Lời khẳng định XANH của Tập đoàn TH
Với việc hai đơn vị sản xuất chủ lực vừa được cấp chứng nhận trung hòa carbon, Tập đoàn TH một lần nữa tái khẳng định phát triển bền vững là cam kết mà tập đoàn kiên tâm theo đuổi trong suốt hành trình, coi đó là con đường tất yếu để doanh nghiệp tồn tại, phát triển và cống hiến cho xã hội.

Tiên phong trong hành trình phát triển bền vững, Tập đoàn TH vừa công bố đạt trạng thái trung hòa carbon cho hai công ty thành viên là Công ty CP Sữa TH và Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên.
Theo đó, hai công ty của TH đã trở thành những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức thẩm định quốc tế Control Union (Đức) chứng nhận trung hòa carbon theo chuẩn PAS 2060:2014.
Tổng lượng phát thải đã trung hòa tại Công ty CP Sữa TH là hơn 26,6 nghìn tấn CO2 và Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên là hơn 11,6 nghìn tấn CO2.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Phát triển bền vững của TH cho biết tập đoàn cam kết duy trì trạng thái trung hòa carbon của hai công ty đến năm 2028 theo chuẩn PAS 2060, sau đó là chuyển sang trung hòa theo tiêu chuẩn ISO 14068.
“Đối với tầm nhìn dài hạn chúng tôi tái khẳng định cam kết hướng ứng và đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, bà Thủy nhấn mạnh.

Công ty CP Sữa TH vận hành nhà máy sản xuất sữa tươi sạch TH true MILK tại Nghĩa Đàn (Nghệ An), công suất thiết kế 500 triệu lít sữa/năm. Nhà máy hiện có 30 dây chuyền sản xuất tự động hóa. Tập đoàn TH hiện dẫn đầu thị trường Việt Nam về phân khúc sữa tươi với tổng 51,9% thị phần.
Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên, cũng đặt tại Nghĩa Đàn, là nơi sản xuất các sản phẩm nước tinh khiết và đồ uống tự nhiên của TH, gồm nước trái cây, nước uống sữa trái cây, trà tự nhiên, nước gạo rang bằng… hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.

Cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn TH không phải là phản ứng nhất thời trước xu hướng mà là kết quả của chiến lược dài hạn được "may đo" bài bản kể từ năm 2018.
Giám đốc Phát triển bền vững chia sẻ Tập đoàn TH có một lợi thế đặc biệt, đó là hành trình phát triển bền vững đã được khởi xướng từ rất sớm, và quan trọng nhất - được dẫn dắt bởi tầm nhìn chiến lược của nhà sáng lập, Anh hùng Lao động Thái Hương.
Với nguyên tắc “Trân quý Mẹ Thiên nhiên”, bà Hương đã xây dựng con đường phát triển bền vững ngay từ những ngày đầu thành lập, dựa trên công thức nhất quán đó là trí tuệ Việt kết hợp tài nguyên thiên nhiên Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới.
Ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới, các hoạt động sản xuất – kinh doanh của TH đã được thiết kế theo hướng giảm phát thải tối đa, tối ưu hiệu quả vận hành, và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất ngay tại chính đồng đất Việt Nam.

Để triển khai trung hòa carbon, cần tuân theo một phương pháp chuẩn hóa. Tập đoàn TH quyết định sử dụng PAS 2060, một tiêu chuẩn do Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) phát triển.
Hành động đầu tiên của TH là nỗ lực giảm lượng phát thải hàng năm thông qua các sáng kiến và dự án giảm phát thải khí nhà kính bằng việc quản lý nguồn năng lượng sử dụng và quản lý hiệu quả chất thải.
Từ năm 2023, nhà máy sữa tươi sạch TH true MILK do Công ty CP Sữa TH vận hành đã chấm dứt chạy lò hơi đốt dầu FO (nhiên liệu hóa thạch) và thay thế hoàn toàn bằng lò hơi chạy bằng nguyên liệu sinh khối (biomass). Riêng sáng kiến này giúp giảm phát thải hơn 7.000 tấn CO2 tương đương mỗi năm.
Nhà máy cũng áp dụng hàng loạt sáng kiến vừa đảm bảo giảm phát thải vừa nâng cao hiệu quả sản xuất như: lắp biến tần điều khiển cho máy nén lạnh kho lạnh, thay thế máy thổi hiệu suất thấp bằng máy thổi khí hiệu suất cao theo công nghệ Turbo Blower; cài đặt lại áp suất khí nén sử dụng trên các dây chuyền sản xuất; lắp đặt bảo ôn van hơi…

