Lời kể của các cựu hành khách từng đi tàu lặn Titan

Tàu lặn Titan của công ty OceanGate Expeditions được khẳng định là một bước đột phá giúp hành khách có cơ hội khám phá xác tàu Titanic dưới đáy biển. Tuy nhiên, những hành khách từng tham gia vào chuyến đi đã chia sẻ nhiều vấn đề con tàu này gặp phải.

Tàu lặn Titan được làm từ chất liệu sợi carbon và titan. Ảnh: OceanGate

Tàu lặn Titan được làm từ chất liệu sợi carbon và titan. Ảnh: OceanGate

Thông tin về tàu Titan

Theo Reuters trích dẫn OceanGate Expeditions, công ty đã thiết kế Titan để có thể chở tối đa 5 người ở độ sâu 4.000m. Con tàu này nặng 9.525 kg và có thể di chuyển với tốc độ 5,5 km/h nhờ động cơ đẩy điện. Các trang bị khác của tàu lặn bao gồm đèn LED cực mạnh, hệ thống định vị sonar, thiết bị camera cao cấp và một nhà vệ sinh thô sơ.

Tàu Titan có một cửa sổ duy nhất với các bức tường làm từ sợi carbon dày 13cm. Con tàu được đậy ở mỗi đầu bằng các vòm làm từ titan và chỉ có một cửa sổ duy nhất. OceanGate cho biết Titan có một hệ thống hỗ trợ sự sống có thể giữ cho 5 người sống sót trong tối đa 96 giờ.

Một khi hành khách đã vào bên trong, cửa sập sẽ được chốt lại. Thông thường, hành khách sẽ ngồi trên sàn trong khi dựa lưng vào bức tường cong của tàu. Tàu lặn sau đó sẽ được phóng từ một bệ nhỏ có thể được đưa ra biển trên một con tàu thương mại.

Thông tin được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông cho thấy con tàu này được vận hành bằng bộ điều khiển giống như bộ điều khiển trò chơi điện tử. Ở phía trên mặt nước, các nhân viên của OceanGate sẽ theo dõi vị trí của Titan và gửi tin nhắn văn bản cho phi công với hướng dẫn điều hướng.

Theo Reuters trích dẫn ông David Pogue, một nhà báo của CBS News và đồng thời là người đã tham gia một chuyến đi trên tàu Titan vào năm ngoái, các du khách phải ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm khi bắt đầu chuyến đi. Tài liệu này mô tả con tàu là một "thử nghiệm" và thừa nhận hành khách có nguy cơ bị chấn thương hoặc thậm chí tử vong.

Bên trong tàu Titan. Ảnh: OceanGate Expeditions

Bên trong tàu Titan. Ảnh: OceanGate Expeditions

Lời kể từ những hành khách từng tham gia

Ông Brian Weed, 42 tuổi, người quay phim cho chương trình “Expedition Unknown” của Discovery Channel, là một trong những người đã thực hiện một chuyến lặn thử trên tàu Titan vào tháng 5/2021. Trong bài phỏng vấn được hãng tin NBC News đăng tải ngày 23/6, ông cho biết: “Ngay khi chúng tôi bắt đầu chuyến lặn thử, mọi thứ bắt đầu không ổn”.

Ông miêu tả quá trình lặn xuống đáy biển của tàu Titan là “lộn xộn” và chỉ trong chưa đầy 1/4 hành trình lặn, con tàu gặp “trục trặc với hệ thống đẩy” và khiến hành khách giống như những “con vịt bị kẹt trong nước”. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ lo ngại về cánh cửa của tàu Titan do nó bị chốt từ bên ngoài. Ông cho biết có khả năng hành khách “không có lối thoát ngay cả khi đang ở trên cạn”.

Một hành khách khác từng khám phá xác tàu Titanic dưới đáy biển Đại Tây Dương là Colin Taylor, cũng mô tả các rắc rối của hệ thống liên lạc trên tàu Titan. Theo NBC News trích dẫn ông, “hệ thống liên lạc hai chiều dựa trên văn bản rất chậm” và tín hiệu gặp khó khăn trong việc vượt qua lượng nước khổng lồ.

Trong khi đó, ABC News trích dẫn ông Mike Reiss, biên kịch và nhà sản xuất từng làm việc cho series hoạt hình “The Simpsons”, cho biết ông đã từng thực hiện 4 chuyến lặn kéo dài 10 giờ với OceanGate, bao gồm cả chuyến đi tới xác tàu Titanic, và thủy thủy đoàn mất liên lạc với tàu hỗ trợ cả 4 lần.

