Lời Khan vang giữa cố đô

Sau hơn 20 ngày khổ công tập luyện với những giọt mồ hôi nhọc nhằn đổ xuống, với rất nhiều khó khăn phải vượt qua, Đội Tuyên truyền văn hóa (TTVH) BĐBP Gia Lai đã mang đến Hội diễn Đội TTVH tuyến biên giới, biển đảo lần thứ X, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, năm 2019 một sắc màu đậm chất Tây Nguyên đại ngàn đầy nắng, đầy gió với khí thế đầy tự hào sáng bừng biên giới giữa vùng đất cố đô - TP Huế thân thương.

Tiết mục đơn ca nam “Già làng kể Khan” do Thượng úy Sihs biểu diễn đạt Huy chương Vàng tại hội diễn. Ảnh: Thành Phú

Tiết mục đơn ca nam “Già làng kể Khan” do Thượng úy Sihs biểu diễn đạt Huy chương Vàng tại hội diễn. Ảnh: Thành Phú

Với 8 tiết mục (gồm 6 tiết mục ca, múa, 1 tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc và 1 tiểu phẩm) có chủ đề “Biên cương bình yên và phát triển”, chương trình tham gia hội diễn của Đội TTVH BĐBP Gia Lai đã cuốn hút khán giả, đưa người xem về với mảnh đất Gia Lai vàng rực sắc hoa cúc quỳ và con người nơi đây hướng trọn trái tim mình đi theo cách mạng.

Thượng tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Gia Lai cho biết: “Để có được chương trình tham gia hội diễn, tập thể cán bộ, diễn viên đã tổ chức luyện tập cả ngày lẫn đêm, nhất là trong thời gian nước rút, đội phải tập cả thứ 7 và Chủ nhật. Thời điểm này, thời tiết Tây Nguyên đang vào lúc giao mùa, nhiều anh chị em bị ốm, nhưng mọi người vẫn cố gắng tập luyện và tham gia hội diễn”.

Ngay từ tiết mục mở màn “Ngày hội Biên phòng toàn dân” đã làm cho sân khấu và khán giả trong hội trường Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế cuốn hút theo không khí lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên đón mừng “Ngày hội Biên phòng toàn dân”.

Khi khán giả vẫn đang còn đắm say trong màn lễ hội thì những câu hát: “Hỡi Giàng... hỡi buôn làng... hãy lắng nghe lời kể Khan của già làng. Lời kể chuyện ngày xửa, ngày xưa, tôi đi lang thang, tôi đi một mình, tìm ngọn gió, tìm ngọn núi Chư Pơ Rông...” cất lên từ tiết mục đơn ca nam “Già làng kể Khan” do Thượng úy Sihs thể hiện, kéo người nghe về bên bếp lửa nhà sàn với đôi mắt tròn xoe, với đôi tai quên đi tiếng gió, tiếng ngàn để lắng nghe già làng kể lời Khan thấm đẫm tính sử thi.

Lời Khan cất lên lúc thiết tha, róc rách như giọt nước mát lành phía đầu nguồn con suối, khi ầm ầm, ào ào như sức mạnh lòng người hiên ngang trước ngàn cơn gió dữ của đại ngàn, rồi lại trở về với tình yêu mãnh liệt của chàng Đăm Săn chiến đấu với thần Mtao Mxây để giành lại người vợ yêu quý bị vị thần này cướp mất. Câu Khan ngừng kể, khán giả lại được chứng kiến một sức mạnh đoàn kết vô song của người Ê Đê, người Ba Na, Gia Rai... trong cuộc chiến đấu giữ đất, giữ rẫy để bảo vệ buôn làng, bảo vệ cuộc sống và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước qua âm nhạc và ngôn ngữ hình thể của tiết mục múa “Giữ rẫy”.

Không dừng lại ở đó, tác phẩm kịch thông tin “Sức mạnh vùng biên” lại thêm một lần nữa khẳng định sức mạnh của quần chúng nhân dân là vô tận. Mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP dù trên cương vị nào cũng đều phải biết làm tốt công tác vận động quần chúng để quy tụ khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc để ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu, kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu, những hành động của kẻ xấu, bảo vệ, giữ vững những thành quả của cách mạng, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và mỗi khi lòng dân đã đồng thuận thì không có bất cứ một thế lực phản động nào đủ sức “công phá” được suy nghĩ và hành động của bà con.

Vẫn là dòng âm nhạc cuồn cuộn của núi rừng Tây Nguyên, tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Buôn làng ấm no” đã tạo thêm điểm nhấn trong khán giả về giá trị văn hóa, âm nhạc cội nguồn của dân tộc. Với các loại nhạc cụ như đàn T’rưng lớn và nhỏ, đàn Klôngpút, đàn Goong, đàn K’ni, trống, chiêng..., dưới bàn tay điều khiển điêu luyện của các chiến sĩ Biên phòng và hạt nhân văn nghệ của Trung tâm Văn hóa tỉnh Gia Lai, bản hòa tấu “Buôn làng no ấm” tạo quyện với nhau, vẽ nên bức tranh đa màu, đa thanh về một vùng đất đỏ bazan cao nguyên thắm đượm tình người, với núi rừng xanh thẳm, với những thác nước tinh khôi, đầm ấm, yên ả, thanh bình, song vẫn đầy nét kiêu hãnh, tự tin của các buôn làng khi bước đi trên con đường phát triển và hội nhập.

Chương trình trở về với sự lắng đọng trong lòng khán giả qua các tiết mục “Kuk Krong Tôkpremai” - dân ca Ba Na; “Cái chữ Bác Hồ” và tổ khúc hát, múa “Sáng mãi niềm tin”; “Chúng tôi là người lính Bác Hồ” và “Tiến bước dưới quân kỳ” khép lại một kỳ tham gia hội diễn rất thành công của Đội TTVH BĐBP Gia Lai.

Với thành tích 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen, Đội TTVH BĐBP Gia Lai đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt hội diễn lần này.

Nói về quá trình hoạt động của đội tại đơn vị, Trung úy Bùi Thị Loan, Đội trưởng Đội TTVH BĐBP Gia Lai cho biết thêm: “Trong một năm, anh chị em của đội rất ít khi có thời gian nghỉ ngơi. Thông thường, đội đi lưu diễn phục vụ bà con và cán bộ, chiến sĩ trên biên giới từ 3 đến 4 đợt, mỗi đợt như vậy kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có khi gặp thời tiết không thuận lợi phải kéo dài đến 10 ngày. Kết thúc lưu diễn là bước vào xây dựng, tập luyện chương trình mới. Ngoài ra, đội còn tham gia phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh Gia Lai đi biểu diễn phục vụ các địa phương trong tỉnh và dự các liên hoan, hội diễn khu vực, toàn quốc... Khi công việc biểu diễn tạm ngưng thì anh chị em lại quay trở về với công tác chuyên môn tại đơn vị”.

Kết thúc hội diễn, tạm biệt mảnh đất cố đô Huế thân yêu, tập thể nam nữ diễn viên, những nghệ sĩ mang quân hàm xanh lại tiếp tục có những chuyến lưu diễn phục vụ bà con buôn làng trên biên giới tỉnh Gia Lai. Tiếng hát của các anh, các chị như tiếng hót của loài chim Ch’rao vang khắp buôn làng.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/loi-khan-vang-giua-co-do/