Nhiều hoạt động giảm phát thải khác cũng được thực hiện tại nhà máy như trồng cây, giảm sử dụng nguyên liệu nhựa và thay thế bằng các vật liệu thân thiện hơn với môi trường có khả năng tái chế.
Công ty cũng nâng cao ý thức nhân viên về tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, hạn chế rác thải ra môi trường; sử dụng phương tiện đưa đón nhân viên nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ các phương tiện cá nhân; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất.
Trong khi đó, Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên tập trung vào các giải pháp giảm nhựa tại nhà máy như: loại bỏ màng co nắp chai, giảm trọng lượng vỏ chai nước, giảm độ dày của nhãn mác nhựa. Nhờ chuỗi giải pháp này, công ty giảm được khoảng 600 tấn nhựa mỗi năm.

Công ty cũng triển khai nhiều giải pháp trong lĩnh vực năng lượng như: Kiểm soát hệ thống quản lý tòa nhà, kiểm soát hệ thống chiếu sáng, cách nhiệt đường ống, tiết kiệm điện tại văn phòng, nhà xưởng, áp dụng quy trình sản xuất linh hoạt.
“Nỗ lực giảm phát thải được đo lường kỹ lưỡng bằng các phương pháp tính toán nghiêm ngặt và được xác minh bởi các bên thứ ba để đảm bảo việc giảm phát thải diễn ra hiệu quả”, ông Arghya Mandal, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa TH chia sẻ.


Phần phát thải còn lại hàng năm được Tập đoàn TH bù đắp từ các dự án được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đó là các dự án mang lại lợi ích đặc biệt về mặt xã hội, môi trường, kinh tế, giúp đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Cụ thể, một dự án xanh mà TH đã chọn hỗ trợ để bù đắp carbon cho Công ty CP Sữa TH và Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên là dự án phân phối miễn phí bếp đun tiết kiệm năng lượng cho các hộ nghèo trên toàn Việt Nam – VERRA 2548.
Bên cạnh lợi ích về khí hậu, môi trường khi giảm nạn phá rừng và suy thoái đa dạng sinh học rừng tại địa phương, giúp giảm 40% đến 60% mức tiêu thụ nhiên liệu, bếp đun cải tiến còn mang lại lợi ích trực tiếp cho xã hội và sức khỏe cộng đồng khi giảm tới 90% lượng khói thải, từ đó giảm các bệnh hô hấp liên quan do khói bếp.
Hỗ trợ dự án bếp đun tiết kiệm năng lượng, TH đã góp phần trao tặng hơn 200.000 bếp đun cho bà con nông dân các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tương đương góp phần giảm 400.000 tấn CO2.
Hiện nay, tập đoàn vẫn đang tích cực tìm kiếm các dự án bù đắp carbon khác với cùng tiêu chí, đó là các dự án phải mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng.

Ngoài ra, TH cũng bù đắp carbon thông qua các chứng chỉ năng lượng tái tạo (IREC), đóng góp cho sự phát triển của các dự án năng lượng xanh của Việt Nam – cụ thể là điện gió, và góp phần phát triển thị trường carbon trong nước.
“Việc bù đắp carbon thông qua các chứng chỉ năng lượng điện gió thể hiện sự ủng hộ của TH với các dự án năng lượng xanh và trách nhiệm đồng hành với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam và toàn cầu”, ông Arghya Mandal cho biết.
Song song với các mục tiêu môi trường, Tập đoàn TH còn đóng vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông Phạm Chí Kiên, Bí thư huyện ủy Nghĩa Đàn – nơi đặt trụ sở của Công ty CP Sữa TH và nhà máy nước tinh khiết Núi Tiên chia sẻ, các doanh nghiệp của tập đoàn TH đã đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế địa bàn.
“Tập đoàn TH đã đóng góp trực tiếp và quan trọng vào tốc độc tăng trưởng 9% GRDP của Nghệ An và 14 – 15% của huyện Nghĩa Đàn trong năm 2024. Cùng với đó, tập đoàn đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống người dân”, ông Kiên khẳng định.

