Lợi kép từ giảm chi phí sản xuất
Tính hiệu quả, lợi ích kép của giảm chi phí sản xuất nhờ đầu tư máy móc, công nghệ mới đang được nhìn thấy rõ ở một số doanh nghiệp ngành dệt may. Điều này được khuyến khích ở các doanh nghiệp khác, quan trọng là cần có một khoản vốn nhất định cho việc đầu tư mới.
Với chiếc máy laser dùng để “mài” các sản phẩm may mặc bằng vải jean – một kỹ thuật để làm bạc màu và sờn rách các sản phẩm jean được người tiêu dùng trẻ ưa thích, anh Phan Chí Cao, 27 tuổi, công nhân của CTCP Quốc tế Phong Phú (PPJ), cho biết mỗi ngày có thể xử lý khoảng 300 sản phẩm jean so với chỉ khoảng 20 – 30 sản phẩm nếu theo quy trình xử lý thủ công thâm dụng lao động trước đây và phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Thay quy trình cũ
Về phía PPJ, với 20 nhà máy và 14.000 công nhân sản xuất, để giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động, thời gian qua, công ty không chỉ thay quy trình xử lý thủ công bằng máy laser, chuyển đổi việc sử dụng máy giặt truyền thống sang các máy ozone hiện đại, mà còn ứng dụng các công nghệ mới và các thực hành tốt.
Điều đó giúp năng suất của công ty tăng lên tối thiểu 30%, trong khi chi phí vận hành giảm khoảng 20%. Đồng thời, doanh nghiệp (DN) này tiết kiệm được 700.000 USD/năm, tiết giảm được lượng điện sản xuất gần 7 triệu kWh/ năm, tiết kiệm được 200.000 m3 nước/năm bằng cách tái sử dụng 80% lượng nước thải.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc PPJ, nhận định với các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng đã giúp thu hút được thêm các khách hàng mới vốn đang tìm kiếm những nhà cung cấp đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu. Hơn nữa, lợi nhuận gia tăng sẽ giúp công ty trả được mức lương tốt hơn cho người lao động.
Các lợi ích kép nêu trên được cho là đang khuyến khích các công ty khác trong ngành dệt may xem xét áp dụng các biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất. Điều quan trọng là DN cần có một khoản tài chính nhất định cho việc đầu tư mới. Đơn cử như công ty TNHH Samil Vina đã tìm kiếm một khoản vay 4 triệu USD từ ngân hàng để lắp đặt các máy nhuộm tiên tiến hơn.
DN này đã nhận thấy rõ ngay các cải thiện sau khi hoàn thành việc nâng cấp. Các máy nhuộm vải mới với dung tỷ (MLR) thấp đã giúp Samil Vina giảm lượng tiêu dùng nước, hóa chất và năng lượng khoảng 45%. Hệ thống mới cũng giúp giảm thời gian sản xuất khoảng 17%.
Cách tiếp cận mới cho phép Samil Vina tiết kiệm được 2 triệu USD chi phí vận hành một năm. Nhờ đó, công ty có thể tăng lương cho người lao động khoảng 60% chỉ trong vòng một năm kể từ khi lắp đặt máy nhuộm vải mới. Công ty còn dự kiến xây dựng một nhà máy dệt mới trị giá 60 triệu USD và tuyển dụng thêm 2.000 công nhân khi nhà máy đi vào vận hành vào năm 2020.
Chờ đầu tư mới
Ông I.B.Park, Tổng giám đốc công ty TNHH Samil Vina, cho biết: “Thay vì xây dựng một nhà máy mới để mở rộng sản xuất, chúng tôi có thể tăng gấp đôi năng suất chỉ với một số biện pháp nâng cấp đơn giản nhưng hiệu quả. Hiện nay, Samil Vina là một trong số các công ty dệt có năng suất cao nhất tại Việt Nam và tiết kiệm chính là bí quyết của chúng tôi”.
Theo thông tin mới phát ra vào ngày 12/9 của công ty Tài chính quốc tế (IFC) – thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian qua, IFC đã giúp các DN trong ngành dệt may Việt Nam tiết giảm khá nhiều chi phí sản xuất thông qua các biện pháp tiết kiệm và hiệu quả.
Trong 3 năm qua, chương trình hỗ trợ của IFC này đã giúp 82 nhà máy dệt may và da giày ở Việt Nam đầu tư 37 triệu USD vào các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp DN trung bình tiết kiệm được 30 triệu USD/năm nhờ tiết giảm sử dụng nước, năng lượng và hóa chất.
Các nhà máy này hoạt động trong các công đoạn cắt may, nhuộm, in, và giặt, cũng như gia công cho các nhà bán lẻ và các công ty thời trang hàng đầu thế giới như Adidas, New Balance, Puma, Tập đoàn Target và Tập đoàn VF. Bằng cách cải thiện hiệu năng, tiết giảm chi phí sản xuất, các nhà máy được đánh giá là có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao từ các khách hàng quốc tế.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào của IFC, nhận định ngành dệt may đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Những giải pháp như vậy vừa giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất vừa cải thiện được tính cạnh tranh của các DN nội trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về chi phí sản xuất của các DN Việt hiện nay, theo lưu ý từ giới chuyên gia, đây là một trong những yếu tố lớn nhất quyết định đến lợi nhuận của DN và giá thành sản phẩm.
Vì vậy, nếu các DN nội cắt giảm được chi phí sản xuất thì mới có thể giảm được giá thành sản phẩm, từ đó mới tăng được tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, khi ấy doanh thu và lợi nhuận của DN chắc chắn sẽ tăng theo.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc tiết giảm chi phí sản xuất thông qua đầu tư mới được xem như giải pháp tối ưu đối với các DN nội, vốn dĩ có tới 98% là DN vừa và nhỏ.
Thế nhưng, một trong những “nút thắt” lớn với DN nhỏ và vừa là nguồn lực tài chính hạn hẹp, khó thu xếp vốn cho việc đầu tư máy móc, công nghệ mới, nên việc tiết giảm chi phí sản xuất không hề dễ dàng.