Lợi ích từ việc tắt sóng 2G
Tắt sóng 2G được xem là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng.
Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt. Trong đó, chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến người dân Việt Nam.
Đây được xem là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Một số người cho rằng, tắt sóng 2G sẽ làm đời sống "đảo lộn", liên lạc bị ngưng trệ. Tuy nhiên, kinh nghiệm tại những quốc gia phát triển cho thấy, khi 100% người dân sử dụng smartphone, những dịch vụ số sẽ được thúc đẩy phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Điều này giúp chính người dân được hưởng lợi nhờ cuộc sống trở nên thuận tiện, đồng thời thúc đẩy cơ hội trải nghiệm những dịch vụ mới, công nghệ cao.
Phát biểu tại Tọa đàm "Tắt sóng 2G, đưa người dân lên môi trường số" do CLB Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức ngày 5/12, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Đến nay, Bộ đã có nhiều giải pháp, chủ trương dừng mạng 2G. Các đơn vị của Bộ đã có đề xuất từ năm 2016, thời điểm chúng ta cấp phép công nghệ 4G, thời hạn đến năm 2024. Đây là thời điểm các nhà mạng định hướng, xem xét cấp lại thuê bao, đồng thời chuyển đổi số và công nghệ. Về mặt thực thi, các nhà mạng đang tiến hành dừng 2G của mình và thử nghiệm công nghệ mới 5G".
Theo ông Nhã, một nhà mạng không thể tồn tại đồng thời công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G. Điều này giảm thiểu những khó khăn cho các thiết bị phát sóng, đây là chủ trương đúng đắn của Bộ Thông tin và Truyền thông, được các doanh nghiệp, nhà mạng ủng hộ.
"Đến năm 2030, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ bắt đầu công nghệ 6G. Vì vậy, các điện thoại công nghệ 2G sẽ không còn được sử dụng, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường", ông Nhã thông tin.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tài trợ 400.000 máy điện thoại để hỗ trợ đối tượng thuộc diện ưu tiên như vùng sâu xa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong việc chuyển đổi sang công nghệ mới. Hiện các nhà mạng cũng có những thống kê đến từ các quận, huyện ở mọi khu vực trên cả nước, từ đó có các phương pháp hỗ trợ người sử dụng ở một số vùng khó khăn chuyển sang công nghệ mới.
"Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng chính quyền địa phương, huy động nguồn hỗ trợ từ việc xã hội hóa để giúp đỡ người dân thuộc diện trong chính sách có thể chuyển đổi sang 4G một cách đồng bộ", ông Nhã chia sẻ và cho rằng, bên cạnh đó, vấn đề đào tạo trong quá trình chuyển đổi đối với các đối tượng được hỗ trợ cũng rất quan trọng. Điều này giúp họ làm quen với công nghệ mới, giảm thiểu mất cước sử dụng dịch vụ không mong muốn, phát hiện và tránh vào các ứng dụng giả mạo.
Ông Đoàn Quang Hoan,Tổng Thư ký Hội Vô tuyến Điện tử chia sẻ: "Việc tắt sóng 2G không phải là sáng kiến của Việt Nam, chúng ta đang bước theo xu hướng của thế giới. Đây là một chủ trương đúng đắn của Bộ Thông tin và Truyền thông".
Ông Hoan đưa ra 3 mục tiêu cơ bản cho việc tắt sóng 2G bao gồm: Đối với xã hội: Tắt sóng 2G giúp người dùng sẽ loại bỏ dịch vụ chất lượng thấp; Đối với doanh nghiệp: Giảm bớt chi phí khai thác, góp phần xã hội phát triển công nghệ xanh; Đối với Nhà nước: Tắt 2G sẽ giải phóng băng tần công nghệ cũ, sử dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả quan trọng, phù hợp với chuyển đổi số quốc gia.
Chuyên gia này đánh giá, các doanh nghiệp đồng hành tốt cùng Nhà nước trong việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng công nghệ 4G. Đồng thời, việc duy trì 2G tốn rất nhiều chi phí cho các doanh nghiệp, trong khi lượng người dùng đã giảm rất nhiều.
Còn ông Nguyễn Trọng Tính, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom, việc chuyển đổi các khách hàng sử dụng mạng 2G lên 4G không phải đã diễn ra 1-2 năm gần đây, mà đã thực hiện từ khoảng 4 năm. Hiện nay, Viettel là nhà mạng đầu tiên đã chuyển đổi toàn bộ thuê bao 3G lên 4G thành công, chỉ còn khoảng 0,2% khách hàng sử dụng 3G.
