Lợi nhuận của 'đối thủ' Xanh SM tiếp tục trượt dài
Công ty Cổ phần Ánh dương Việt Nam (Vinasun, mã: VNS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lãi sau thuế đạt 16,9 tỷ đồng, giảm 23% so với quý I/2024 và giảm 57,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, trong quý II/2024, Vinasun ghi nhận doanh thu đạt 253,22 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 16,93 tỷ đồng, giảm 57,8% so với cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp giảm từ 20,5% về 17,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 29,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 18,11 tỷ đồng về 43,77 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 69,9%, tương ứng giảm 8,62 tỷ đồng về 3,72 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 25,4%, tương ứng giảm 1,76 tỷ đồng về 5,18 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 5,7%, tương ứng tăng thêm 2,13 tỷ đồng lên 39,25 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 39,6%, tương ứng tăng thêm 3,93 tỷ đồng lên 13,85 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý II, việc biên lợi nhuận gộp thu hẹp trong bối cảnh doanh thu suy giảm dẫn tới lợi nhuận gộp giảm, đồng thời hụt doanh thu tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng… là các nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm tới 57,8%.
Nếu so sánh với quý liền trước, lợi nhuận của Vinasun đã có chuỗi sụt giảm kéo dài kể từ quý IV/2022 đến nay.
Vinasun được biết đến là một trong hai hãng taxi truyền thống từng làm bá chủ thị trường, đặc biệt là ở khu vực phía Nam với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng liên tục từ năm 2008 và đạt đỉnh vào năm 2016 nhưng bắt đầu sa sút từ năm 2017, không lâu sau khi Grab thâm nhập thị trường Việt Nam.
Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của dịch vụ taxi công nghệ sau đó đã khiến thị phần của Vinasun dần bị thu hẹp, kéo theo doanh thu và lợi nhuận giảm sút. Thêm vào đó, "cú bồi" trong hai năm đại dịch đã khiến cho Vinasun tăng trưởng âm 8 quý liên tiếp (từ quý I/2020 đến quý IV/2021) và chỉ mới có lãi trở lại từ quý I/2022 với khoản lợi nhuận sau thuế hơn 12 tỷ đồng.
Tăng trưởng lợi nhuận (so với quý liền trước) tiếp tục được ghi nhận trong quý II và quý III/2022, cho đến khi bắt đầu rơi vào chuỗi sụt giảm từ quý IV/2022 cho đến nay – thời điểm mà sau gần 1 thập kỷ kể từ khi các mô hình gọi xe công nghệ vào Việt Nam, thị trường gọi xe lại đối diện với làn sóng mới sau sự gia nhập của hãng taxi điện Xanh SM.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Vinasun đạt hơn 531 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh ở mức 58%, chỉ đạt gần 39 tỷ đồng. Với kết quả này, Vinasun đã thực hiện được 48,4% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của cả năm.
Đáng chú ý, kế hoạch kinh doanh của hãng xe này cho năm 2024 cũng khá thận trọng so với mức thực hiện của năm 2023 khi các chỉ tiêu đều dự kiến đi lùi.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vinasun là 1.599 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi là 392 tỷ đồng, sụt giảm đôi chút so với đầu năm, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn giảm 9% xuống 117 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Vinasun đến cuối quý II/2024 tăng khoảng 2% so với đầu năm lên 494 tỷ đồng do tăng nợ vay và thuê tài chính. Cụ thể, tổng nợ vay và thuê tài chính của công ty tại thời điểm 30/6/2024 là 321 tỷ đồng, tăng gần 11% % so với đầu năm, trong đó vay ngân hàng là 214 tỷ đồng và thuê tài chính 107 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của Vinasun đến cuối tháng 6/2024 giảm hơn 5% còn 1.105 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần là gần 679 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 70 tỷ đồng, quỹ đầu tư và phát triển là 269 tỷ đồng.
Trên thị trường, từ giữa tháng 5 đến nay, cổ phiếu VNS chỉ dao động quanh vùng giá 11.000 đồng/cp sau khi tăng lên mức 14.050 đồng/cp (14/5).