Lời nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm chăm sóc con cái

Câu chuyện về cậu bé 10 tuổi ở Phú Yên đạp xe đi tìm mẹ ở TP Hồ Chí Minh đã khiến dư luận không khỏi xót xa. Một mặt, chúng ta cảm thương cho hoàn cảnh thiếu thốn tình thương của mẹ, dẫn đến hành động mạo hiểm của cậu bé. Mặt khác, hành động này của cậu bé cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và khiến người thân không khỏi lo lắng.

Cậu bé B với ý định đạp xe từ Phú Yên đến Bình Dương để thăm mẹ. Ảnh: Nguyễn Minh

Cậu bé B với ý định đạp xe từ Phú Yên đến Bình Dương để thăm mẹ. Ảnh: Nguyễn Minh

Cậu bé Võ Nguyễn Thái B, 10 tuổi, sống cùng bà ngoại ở thị xã Đông Hòa, Phú Yên. Mẹ của bé, chị Võ Thị Thu H, phải đi làm ăn xa, ít có thời gian về thăm nhà. Mỗi lần về chỉ ở lại 2 - 3 ngày, khiến bé vô cùng nhớ nhung.

Niềm khao khát được gần gũi, được mẹ ôm ấp, vỗ về đã thôi thúc bé B thực hiện hành trình đầy mạo hiểm: đạp xe từ Phú Yên vào TP Hồ Chí Minh để tìm mẹ.

Câu chuyện trên rõ ràng khiến cho không ít người cảm thấy cảm thông, xót xa cho hoàn cảnh của cậu bé. Bởi, đây cũng là hoàn cảnh của hàng ngàn, hàng vạn lao động trên cả nước, vì hoàn cảnh phải xa gia đình, xa con cái để đi lao động kiếm sống.

Và cũng không phải ai cũng có đủ điều kiện để thường xuyên được gặp con cái, gia đình. Có chăng, cũng chỉ là khi Tết đến xuân về, họ mới có thể tranh thủ chút thời gian ít ỏi để được sum họp, quây quần bên gia đình.

Tuy nhiên, dù xuất phát từ tình cảm thương mẹ, hành động của bé B cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và không được khuyến khích ở lứa tuổi của em.

Rõ ràng, một đứa trẻ chỉ mới 10 tuổi, chưa đủ sức khỏe và kinh nghiệm để thực hiện một hành trình dài như vậy. Bé đi một mình, không có người lớn đi cùng, lại không có phương tiện liên lạc, nên rất dễ gặp nguy hiểm.

Bé có thể bị lạc đường, gặp tai nạn giao thông, hoặc bị kẻ xấu lợi dụng. May mắn là bé đã được các cơ quan chức năng tìm thấy và đưa về nhà an toàn.

Câu chuyện của bé B cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người phải đi làm ăn xa, ít có thời gian dành cho con. Cha mẹ cần quan tâm, hỏi thăm đến con cái nhiều hơn, bù đắp cho con tình cảm thiếu hụt, để con không cảm thấy cô đơn, lẻ loi.

Bên cạnh đó, chính quyền, các cơ quan chức năng có liên quan cũng cần có những biện pháp hỗ trợ, quan tâm, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình cảm gia đình như trường hợp trên.

Câu chuyện của bé B tuy đã kết thúc tốt đẹp, nhưng nó cũng là lời nhắc nhở cho mỗi người về trách nhiệm của bản thân trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, để những đứa trẻ được sống trong vòng tay yêu thương và an toàn.

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/loi-nhac-nho-moi-nguoi-ve-trach-nhiem-cham-soc-con-cai-370398.html