Lời kêu cứu từ biển xanh

Nếu như con người có những căn bệnh hiểm nghèo thì san hô cũng phải đối mặt với cái chết khi bị tẩy trắng quá nặng.

Rạn san hô bị tẩy trắng bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Ảnh: ITN.

Rạn san hô bị tẩy trắng bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Ảnh: ITN.

Thân gửi rạn san hô trên toàn thế giới!

Mỗi khi nghe tin tức hàng loạt họ hàng của bạn trên toàn thế giới đồng loạt bị tẩy trắng, chết dần chết mòn bởi hiện tượng biến đổi khí hậu, không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng lo ngại.

Không chỉ vì, họ hàng nhà các bạn vốn dĩ đã rất hiếm và có khả năng mang lợi nhuận du lịch rất cao mà còn vì hành vi ấy sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng không hề nhỏ đến cuộc sống của nhân loại.

Trong thế giới tự nhiên, có lẽ họ hàng san hô các bạn là loài độc đáo và “hiếm có khó tìm nhất”. Với màu sắc sặc sỡ và bắt mắt, rất nhiều người, trong đó có cả mình nghĩ rằng bạn là một loài thực vật, thế nhưng hóa ra bạn lại là động vật.

Họ hàng của bạn cũng đã xuất hiện trên hành tinh của chúng ta từ rất lâu rồi và nổi tiếng với việc phát triển rất chậm. Bởi vậy, để có thể tái tạo lại một quần thể san hô lớn, không chỉ cần công sức của các nhà khoa học, thợ lặn mà thời gian cũng là một yếu tố rất quan trọng.

Qua tìm hiểu, tôi còn biết thêm, bạn cũng khá “nhạy cảm”. Chỉ cần môi trường sống xung quanh hơi thay đổi một chút thôi, bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy bị ức chế và có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Chính vì vậy, với sự thay đổi chóng mặt và ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn của khí hậu toàn cầu, nhiều rặng san hô đã chết và nhiều loài đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng, đòi hỏi con người cần phải hành động ngay để chấm dứt tình trạng này trước khi quá muộn.

Bạn biết đấy, năm trước, khi nghe tin quần thể san hô lớn thứ ba thế giới tại Florida (Mỹ) bị tẩy trắng và đối diện với nguy cơ chết hàng loạt khiến tôi rất xót xa. Trước hết, hãy nói về hiện tượng tẩy trắng rất nguy hiểm ở họ hàng nhà san hô, bạn nhỉ.

Nếu như con người có những căn bệnh hiểm nghèo thì san hô cũng phải đối mặt với cái chết khi bị tẩy trắng quá nặng. Đó là khi, môi trường sống bị ảnh hưởng khiến san hô bị ức chế và “đuổi” loài tảo cộng sinh trong cơ thể ra ngoài. Bên cạnh việc bị mất đi màu sắc sặc sỡ và biến thành màu trắng, san hô cũng phải đối mặt với việc chết đói khi mất đi người bạn cộng sinh với mình.

Trong khoảng thời gian gần đây, nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên liên tục và rất nhiều nơi trên thế giới phải hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, nắng nóng bất thường, cháy rừng. Không chỉ con người mới phải hứng chịu những hậu quả to lớn này mà thế giới tự nhiên cũng phải gồng mình chống chọi, thích nghi.

Thế nhưng với họ hàng nhà bạn, loài vốn dĩ đã rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, việc nước biển ngày càng nóng lên đã gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Sự tẩy trắng hàng loạt của các rạn san hô như một lời kêu cứu của thiên nhiên trước sự tàn phá của con người.

Kể từ vài thập kỉ trước, con người đã chế tạo ra hàng loạt các loại máy móc để phục vụ cho cuộc sống. Đi kèm với đó là những cơ sở sản xuất, các vật liệu mới bền vững, khó hỏng hơn. Tuy vậy, hệ lụy là hàng loạt chất thải công nghiệp bị xả thẳng ra môi trường một cách không kiểm soát.

Nhất là vấn nạn rác thải nhựa khi nhân loại vẫn đang đau đầu để nghĩ cách xử lí chất liệu mà mất hàng nghìn năm mới phân hủy tự nhiên này. Thống kê từng năm cho thấy, toàn cầu đang nóng lên với tốc độ chóng mặt và con người có vẻ đang mất dần quyền kiểm soát trong vấn nạn này.

Đã có rất nhiều đợt san hô bị tẩy trắng dẫn đến sự biến mất dần dần của các bạn. Hãy thử tưởng tượng một ngày đáy biển không còn được làm đẹp bởi những rạn san hô nữa thì thật là buồn bạn nhỉ. Bạn không chỉ rất đẹp và hiếm để có thể tổ chức hoạt động lặn du lịch mà còn là nguồn dinh dưỡng cho nhiều loài cá.

Sự biến mất của họ hàng nhà san hô sẽ dẫn đến những tranh chấp nguồn thức ăn giữa nhiều loài cá hay thậm chí là dẫn đến sự tuyệt chủng trong nhiều loài. Hệ lụy luôn là khôn lường khi con người bỏ qua môi trường xung quanh mà chạy theo lợi nhuận trước mắt, bởi lẽ, không gì có thể chống chọi lại được cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên.

Thật may mắn, các nhà khoa học đã có rất nhiều giải pháp để bảo tồn họ hàng của bạn đấy. Vì san hô bị ảnh hưởng khi nước nóng lên nên nhiều tổ chức đã quyết định “chuyển hộ khẩu” cho các bạn xuống vùng nước sâu hơn, mát hơn, qua đó tránh được hiện tượng tẩy trắng và giúp hồi phục sức khỏe của các bạn.

Nhiều loài san hô quý hiếm đang trên bờ vực tuyệt chủng cũng đang được thu thập mẫu gen phục vụ cho quá trình bảo tồn. Ngay tại đất nước Việt Nam của tôi thôi, đã có những rạn san hô nhân tạo. Tuy cần rất nhiều thời gian nhưng tôi mong một ngày nào đó những rạn san hô ở đất nước tôi sẽ trở lại như xưa.

Thôi thư cũng dài rồi, tôi dừng bút đây. Tôi chúc bạn luôn mạnh mẽ, thích nghi để có thể cùng con người chung tay chống lại biến đổi khí hậu nhé.

Thái Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loi-keu-cuu-tu-bien-xanh-post720229.html