'Lời nguyện cầu Chernobyl' - chẳng từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc sau khi đọc cuốn sách này
Không tìm được từ ngữ cho những cảm giác mới và không tìm được cảm giác cho những từ ngữ mới. Một cuốn sách đặc biệt. Khâm phục tác giả và ước mong đừng bao giờ có một cuốn sách như thế này được viết cho 1 sự kiện tương tự nào nữa. Một người bạn của tôi khi đọc cuốn sách này, đã viết những dòng cảm nhận như thế, và điều này khiến tôi tò mò.
Chỉ cần đọc một chương bất kỳ trong cuốn sách, bạn cũng lạc vào một thế giới hỗn độn của cảm xúc, và cảm thấy những thấu cảm, đau đớn, tuyệt vọng, khát khao, tình yêu, thù hận, can trường... mà bạn từng chứng kiến, từng nghe, từng đọc, từng xem... chẳng là gì cả.
Tác giả của cuốn sách - nhà văn, nhà báo Xô Viết Svetlana Alexievich đã “đan dệt nghệ thuật hùng biện với sự bất lực trong miêu tả mà người ta vẫn gọi là “khôn tả”, tính sử ca anh hùng với niềm đau thương” trong cuốn sách để dựng nên “một đài tưởng niệm về sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại chúng ta”. “Khôn tả”, bởi gần như toàn bộ cuốn sách là độc thoại, lúc thổn thức, lúc van vỉ, lúc khẩn cầu, lúc câm lặng... của nhân vật - những người đã sống và chết cùng Chernobyl.
Xuyên suốt 363 trang với 3 chương của cuốn sách, tác giả đưa chúng ta đến gặp những con người ấy, để chứng kiến câu chuyện của họ, của sự sống và cái chết, của cái hữu hạn và vô hạn, của tận cùng đau khổ và giải thoát, của quyền lực vô hạn và những sợi hy vọng nhỏ nhoi mà bền bỉ... Chúng ta không còn chỉ biết về Chernobyl là một thảm họa hạt nhân của thế kỷ, không chỉ mất 1 nhà máy, 1 thành phố, mà ở đó có những con người mất gia đình, mất quá khứ và mất cả tương lai.
Hãy nghe một chuyện này thôi là đủ, về Lyudmila Ignatenko, vợ của người lính cứu hỏa nhận nhiệm vụ ngay sau khi xảy ra sự cố hạt nhân - mà không một chút mảy may đặt dấu hỏi về nhiệm vụ, trong khi trên người không một đồ bảo hộ. Họ vừa cưới nhau, đang say trong mật ngọt tình ái và chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Anh bị nhiễm “1.600 roentgen phóng xạ, mà chỉ cần 400 là đủ chết rồi” và được đưa vào bệnh viện, cùng rất nhiều đồng đội sau khi thực hiện nhiệm vụ. 14 ngày ròng, cô bất chấp tính mạng, ở bên anh không rời một phút, để bón cho anh từng thìa cháo. Cũng chừng đấy ngày, cô chứng kiến cơ thể người đàn ông yêu thương của mình dần bị hủy hoại bởi phóng xạ “Những vết bỏng rộp xuất hiện... Niêm mạc bong ra từng lớp trắng hếu. Sắc mặt... Màu da... Tái xanh... Xám ngoét... Đỏ ửng... Khi anh quay nghiêng đầu, cả mớ tóc rụng trên gối... Mà tất cả những thứ đó đều là của anh. Nhưng thứ thân thương của tôi”. “Hai ngày cuối ở viện... Tôi nhấc cánh tay anh, xương cốt lắc lư, lủng lẳng hết cả, các mô thịt đã rời khỏi xương rồi. Những mảnh phổi, những mảnh gan trồi ra khỏi miệng... Anh bị ngạt thở vì chính nội tạng của mình... Tôi quấn gạc vào tay và đẩy vào miệng anh tất cả những gì trào ra. Không thể nào kể được, không thể nào viết được, thậm chí không thể nào chịu đựng nổi”. Sau đám tang, cô đổ ập xuống giường, ngủ ly bì. Khi ấy cô mới chỉ 23 tuổi. Ít tháng sau, cô mất tiếp đứa con gái, chỉ 4 giờ sau sinh, do gan bị nhiễm 28 roentgen. Những người từng làm ở Nhà máy điện, họ chết, lần lượt, rất mau chóng, có khi đang đi thì gục xuống chết. Nhưng người ta không thích nghe chuyện chết chóc.
