Lợi nhuận của ba ngân hàng lớn Nhật Bản tăng gấp đôi trong 5 năm
Ba ngân hàng lớn của Nhật Bản đã trở thành 'cỗ máy kiếm tiền', với lợi nhuận tăng gấp đôi so với 5 năm trước và dự báo sẽ còn cải thiện hơn nữa khi họ thu được lợi nhuận từ lãi suất tăng.
Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) và Mizuho Financial Group cùng lập kỷ lục với lợi nhuận ròng 3.100 tỷ yen (20 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024 và con số này kỳ vọng sẽ tăng lên 3.300 tỷ yen trong năm tài chính này, theo kết quả trên cơ sở hàng năm của họ được công bố vào thứ Tư (15/5).
MUFG ghi nhận lợi nhuận ròng 1.490 tỷ yen, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo S&P Global, đây là ngân hàng lớn thứ bảy thế giới về tài sản vào năm 2023. SMFG báo cáo lợi nhuận ròng tăng 20% lên 962,9 tỷ yen, đứng thứ 13 trên toàn cầu. Mizuho đứng thứ 14 với báo cáo lãi ròng 678,9 tỷ yen, tăng 22%.
Cả ba ngân hàng đều cho biết họ sẽ theo đuổi tỷ lệ chi trả cổ tức là 40%, trong khi MUFG và SMFG đều công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu.
Giáo sư Nana Otsuki tại NUCB Business School và là thành viên cấp cao của Pictet Asset Management (Nhật Bản), cho biết, chính quy mô bảng cân đối kế toán đã giúp lợi nhuận của họ đạt được mức cao như vậy.
Với lãi suất tiền gửi ở Nhật Bản vẫn gần bằng 0, ba ngân hàng này được hưởng chi phí huy động vốn thấp, giúp họ dễ thu được lợi nhuận hơn khi lãi suất tăng. Giáo sư Otsuki nói: “Khi lãi suất tăng lên, việc có bảng cân đối kế toán lớn đã trở thành một tài sản".
Kinh doanh ở nước ngoài mang lại lợi nhuận lớn, phản ánh vị thế của Nhật Bản là nước cho vay xuyên biên giới lớn nhất thế giới.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các ngân hàng Nhật Bản có nợ nước ngoài phải trả 5.650 tỷ USD tính đến cuối tháng 12/2023. Tính đến cuối tháng 3/2024, các khoản vay nước ngoài chiếm 40% danh mục cho vay của MUFG, 36% của SMFG và 39% của Mizuho.
Giám đốc điều hành (CEO) Toru Nakashima của Sumitomo Mitsui cho biết, kết quả đạt được nhờ môi trường kinh doanh rất thuận lợi. Lãi suất ở nước ngoài vẫn ở mức cao và bắt đầu tăng ở Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản tăng cường đầu tư vào mọi thứ, từ công nghệ sạch đến số hóa. Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) diễn ra nhanh chóng. Thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ dẫn đến sự bùng nổ đầu tư. Tất cả các yếu tố này đều đóng góp cho kết quả thành công.
Giá cổ phiếu của ba ngân hàng này đã tăng khoảng 30% từ đầu năm đến nay.