nghị sơ kết thí điểm thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm trong khuôn khổ dự án (DA) "Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành dệt may". DA được thí điểm tại 3 quận, huyện ở TP HCM và tỉnh Hưng Yên, do Công đoàn (CĐ) Hà Lan tài trợ. Sau 3 năm thực hiện, mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích cho hàng ngàn công nhân (CN) và sẽ được nhân rộng trên cả nước.
Đáp ứng mong mỏi của người lao động
Huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là địa phương đầu tiên hoàn thành việc ký kết TƯLĐTT nhóm với 5 doanh nghiệp (DN) tham gia.
Bà Tôn Kim Thúy, Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Lâm, nhìn nhận việc ký kết TƯLĐTT nhóm là chương trình hoàn toàn mới, trong khi mỗi DN có đặc thù riêng về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, các chế độ phúc lợi… do vậy, nhóm vận động gặp rất nhiều trở ngại. Phải mất hơn 1 năm chuẩn bị, từ việc xây dựng nhóm nòng cốt, tiếp xúc với DN, tổ chức đối thoại và tiến hành đàm phán… thì DA mới thành công. Tháng 7-2019, 5/7 DN tiếp xúc đã thống nhất 12 nội dung đưa vào TƯLĐTT nhóm và tiến hành ký kết. Trong đó, nhiều nội dung có lợi cho người lao động (NLĐ) như: thưởng lương tháng thứ 13, tổ chức du lịch hằng năm, bảo đảm bữa ăn giữa ca (không thấp hơn 16.000 đồng/người/suất). "Sau hơn 1 năm TƯLĐTT nhóm có hiệu lực, có thể khẳng định rằng cả DN lẫn NLĐ đều hưởng lợi. Minh chứng rõ nhất là từ đầu năm đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, sản xuất cầm chừng nhưng các DN vẫn tuân thủ những cam kết trong TƯLĐTT và chăm lo tốt cho NLĐ" - bà Thúy nhận xét.
Tại TP HCM, sau hơn 1 năm chuẩn bị, tháng 9-2020, LĐLĐ TP đã ký kết thành công 2 TƯLĐTT nhóm tại quận Tân Bình và quận Thủ Đức. Chia sẻ quá trình thực hiện, bà Đỗ Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Thủ Đức, cho biết dịch bệnh bùng phát khiến các DN tham gia DA bị ảnh hưởng, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động… điều này khiến việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, với sự kiên trì của nhóm thực hiện DA, tháng 9-2020, TƯLĐTT nhóm đã được ký kết, đáp ứng mong mỏi của hơn 3.300 NLĐ tại 6 DN tham gia. TƯLĐTT nhóm với 13 nội dung có lợi cho NLĐ, trong đó đáng chú ý là DN trả lương cho NLĐ cao hơn 6% so với lương tối thiểu vùng, hỗ trợ bữa ăn giữa ca thấp nhất 17.000 đồng/người/suất, NLĐ làm việc 10 năm trở lên tại DN được thưởng thêm 1 ngày nghỉ… Tại quận Tân Bình, 4 DN may trên địa bàn cũng đồng ý tham gia ký kết TƯLĐTT nhóm với 11 nội dung có lợi cho NLĐ như: hằng năm, DN sẽ thưởng tháng lương thứ 13, cung cấp bữa ăn ca cho NLĐ với giá trị ít nhất từ 17.000 đồng/bữa, tổ chức cho NLĐ du lịch hằng năm...
Ổn định quan hệ lao động
Đánh giá kết quả bước đầu của DA, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định việc hình thành TƯLĐTT nhóm ở các DN cùng ngành nghề đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả DN và NLĐ. Nội dung các bản TƯLĐTT không chỉ tập trung quyền lợi NLĐ mà còn bao hàm nội dung về thi đua lao động, thực hiện sáng kiến, tăng năng suất lao động. Đó cũng là lý do vì sao DA nhận được sự ủng hộ của cả NLĐ lẫn chủ DN.
Là chủ DN tham ký kết TƯLĐTT nhóm, ông Nguyễn Cửu Long, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Long Cường (quận Thủ Đức, TP HCM), rất ủng hộ mô hình này. Trước khi thành lập công ty, ông Long có hơn 10 năm làm CN trực tiếp sản xuất. Ban đầu công ty chỉ có 8 lao động nhưng đến nay con số này đã gần 500 người. Vươn lên trong khó khăn nên ông Long rất quý trọng NLĐ cũng như quan tâm đến hoạt động của CĐ. "Khi được vận động tham gia DA, tôi rất ủng hộ bởi DN muốn ổn định quan hệ lao động một cách căn cơ thì việc chăm lo NLĐ là lựa chọn duy nhất. Việc tham gia ký kết TƯLĐTT giúp tôi học hỏi nhiều cái hay từ các DN cùng ngành nghề, từ đó điều chỉnh chính sách chăm lo, đãi ngộ phù hợp với tình hình tại đơn vị. Các đối tác khi đặt quan hệ hợp tác rất quan tâm đến điều kiện sản xuất, tiền lương và đãi ngộ NLĐ nên việc tham gia DA chỉ có lợi cho DN" - ông Long nhấn mạnh và kiến nghị cần mở rộng mô hình này sang các ngành nghề khác.
Theo các chuyên gia lao động, thông qua hình thành TƯLĐTT nhóm, DN sẽ liên kết chặt chẽ với nhau trong việc chăm lo, giúp NLĐ có thêm động lực làm việc và hạn chế tối đa tình trạng nhảy việc. Đây là cơ hội để NLĐ nâng cao phúc lợi, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa. Là đại diện NLĐ tại cơ sở, ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch CĐ Công ty TNNH May mặc G&G II (quận Tân Bình), cho hay TƯLĐTT nhóm là bản TƯLĐTT thứ 2 mà DN ký kết. Trong đó, riêng bản TƯLĐTT tại DN đã quy định chi tiết các chế độ phúc lợi cho NLĐ. Do vậy, ông Sơn cho rằng để đạt được mục tiêu mà DA đề ra, nội dung TƯLĐTT nhóm cần quan tâm đến các vấn đề lớn mà luật không quy định cụ thể. Điển hình như vấn đề tiền thưởng Tết hay việc tăng lương, mức lệch giữa các bậc lương, chất lượng bữa ăn… "Từ năm 2021, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. Do vậy, việc hình thành những nội dung có tính dài hơi và cụ thể hóa trong TƯLĐTT nhóm là điều kiện cần để hài hòa lợi ích các bên liên quan" - ông Sơn bày tỏ.
Bà TRẦN THỊ THANH HÀ, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Nâng cao uy tín Công đoàn
Quá trình thực hiện DA cho thấy không chỉ NLĐ và DN được hưởng lợi từ TƯLĐTT nhóm mà qua đó, khả năng thương lượng của đội ngũ cán bộ CĐ được nâng lên. Đây là yếu tố quan trọng để củng cố vị thế, nâng cao uy tín của CĐ trong giai đoạn hiện tại. Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn đầu của DA, sắp tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục thí điểm tại các địa phương khác (Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng...) cũng như mở rộng các ngành nghề khác như điện tử, chế biến gỗ. Tại các địa phương đã có TƯLĐTT nhóm thì tiếp tục mở rộng và hướng tới ký kết thỏa ước ngành.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/loi-ich-thiet-thuc-tu-thoa-uoc-nhom-20201107213309992.htm