Tại một trong những hành trình tới Hẻm núi ngầm Hudson cùng OceanGate, ông cho biết đài phát thanh của tàu đã phát ra một tiếng động lớn sau khi tàu chạm đáy đại dương. Trong một tập podcast hồi năm 2022 mang tiêu đề “What Am I Doing Here?”, ông cho biết: “Thiết bị sonar, máy tính, đèn chiếu sáng đều ngừng hoạt động. Chúng tôi đã quay trở lại bề mặt ngay lập tức”.

2 năm sau đó, ông tiếp tục thực hiện một chuyến thám hiểm khác tới địa điểm xác tàu Titanic bằng tàu lặn Titan. Ông mô tả con tàu này là một “chiếc ô tô mà bạn lái xuống biển khi say rượu” và được điều khiển bởi bộ điều khiển trò chơi điện tử. Khi chạm đáy biển, ông cho biết phi hành đoàn gặp phải vô số vấn đề.

"Chúng tôi không ở gần tàu Titanic. Có những dòng chảy dưới nước đẩy chúng tôi đi sai hướng ngày càng xa. Hệ thống sonar không hoạt động và la bàn cứ lắc lư từ đông sang tây, bắc xuống nam”, ông cho biết. Hành trình lần đó của ông khởi hành muộn trong khi trên bờ biển đang có một cơn bão”.

Ông David Pogue, một phóng viên của CBS News, ngày 19/6 vừa qua cũng từng khẳng định trên Twitter rằng tàu Titan đã "mất tích dưới đáy biển" trong khoảng 5 giờ khi ông đang trong chuyến thám hiểm của OceanGate tới nơi an nghỉ của tàu Titanic. Tuy nhiên, ông Pogue không ở bên trong Titan và ở trong phòng điều khiển trên một con tàu trên bề mặt. Ông cho biết tin nhắn vẫn gửi được tới tàu ngầm nhưng không ai biết con tàu đang ở đâu”.

Đặc biệt hồi năm 2018, OceanGate Expeditions đã từng vướng phải rắc rối pháp lý với ông David Lochridge – một người từng được thuê để chạy thử nghiệm tàu lặn Titan và là người “chịu trách nhiệm về sự an toàn của tất cả thủy thủ đoàn và khách hàng” theo một thông cáo báo chí.

Trong tài liệu của tòa án được The New Republic trích dẫn, ông Lochridge cho biết ông đã bị sa thải sau khi cảnh báo rằng lớp vỏ làm từ sợi carbon của tàu Titan chưa được kiểm tra đầy đủ để đảm bảo rằng tàu có thể hạ xuống độ sâu 4.000m – độ sâu ước tính của xác tàu Titanic - một cách an toàn.

Ngoài ra, ông cũng cáo buộc cửa sổ của tàu chỉ được thiết kế để chịu áp lực ở độ sâu 1.300m thay vì 4.000m như quảng cáo và không đạt tiêu chuẩn an toàn PVHO - các tiêu chuẩn an toàn dành cho các cấu trúc được định nghĩa là "bình chịu áp lực dành cho người". Ông còn tuyên bố hành khách trả tiền cho các chuyến đi trên Titan không được cung cấp thông tin về việc con tàu được làm từ nhiều “vật liệu độc hại dễ cháy nổ”.

Các rắc rối này được giải quyết một vài tháng sau đó, tuy nhiên các chi tiết cụ thể không được công bố.

CEO và nhà sáng lập OceanGate Expeditions Stockton Rush trên tàu Titan hồi năm 2021. Ảnh: OceanGate Expeditions

CEO và nhà sáng lập OceanGate Expeditions Stockton Rush trên tàu Titan hồi năm 2021. Ảnh: OceanGate Expeditions

Hình ảnh xác tàu Titanic được công bố bởi OceanGate Expeditions

Hình ảnh xác tàu Titanic được công bố bởi OceanGate Expeditions

Hình ảnh tàu lặn Titan vận hành dưới nước. Ảnh: OceanGate Expeditions

Hình ảnh tàu lặn Titan vận hành dưới nước. Ảnh: OceanGate Expeditions

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/loi-ke-cua-cac-cuu-hanh-khach-tung-di-tau-lan-titan-post23322.html