Lời mẹ

I.

MẸ đã sinh ra tôi

Đặt tên cho tôi nữa

Một cái tên nôm na

Hồn nhiên như sỏi nhỏ

Cái cối và cái chày

Con mèo và con cún

Yêu mấy vẫn chưa vừa

Thoắt đã thành người lớn

II.

Tôi bước ra ngoài ngõ

Gió thổi. Nước triều lên

Đi hoài không gặp tiên

Đành quay về hỏi mẹ

- Hãy yêu lấy con người

Dù trăm cay ngàn đắng

Đến với ai gặp nạn

Xong rồi, chơi với cây!

III.

Tôi lại bước dưới trời

Không tiếc mòn tuổi trẻ

Đi hoài không gặp tiên

Lại quay về hỏi mẹ

- Hãy yêu lấy con người

Dù trăm cay ngàn đắng

Đến với ai gặp nạn

Xong rồi, chơi với cây!

Hữu Thỉnh

Lời bình

Khắc ghi lời mẹ dạy

Nhà thơ Phùng Quán có bài thơ “Lời mẹ dặn” nổi tiếng với những câu thơ khắc chạm vào ký ức người đọc: “Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Vẫn không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu”. Hữu Thỉnh lại có bài “Lời mẹ” cũng thâm trầm, sâu sắc không kém; có điều giọng thơ ở đây không quá rắn rỏi, mạnh mẽ mà chỉ thủ thỉ, nhẹ nhàng như một nỗi niềm riêng.

Toàn bộ bài thơ “Lời mẹ” được tác giả chia thành ba khúc, từ đó tạo nên cấu tứ tác phẩm để nhà thơ chuyển tải thông điệp và cảm xúc đến với người đọc. Khúc I là bài ca tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng thuở đầu đời khi con được mẹ sinh ra. Khúc II là hình ảnh người con lớn lên lần đầu bước ra cuộc sống với biết bao thăng trầm, biến động nên đành ngẩn ngơ quay về hỏi mẹ. Khúc III lại là lần dấn bước xa hơn dưới trời xanh cao rộng, người con lại quay về hỏi mẹ mình về những cay đắng, thác ghềnh. Trong ba khúc thơ, lời của mẹ nói với con là chủ âm, thể hiện tư tưởng và cảm xúc chính của thi phẩm. Ðó cũng là thông điệp mà nhà thơ muốn gửi đến người đọc, tuy nhẹ nhàng mà minh triết, ý vị: “Hãy yêu lấy con người/ Dù trăm cay ngàn đắng/ Ðến với ai gặp nạn/ Xong rồi, chơi với cây!”.

Trong khúc mở đầu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã bày tỏ cảm xúc về công ơn sinh thành của mẹ. Mẹ là người sinh ra con, đặt cho con cái tên, dù nôm na và “hồn nhiên như sỏi nhỏ”. Tuổi thơ con ngộ nghĩnh và đáng yêu biết bao, hàng ngày chơi cùng mọi vật gần gũi trong ngôi nhà bé nhỏ của mình. Con thành người lớn, xa rời tuổi nhỏ, xa vòng tay mẹ yêu thương. Từ đó, biết bao giông bão cuộc đời, bao nhiêu khó khăn, gian khổ đang đón chờ con ở phía trước (Khúc II). Hai hình ảnh ẩn dụ “gió thổi” và “nước triều lên” thật độc đáo và giàu tính biểu tượng. Quả vậy, cuộc sống không phải lúc nào cũng bình yên mà luôn có những bất trắc rình rập, những biến động khó lường. Tuổi thơ con được gặp ông Bụt, bà Tiên trong những câu chuyện cổ, nhưng trước những gian nan, bất trắc cuộc đời con đành quay về hỏi mẹ mà thôi. Bởi với con, mẹ là tất cả yêu thương, thân thiết và gần gũi nhất: “Ði hoài không gặp tiên / Ðành quay về hỏi mẹ”.

Lời mẹ dạy ở đây thật chí lí và sâu sắc. Gặp “gió thổi”, “nước triều lên”, gặp gian nan, khổ lụy cũng hãy yêu lấy con người mà sống, mà tồn tại. Bởi lẽ, cuộc sống không chỉ có điều tốt đẹp, sự cao cả mà chứa đựng cả những nghịch cảnh, xót xa. Lời mẹ dặn con để con hiểu được bản chất của cuộc đời, từ đó mà ứng xử cho phải lẽ. Nhân văn và minh triết, gần gũi và bình dị xuất phát từ quan niệm truyền thống văn hóa phương Ðông, lời mẹ dặy con tràn đầy yêu thương, nhân nghĩa. Trong lời mẹ khuyên và động viên con, ba phẩm tính hãy yêu lấy con người, thương người gặp nạn và chơi với cây đã thể hiện sự thấu hiểu và trải nghiệm lẽ đời thật sâu sắc.

Ðến biến khúc thứ III, người con trưởng thành lại một lần nữa dấn bước ra đi. Lần này, không chỉ đi ra ngoài ngõ nhà mình mà không gian rộng mở lớn lao và kỳ vĩ hơn. Nếu khúc II chỉ gặp sóng gió thuần túy cuộc đời thì lần này xem chừng nguy hiểm và gian khổ hơn nhiều, bởi giờ đây là không gian trời rộng và thời gian rất dài, có nguy cơ “mòn tuổi trẻ”. Có thể là chiến chinh phi nghĩa; có thể là mất mát, thương đau cho số phận cả cộng đồng trước hung tàn, bạo ngược. Phi lí là thế, nhưng đi hoài vẫn không gặp tiên để tìm lời giải đáp, người con lại quay về hỏi mẹ của mình. Lần này, lời mẹ dạy vẫn đinh ninh không đổi: Hãy yêu con người dù muôn vàn cay đắng, đến với người gặp nạn và chơi với cây khi mọi chuyện đã xong rồi. Ðiệp khúc lặp lại nguyên vẹn lời mẹ ở khúc II là cả một dụng ý nghệ thuật, vừa khẳng định chân lí bất biến trong ứng xử trước cuộc đời, vừa nhấn mạnh tính triết lí mà nhà thơ muốn gửi thông điệp đến mọi người.

“Lời mẹ” là bài thơ hay của nhà thơ Hữu Thỉnh. Giọng điệu vừa nhẹ nhàng vừa đằm sâu triết lí, tác phẩm đã giúp cho chúng ta hiểu thấu hơn về lẽ sống ở đời, đồng thời hãy biết sống yêu thương, bao dung và gần gũi với thiên nhiên và con người để hoàn thiện chính mình, dù phải trải qua muôn vàn đắng cay, gian khổ. Bài thơ chứa đựng nhân sinh sâu sắc, đồng thời cũng thắm đượm tình cảm gia đình, tình mẫu tử thiêng liêng.

LÊ THÀNH VĂN

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/185323/loi-me