Theo ông Tính, việc ngừng các công nghệ cũ, để lấy nguồn lực tập trung cho công nghệ mới sẽ đem lại giá trị lợi ích lớn về mặt kinh tế, nguồn lực cho các doanh nghiệp viễn thông. Dẫu vậy, tỷ lệ thuê bao 2G ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn cao so với các nước trong khu vực, các nước phát triển, với xấp xỉ 16% thuê bao còn dùng 2G only.
Ông Tính cho hay, mục tiêu hết năm 2024, Viettel sẽ tiếp tục dịch chuyển các khách hàng còn lại, và chỉ đến khi nào tỷ lệ này còn dưới 5% thì mới tắt trạm phát sóng được.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc True IDC Vietnam đánh giá, đối với Việt Nam, việc tắt 2G nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Việc duy trì giữ 2G rất tốn điện, cũng như không đem lại nhiều giá trị sử dụng cho người dùng. Trong khi đó, chúng ta đáng lẽ nên được tiếp cận với những dịch vụ, tiện ích tốt hơn.
Ở một góc nhìn khác đối với doanh nghiệp, việc chuyển đổi lên công nghệ cao hơn cũng sẽ có lợi hơn về mặt phát triển bền vững, hơn là tiếp tục duy trì công nghệ cũ, lạc hậu.
Theo ông Hùng, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội làm tốt chuyển đổi này, bởi 4G về cơ bản đã hoàn toàn hội nhập và tương thích với đa số người dân.Cùng với đó, việc thị trường smartphone phát triển mạnh, người dân ai cũng có một chiếc điện thoại thông minh, cũng là những lợi thế trong việc thực hiện tắt sóng 2G.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Chuyên gia mạng công nghệ không dây Huawei Việt Nam chia sẻ: "Quy trình tắt công nghệ cũ 2G và triển khai công nghệ mới là xu hướng chung trên thế giới mà Việt Nam đang thực hiện.Đến nay, có hơn 100 nhà mạng từ hơn 70 quốc gia đã tắt 2G. Trong số này có quốc gia họ đã tắt từ những năm 2017.
Chuyển dịch sang công nghệ mới mang lại rất nhiều lợi ích, giảm thiểu chi phí vận hành từ các nhà mạng do duy trì công nghệ 2G rất tốn điện. Đồng thời, công nghệ 3G, 4G giúp người dân tiếp cận dịch vụ tài chính công theo mô hình đổi mới của Chính phủ, Nhà nước.
Ông Lê Mai Sơn, Phó Trưởng ban Truyền thông Mobifone, ủng hộ chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc chuyển đổi từ mạng 2G lên 4G. Theo ông Sơn, điều này phù hợp với quan điểm vừa hài hòa tối ưu cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo quyền lợi khách hàng của Mobifone.
Trong thời gian qua, Mobifone đã thực hiện tắt dần thuê bao 2G Only ở những nơi truy cập thấp, đồng thời có phương án đánh giá ảnh hưởng của người dân ra sao, cũng như có lộ trình cụ thể tiến tới cắt hẳn thuê bao 2G..
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng vẫn cần có thêm thời gian để thuyết phục người dân, bao gồm việc hạn chế những rào cản của công nghệ 2G truyền thống, và chuyển sang những công nghệ mới.
Còn ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT cho biết: "Chúng tôi mong muốn cùng đồng hành với nhà mạng và các bên liên quan để tắt sóng 2G.
Năm 2015-2016, lưu lượng 2G của Vinaphone chiếm 60%. Khi 3G, 4G áp dụng thì VNPT tiến tới kế hoạch cắt sóng 2G, kết hợp trong các chương trình ưu tiên phát triển thuê bao sử dụng 3G, 4G.
Hai năm qua, VNPT chủ động tắt các trạm riêng lẻ khi nhu cầu hay lưu lượng sử dụng ít. Theo chỉ đạo, định hướng Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 9/2024, chúng tôi cam kết sẽ chuyển đổi toàn bộ các thuê bao 2G only, hiện chiếm khoảng 6% tổng lượng thuê bao của nhà mạng".
Theo ông Khánh, VNPT sẽ tặng smartphone, trợ giá cho những khách hàng đang sử dụng 2G only sinh sống ở một số khu vực vùng sâu xa, hải đảo... để giúp người dân chuyển đổi sang công nghệ 3G, 4G. Cuối năm 2023, VNPT sẽ áp dụng công nghệ mới để phát hiện những thuê bao không tuân thủ các quy định pháp luật, để nhà mạng có thể dễ dàng quản lý.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loi-ich-tu-viec-tat-song-2g-d204445.html