Khổ hình của Địa ngục hẳn cũng chỉ đến thế. Vậy mà họ kể về sự diệt vong như một lời thì thầm không của quá khứ, chẳng của tương lại, không buông bỏ nhưng cũng không thù hận. Chỉ để nói về tình yêu, một tình yêu lứa đôi giản đơn đã bị giết chết bởi cả một thảm họa của nhân loại.
Và rồi, đọc đến đây - hết lời kể của Lyudmila Ignatenko, chúng ta nhớ lại những dòng trước đó, trong những trích dẫn: Lịch sử đã kết thúc như thế. Toàn bộ sự kiện Chernobyl bắt đầu với một phiên tòa, kết thúc chỉ với một phiên tòa với các bản án 10 năm tù cho một số lãnh đạo nhà máy và một số bản án thấp hơn. Giám đốc công ty hiện sống ở Kiev, làm nhân viên bình thường của một công ty...
Chernobyl bị chôn trong một nấm mồ “vô tiền khoáng hậu”, với chiều cao 150m, và thẩm mỹ thì được so sánh với tháp Eiffel. Thế nhưng, có ai quan tâm những cư dân của thành phố, họ là ai, đi đâu, làm gì, sống như thế nào. Và với những nhân chứng tiếp sau - những công nhân nhà máy điện, nhà khoa học, những người tái định cư, những người quay lại vùng nhiễm xạ... mà tác giả đã gặp gỡ và trò chuyện trong suốt 20 năm ròng, chúng ta sẽ được biết về một phần lịch sử bị bỏ quên, những dấu vết bị thất lạc. Thậm chí, cả những người không còn sống nữa, nhưng họ đã kịp gửi đi một tín hiệu...
Chúng ta lại cũng chỉ mới biết về sự khủng khiếp của Chernobyl, của phóng xạ - một sứ giả của thần chết có mặt ở khắp mọi nơi, trong đất, trong nước, trong không khí, trong lương thực, thực phẩm và trong cả sữa mẹ. Thế nhưng, liệu đó đã là điều khủng khiếp nhất.
Câu trả lời là không. Con người và vũ khí mới là khủng khiếp nhất. Chiến tranh mới là phi nhân tính nhất, nó tàn bạo và vô tình hơn bởi nó hữu hình - là đồng loại với nhau, thậm chí đã từng là một cộng đồng dân tộc với nhau, chứ không vô hình như phóng xạ. “Người Tajk Pamir đánh nhau với người Tajk Kulyab... Người Kulyab giết người Pamir”. Những hành vi giết người của đám lính diễn ra trước mắt một người mẹ như thế nào? “Chúng tóm lấy đứa bé, có lẽ chỉ vừa mới xuất hiện trên cõi đời này độ 5 hay 10 phút, rồi ném ra ngoài cửa sổ...”. “Họ xem giấy tờ tùy thân xong rồi lùa đám đàn ông ra khỏi xe... và ngay tại đó, bên cửa xe... Xả súng”. “Bây giờ hàng xóm bắn hàng xóm, trai trẻ cùng học một trường thế mà chúng giết nhau, cưỡng hiếp đám con gái ngồi cạnh, cùng học một trường...”.
Bởi vậy mà người ta tìm đến với “vùng đất trắng”, đến những ngôi nhà bỏ hoang bên rìa “nấm mồ” Chernobyl để sống, để được tự do. Bởi chiến tranh chẳng có mặt ở lãnh địa của thần chết. Có những thế giới, những thân phận con người khác biệt, vượt ra ngoài những hiểu biết, thói quen, lề lối của mình, để sinh tồn.
Ở đó không chỉ có những con người ở tận cùng khổ đau tìm về nương tựa, mà cỏ cây, mà động vật cũng cựa quậy sinh tồn, bằng một cách nào đó chỉ riêng chúng biết, vượt ra khỏi cái hữu hạn của bản thân, vượt lên tất cả nhân sinh quan.
Gấp cuốn sách lại, bạn sẽ cố nén tiếng thở dài. “Hãng lữ hành Kiev cung cấp các tour đến Chernobyl” - du lịch nguyên tử, một dịch vụ đang có nhu cầu lớn, nhất là dành cho những người thèm cảm giác mạnh, mới lạ, trong khi nguồn cung ở thế giới lại có hạn. “Người ta thèm trải nghiệm cảm giác ớn lạnh của điều gì đó vĩnh hằng”. Chao ôi, sao họ không lật giở cuốn sách này!.