Lợi ích ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp đô thị
Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị trong bối cảnh đô thị hóa là nhu cầu tất yếu hiện nay.
Chiều ngày 6/6/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, cùng sự đồng hành của Công ty CP Phân bón Bình Điền tổ chức hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị”, phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu về phát triển nông nghiệp đô thị hiện nay.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp như: GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền; Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Khoa công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang…
Theo đó, trong tiến trình đô thị hóa hiện nay bằng công nghệ xử lý hiện đại, người dân có thể tái sử dụng nguồn nước thải để làm nước tưới, phân bón,... cho cây trồng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường tận dụng một phần nguồn chất thải đô thị để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch và an toàn.
Phát biểu tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô Thị, ở Việt Nam hiện nay, tốc độ đô thị hóa quá nhanh với sự gia tăng về dân số, quá tải hạ tầng, khói bụi từ khí thải tại các thành phố, các khu công nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có vấn nạn ô nhiễm môi trường và sự thiếu hụt về cây xanh, cũng như thực phẩm sạch. Những bài toán nêu trên hiện đang cần lời giải để giúp người dân đô thị cân bằng lại cuộc sống trong một môi trường an toàn, lạnh mạnh. Trong đó, phát triển nông nghiệp đô thị là một trong những giải pháp, một xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam khi mà tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh như hiện nay.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp…, những lợi ích từ nông nghiệp đô thị mang lại rất lớn như: góp phần phủ xanh đô thị, tăng lượng ô xy trong khu vực đô thị, góp phần làm giảm phát thải nhà kính, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ an toàn cho người dân đô thị,...
Trong tiến trình đô thị hóa hiện nay bằng công nghệ xử lý hiện đại, người dân có thể tái sử dụng nguồn nước thải để làm nước tưới, phân bón,... cho cây trồng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường tận dụng một phần nguồn chất thải đô thị để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch và an toàn.
Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị các giải pháp về quy hoạch đô thị lồng ghép với phát triển nông nghiệp đô thị, tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường; về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các trung tâm giống và vật tư nông nghiệp phù hợp cho mỗi kiểu mô hình nông nghiệp đô thị như cây giống, con giống, giá thể, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chuyên dùng, công cụ tưới tiết kiệm, vật tư bảo quản, bao gói, các mô hình nhà màng, nhà lưới cũng cần nghiên cứu và thiết kế cho phù hợp đối tượng và quy mô sản xuất; hỗ trợ phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong nội đô và chợ phiên tại vùng ven đô...
Theo ông GS.TS Nguyễn Văn Bộ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật Công ty CP Phân bón Bình Điền, hiện nay, cư dân đô thị tăng nhanh theo mức độ đô thị hóa, do đó nhu cầu về lương thực thực phẩm của các thành phố cũng tăng lên. Theo dự báo của Liên hiệp quốc, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt 9,1 tỷ người, cao hơn 34% so với hiện nay và khoảng 70% sẽ là người thành thị (so với 49% hiện nay). Còn tại Việt Nam, dân số đến ngày 29/5/2024 là 99.440.675 người. Cơ cấu cư dân thành thị cũng tăng rất nhanh.
Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, lý do khác cho sự cần thiết phát triển nông nghiệp đô thị, chính là vấn đê vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu ở Nông thôn từng có (và có thể vẫn còn) tình trạng “Rau 2 luống, lợn 2 chuồng” thì nông nghiệp đô thị chính là giải pháp phòng tránh tốt nhất ngộ độc thực phẩm vốn đang tăng nhanh…
Từ thực tế này, việc tăng cường phát triển nông nghiệp đô thị được kì vọng sẽ là giải pháp hữu hiện giúp giải quyết nhiều vấn đề cho xã hội.