Lợi ích từ việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Từ tháng 3 đến tháng 6/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố triển khai thí điểm chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, TP Hồng Ngự và huyện Tháp Mười. Đây là hoạt động nhằm từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí.

Công chức Lao động - Thương binh và Xã hội phường Mỹ Phú (TP Cao Lãnh) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng

Công chức Lao động - Thương binh và Xã hội phường Mỹ Phú (TP Cao Lãnh) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai tập huấn, hướng dẫn quy định, quy trình thực hiện chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho cán bộ, công chức LĐ-TB&XH và đối tượng thụ hưởng. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng qua tài khoản số, tài khoản ngân hàng và hướng dẫn cách thức sử dụng. Đối với các trường hợp đặc biệt như người già yếu, khuyết tật không thể đi lại được, không sử dụng được điện thoại, không có người ủy quyền và trường hợp đặc biệt khác, đơn vị cung cấp dịch vụ, công chức LĐ-TB&XH xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chi trả trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng tại các điểm giao dịch cấp xã hoặc sẽ chi trả tại hộ gia đình theo quy định của pháp luật...

Trên địa bàn TP Cao Lãnh có 5.892 đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Triển khai thí điểm chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt với đối tượng BTXH, UBND TP Cao Lãnh chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH TP Cao Lãnh phối hợp với Công an thành phố, UBND các xã, phường chuẩn hóa dữ liệu đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với Viettel TP Cao Lãnh tổ chức tư vấn, hỗ trợ các đối tượng hưởng BTXH tại cộng đồng mở tài khoản tiếp nhận tiền trợ cấp hàng tháng.

Tại phường Mỹ Phú, UBND phường phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức tư vấn và mở tài khoản ngân hàng cho các đối tượng hưởng BTXH. Đến nay, có 281/281 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng đã hoàn thành việc mở tài khoản; 232/281 đối tượng đã được chi trả tiền hỗ trợ tháng 6/2023 qua tài khoản, đạt 85,56%. Là 1 trong những người vừa tiếp nhận tiền trợ cấp bảo trợ xã hội qua tài khoản ngân hàng, chị Phan Thị Kiều Sen (SN 1981) ngụ khóm Mỹ Tây, phường Mỹ Phú, cho biết: “Tôi đang nuôi dưỡng người anh ruột bị bệnh tâm thần và được UBND phường trợ cấp hàng tháng số tiền 540.000 đồng. Thay vì nhận tiền trực tiếp như trước đây, trong tháng 6 vừa qua, tôi được UBND phường hỗ trợ mở tài khoản và nhận tiền trợ cấp qua ứng dụng ngân hàng điện tử trên điện thoại. Tôi thấy việc làm này mang đến sự tiện lợi, đỡ tốn công và đảm bảo theo đúng thời gian...”.

Bà Cao Thị Ngọc Nên - Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Phú, cho biết: “Thời gian tới UBND phường tiếp tục rà soát biến động của các đối tượng BTXH để phối hợp đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn, mở tài khoản cho đối tượng mới phát sinh. Ngoài ra, phân công công chức LĐ-TB&XH phường thường xuyên theo dõi, hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng sử dụng thành thạo các dịch vụ nhận tiền trợ cấp qua tài khoản, đảm bảo các chế độ chi trả an sinh xã hội qua tài khoản được triển khai theo đúng quy định, mang lại lợi ích cho các đối tượng BTXH hoặc người giám hộ...”.

Thống kê của Phòng LĐ-TB&XH TP Cao Lãnh, đến ngày 30/6/2023, có 3.867/5.892 đối tượng hưởng BTXH tại 15 xã, phường hoàn thành việc mở tài khoản, đạt 66%. Trong tháng 6/2023, Phòng LĐ-TB&XH thành phố đã phối hợp đơn vị cung cấp dịch vụ tiến hành chi trả trợ cấp hàng tháng qua tài khoản cho 308 đối tượng hưởng BTXH thuộc Phường 4 và phường Mỹ Phú. “Việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt được cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức và người dân hưởng ứng. Đơn vị cung cấp dịch vụ, các ban, ngành liên quan và UBND các xã, phường tích cực tham gia thu thập thông tin, hướng dẫn đối tượng mở thẻ và sử dụng dịch vụ. Về lợi ích, phương thức chi trả không dùng tiền mặt là rất cần thiết, tiền hỗ trợ được chuyển đến người nhận rất nhanh, đúng ngày quy định, đảm bảo an toàn, minh bạch, rõ ràng. Đồng thời giúp người thụ hưởng tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế rủi ro khi mang tiền mặt bên người” - ông Lê Nhựt Trường, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Cao Lãnh chia sẻ.

Dự kiến, trong tháng 7/2023, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố tổng kết, đánh giá kết quả và khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt với các nhóm đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng trên phạm vi toàn tỉnh.

P.L

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chuyen-doi-so/loi-ich-tu-viec-chi-tra-an-sinh-xa-hoi-khong-dung-tien-mat-115334.aspx