Lợi kép từ vườn cao su chưa khép tán
Vài năm gần đây, nhiều nông trường cao su thanh lý vườn cây già cỗi, năng suất thấp, thay thế dần bằng những vườn cây tái canh trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tranh thủ thời gian kiến thiết cơ bản, các nông trường cho người dân thuê để phát triển kinh tế bằng mô hình trồng xen canh. Những mô hình trồng xen cây ngắn ngày được thực hiện trên khắp các vườn cây, hứa hẹn nhiều triển vọng.
Xen canh gừng trong lô cao su
Đầu năm 2024, ông Bùi Hữu Nam ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương lên Nông trường Long Hà, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng thuê 11 ha đất cao su đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản ở khu vực xã Long Hà, huyện Phú Riềng để trồng gừng. Ông Nam lựa chọn 2 giống chính là gừng sẻ và gừng trâu để trồng. Gừng trâu củ to, ít xơ, ít cay nhưng được khách nước ngoài ưa chuộng. Còn gừng sẻ tuy củ nhỏ nhưng cay hơn, thơm, nhiều xơ hơn và được người dân hay dùng.
Ông Nam cho biết, gừng là cây ưa ánh sáng nhưng lại có khả năng chịu bóng, nghĩa là ở chỗ rợp cây cũng phát triển tốt. Vì vậy, trồng gừng trong vườn cao su chưa khép tán rất thích hợp. Ông Nam ước tính, vụ này ông thu hơn 1.000 tấn gừng. Hiện đã có nhiều công ty đến thăm vườn và làm giá bao tiêu là 26.000 đồng/kg nhưng ông chưa ký, còn chọn giá tốt hơn. Được biết giá gừng các năm trước dao động từ 25-50 ngàn đồng/kg tùy thời điểm. Sau khi trừ chi phí cây giống, phân bón, tiền nhân công chăm sóc và các khoản chi phí khác, ông Nam ước lời khoảng 1/3 doanh thu. “Trồng gừng từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch khoảng 10 tháng. Gừng trồng đạt là phải đủ nước tưới, phân bón. Giá bán gừng từ 10 ngàn đồng trở lên là đã có lời” - ông Nam cho biết.
Cũng theo ông Nam, tuy gừng có thể trồng ở mọi loại đất nhưng nếu tầng canh tác càng dày, đất càng tơi xốp và đủ nước thì càng tốt. Gừng kỵ nơi kém thoát nước và không ưa đất sét, đất cát. Nhu cầu về phân bón của gừng rất cao. Tốt nhất nên bón phân hữu cơ và bổ sung thêm NPK. Đặc biệt, gừng cần lượng đạm cao hơn cả yêu cầu về lân và kali. Nếu trồng trên đất xấu, phải hết sức lưu ý tới việc bón phân. Trồng gừng ngại nhất là nấm, do vậy phải thăm vườn thường xuyên để kiểm soát, không phát sinh lây lan diện rộng.
Cà tím Nhật Bản dễ trồng, lợi nhuận cao
Ngoài trồng gừng, ông Bùi Hữu Nam còn thuê 4 ha đất cao su để trồng cà tím Nhật Bản. Đây là giống cây ngắn ngày, dễ trồng hơn so với các loại rau màu khác, có thể trồng được quanh năm, nhanh cho thu hoạch, chi phí đầu tư thấp mà đầu ra ổn định. Ông Nam cho biết, cây cà trồng 45 ngày là cho thu hoạch, vốn đầu tư khoảng 120 triệu đồng/ha, nhưng thu được 7 tháng, lợi nhuận 300-400 triệu đồng/ha. Toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật đều do một công ty ở TP. Hồ Chí Minh cung cấp. Công ty cũng cử cán bộ kỹ thuật đến tận vườn hướng dẫn nông dân chăm sóc và bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cà tím Nhật Bản, ông Nam cho biết, trồng loại cây này không khó nhưng phải chú ý quy trình kỹ thuật canh tác để sản phẩm khi thu hoạch đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chuẩn thu mua trong hợp đồng đã ký kết với công ty. Cụ thể, cà tím đúng tiêu chuẩn phải có trọng lượng khoảng 6-7 trái/kg, quá to hoặc quá nhỏ sẽ không đạt yêu cầu. Quan trọng nhất khi trồng cà tím là không được để cây thiếu nước, mỗi ngày ít nhất phải tưới 1 lần. Sau khi trồng 10 ngày, cây bắt đầu phát triển mạnh, phải cắm cọc giúp cây đứng vững, trái không chạm đất. Người trồng cũng phải thường xuyên tỉa bỏ những nhánh gốc, lá già, cành sâu bệnh. Muốn cà tím sai trái cần chăm sóc thường xuyên, định kỳ hằng tuần và phun thuốc phòng trừ rầy xanh, nhện đỏ, sâu vẽ bùa, cháy lá…
Hiện 4 ha cà tím Nhật Bản của ông Nam 2 ngày hái 1 lần, mỗi lần hái 4 tấn, 1 tấn bán được 6 triệu đồng, mỗi lần hái thu được 24 triệu đồng, nên nhanh lấy lại vốn đầu tư. Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình này, người trồng cần nắm chắc kỹ thuật, thị trường và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, tránh tình trạng trồng ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu.
Nhờ những thuận lợi trong sản xuất, mô hình trồng cà tím Nhật Bản đã tạo ra hướng chuyển đổi cây trồng mới, thay thế nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả, giúp nông dân cải thiện kinh tế gia đình.
“Cây cà tím Nhật Bản có vỏ tím sậm, trái dài, ruột trắng xanh, được thị trường rất ưa chuộng. Có thể trồng cà tím được quanh năm và dễ trồng hơn so với các loại rau màu khác bởi có thể sống được ở những vùng đất kém dinh dưỡng mà vẫn cho năng suất cao và không cần nhiều công chăm sóc” - ông Nam cho hay.
Thời gian khép tán của cao su thường 5 năm, trong khi gừng hay cà tím chỉ cần 8-10 tháng gieo trồng là cho thu. Ngoài ra, trồng gừng, cà tím Nhật Bản dưới tán cao su còn góp phần chống xói mòn, bảo vệ và giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại, chăm sóc cây trồng cũng là chăm sóc cho cây cao su. Gừng, cà tím cũng là cây mà trâu, bò không phá hoại, lại ít phụ thuộc vào thời tiết, cho thu nhập tốt. Vì vậy, nếu biết tận dụng đất hoang hóa, đất vườn cao su chưa khép tán để trồng xen thì có thể đem lại cho người dân thu nhập cao.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/162903/loi-kep-tu-vuon-cao-su-chua-khep-tan