Lợi nhuận 11 tháng của Viglacera vượt 37% kế hoạch năm
Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã: VGC) mới đây đã tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 11 và triển khai kế hoạch tháng 12/2023, chuẩn bị kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024.
Viglacera cho biết, trong bối cảnh thị trường không thuận lợi kéo dài hơn một năm qua, kết quả sản xuất kinh doanh đã phản ánh chính xác tinh thần chủ động đón trước các diễn biến, đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược, góp phần đảm bảo kết quả sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tính riêng tháng 11, lãi của công ty mẹ đã bám sát kế hoạch và đạt 101% kế hoạch tháng. Lũy kế 11 tháng đầu năm, lãi công ty mẹ đạt 142% kế hoạch năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất toàn doanh nghiệp ước đạt 1.663 tỷ đồng, vượt 37% kế hoạch năm.
Về mảng vật liệu xây dựng (VLXD), Viglacera thông tin, trong bối cảnh khó khăn chung đối với đa phần các chủng loại VLXD thông thường, các sản phẩm mới và có tính khác biệt như đá nung kết và kính siêu trắng đã chứng minh được sự xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm khi công trình ngày một giảm về số lượng nhưng lại yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và sự khác biệt.
Về xuất khẩu, kết quả được Viglacera công bố cho thấy xu hướng tăng trưởng tích cực. Lũy kế 11 tháng, doanh số xuất khẩu toàn Tổng công ty đạt 42,2 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm có sự tăng trưởng mạnh là gạch ốp lát (tăng 126%), kính PFG (tăng 79%), kính ViFG (tăng 16%) và sứ (tăng 68%).
Lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn là dấu son đậm nét trong mảng kinh doanh bất động sản của Viglacera. Kết quả kinh doanh cùng cổ tức thu từ các công ty con và công ty liên kết đã đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty.
Viglacera đang sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp (KCN), tổng diện tích hơn 4.000 ha, thu hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với hơn 16 tỷ USD vốn FDI, trong đó có các doanh nghiệp "tên tuổi" trên thế giới như Tập đoàn Samsung, Amkor, Canon, Hyosung, Anam Electronics, IRC Tire, Toyoda Gosei,…
Về định hướng kinh doanh tháng cuối năm và kế hoạch năm 2024, Tổng công ty sẽ tăng cường công tác quản trị, đẩy mạnh công tác chuyển đối số, ứng dụng ERP vào quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất để mang lại sự ổn định phát triển lâu dài cho toàn hệ thống.
Trong điều hành sản xuất kinh doanh, Viglacera cho biết sẽ tiếp tục tuân thủ đường hướng kinh doanh chủ động, linh hoạt, bám sát và phù hợp với diễn biến thực tế thị trường.
Viglacera dự đoán lĩnh vực VLXD sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong ngắn hạn, bởi thị trường chưa xuất hiện nhiều dấu hiệu cải thiện. Giải pháp hợp lý nhất lúc này là chủ động thực hiện các giải pháp nhằm giữ vững hiệu quả kinh doanh như: Bám sát và đánh giá kịp thời diễn biến thị trường, từ đó điều tiết chủng loại sản phẩm và sản lượng, điều tiết sản lượng sản xuất theo nhu cầu thị trường, tiết giảm chi phí sản xuất, giảm lượng tồn kho, đẩy mạnh công tác bán hàng, tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ về sản phẩm cũng như hoạt động quản trị công ty.
Song song với đó, Viglacera tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mẫu mã mới theo hướng xanh, thân thiện môi trường. Các sản phẩm tiếp tục sẽ được chú trọng hàm lượng chất xám và đầu tư phát triển thị trường, cụ thể là Kính tiết kiệm năng lượng, Kính siêu trắng, gạch Bê tông khí chưng áp, Đá nung kết…
Đối với lĩnh vực bất động sản, Viglacera sẽ tập trung thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án KCN Thuận Thành I, KCN Tiền Hải, KCN Phong Điền, KCN Phú Hà, KCN Hải Yên để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ước thực hiện cả năm 2023, Viglacera sẽ ghi nhận doanh thu khoảng 218 ha diện tích kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN, tiếp tục giữ vai trò đóng góp chính cho mức doanh thu chung của Tổng công ty.