Các sáng kiến thúc đẩy bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên không chỉ thúc đẩy phát triển bền vững của tập đoàn TH cũng mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Chẳng hạn, với việc thu mua phụ phẩm nông lâm nghiệp như mùn cưa, vỏ trấu từ người dân làm nguyên liệu sinh khối, TH vừa hỗ trợ phát thải vừa tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Những bước đi tiên phong của Tập đoàn TH là cơ sở để các lãnh đạo địa phương đánh giá, nhân rộng mô hình trong tương lai.
Ông Kiên cho biết, hiện tại, tỉnh Nghệ An đã có quy hoạch tỉnh, nghị quyết chính trị về phát triển tỉnh. Khu vực Nghĩa Đàn cũng đã có chương trình hành động, tiến tới thu hút các dự án có quy mô, hiệu quả như Tập đoàn TH, để tạo sự phát triển đồng bộ hơn.
“Tập đoàn TH không chỉ là doanh nghiệp tiên phong về môi trường mà còn là động lực phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi muốn nhân rộng mô hình của TH để thu hút thêm doanh nghiệp xanh, tạo đà cho kinh tế tuần hoàn phát triển”, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn khẳng định.


Đơn vị thẩm định rất ấn tượng với những biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa carbon tại TH. Ông Wouter Melis van Ravenhorst, Giám đốc điều hành Control Union Việt Nam chia sẻ, các nhà máy của TH đều có mức độ tự động hóa cao, tích hợp các công nghệ tiên tiến để sử dụng năng lượng hiệu quả.
Kết hợp với hệ thống quản lý dữ liệu minh bạch và nhiều sáng kiến để giảm tiêu thụ tài nguyên, những nỗ lực của họ trong xử lý chất thải, nước thải, sử dụng năng lượng mặt trời và chuyển đổi sang nhiên liệu sinh khối thể hiện cách tiếp cận chủ động đối với phát triển bền vững.

“Cả hai thành viên của tập đoàn TH đều là những đơn vị tiên phong tại Việt Nam đến thời điểm này đạt trung hòa carbon. Tập đoàn TH đã bắt đầu những nỗ lực chuẩn bị cho hành trình trung hòa carbon từ sớm bằng việc đầu tư những công nghệ tiên tiến từ đầu, liên tục đổi mới sáng tạo và có nhiều sáng kiến giảm phát thải.
Từ năm 2018, các đơn vị của TH đã bắt đầu thực hiện kiểm kê khí nhà kính và số liệu của tiến trình này được lưu trữ qua hệ thống quản trị SAP hiện đại mà công ty ứng dụng. Điều này giúp cho quá trình thẩm định của chúng tôi diễn ra rất thuận lợi”, ông Wouter Melis van Ravenhorst chia sẻ.

Cũng từ năm 2018, Tập đoàn TH đã phê duyệt chính thức Chính sách Phát triển bền vững với sáu trụ cột: Dinh dưỡng – sức khỏe, Môi trường, Giáo dục, Con người TH, Cộng đồng và Phúc lợi động vật. Tập đoàn TH cũng là đơn vị tiên phong trong ngành thực hiện báo cáo phát triển bền vững hằng năm theo tiêu chuẩn Sáng kiến báo cáo toàn cầu – GRI.
Trên hành trình phát triển bền vững, những dự án trung hòa carbon là những bước đi cần thiết và là kết quả tất yếu của những nỗ lực giảm phát thải.
Hai đơn vị đầu tiên được trao chứng nhận trung hòa carbon của Tập đoàn TH là hai đơn vị sản xuất chủ lực của tập đoàn, sở hữu hai nhà máy công suất lớn, nơi trực tiếp cho ra đời những sản phẩm thành phẩm đến tay người tiêu dùng như sữa tươi, các sản phẩm từ sữa tươi, nước tinh khiết, các đồ uống hoàn toàn từ thiên nhiên.
Hiện tại, tập đoàn đã và đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ các sáng kiến giảm phát thải tại các đơn vị thành viên có tổng lượng phát thải còn lớn hơn nữa, như trang trại bò sữa và các nhà máy khác.
Ban lãnh đạo tập đoàn TH cho biết các thành viên của tập đoàn sẽ hướng tới các hoạt động giảm phát thải carbon từ chuỗi cung ứng và các đối tác liên quan, từ đó xây dựng lộ trình phù hợp hướng tới Net Zero vào năm 2050
“Phát triển bền vững là cam kết mà TH kiên tâm theo đuổi trong suốt hành trình của mình và chúng tôi xác định đó là con đường tất yếu để doanh nghiệp tồn tại, phát triển và cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng, góp phần mang lại một hành tinh xanh hơn cho tất cả chúng ta”, bà Hoàng Thị Thanh Thủy khẳng định.


Bài: Trần Anh
Thiết kế: Diệu Thảo
Ngày xuất bản: 15/4/2025
Đọc thêm về hành trình hướng tới Net Zero của Tập đoàn TH:
- Hai thành viên của Tập đoàn TH đạt trung hòa carbon chuẩn quốc tế
- Bếp đun ít khói và bước chân đồng hành của Tập đoàn TH trên hành trình trung hòa carbon