Lợi nhuận của PGBank đi lùi trong quý 1/2025, đạt gần 100 tỷ đồng

Việc tăng chi phí dự phòng rủi ro lên gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ đã khiến lợi nhuận trước thuế của PGBank sụt giảm, dù hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn tăng trưởng tích cực...

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thịnh Vượng và Phát Triển (PGBank – mã chứng khoán: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025, ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 96 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 17,5%, còn 77 tỷ đồng.

Điểm sáng trong bức tranh tài chính quý này là tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng mạnh 34,4%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 20,7% của chi phí hoạt động. Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ngân hàng vọt lên 242 tỷ đồng, tăng tới 53,4% so với mức 158 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024.

Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận chung vẫn chịu sức ép lớn khi PGBank quyết định nâng chi phí dự phòng rủi ro lên 147 tỷ đồng – gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ, tương ứng mức tăng 248,8%. Chính động thái thận trọng này đã khiến lợi nhuận trước thuế sụt giảm, dù hoạt động cốt lõi vẫn tăng trưởng tích cực.

Xét về cơ cấu thu nhập, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 458 tỷ đồng trong quý 1/2025, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tích cực này đến từ chiến lược đẩy mạnh mở rộng tệp khách hàng và đa dạng hóa nguồn thu. Cụ thể, thu nhập từ lãi tăng thêm 220 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi chỉ tăng hơn 139 tỷ đồng.

Không chỉ hoạt động tín dụng khởi sắc, mảng thu ngoài lãi cũng mang về dấu ấn tích cực khi đóng góp 47 tỷ đồng vào tổng thu nhập, trái ngược hoàn toàn với khoản lỗ 1,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu thu ngoài lãi, hoạt động kinh doanh khác ghi nhận lợi nhuận 18 tỷ đồng, tăng mạnh 106,9%. Mảng kinh doanh ngoại hối cũng bứt phá, thu về 13 tỷ đồng – gấp nhiều lần so với con số chỉ 26 triệu đồng của cùng kỳ. Đáng chú ý, mảng chứng khoán đầu tư và dịch vụ đã chuyển mình từ trạng thái thua lỗ sang có lãi, thu về lần lượt 3 tỷ và 14 tỷ đồng trong quý.

Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản của PGBank đạt 73.552 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 45.349 tỷ đồng, tăng trưởng 10%, với động lực chủ yếu đến từ khối khách hàng doanh nghiệp – trong đó cho vay công ty TNHH khác và công ty cổ phần khác tăng lần lượt 18,1% và 17,9%. Ngược lại, cho vay hộ kinh doanh cá thể ghi nhận mức giảm nhẹ 1,26%.

Về chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng tiếp tục tăng trong quý, với tổng số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 15,9% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng nhích nhẹ từ 2,57% lên 2,71%.

Về nhân sự, tính đến cuối tháng 3, PGBank có tổng cộng 1.942 nhân viên, tăng 21 người so với đầu năm. Tính bình quân trong ba tháng đầu năm 2025, lực lượng lao động của ngân hàng tăng 1,4% so với cùng kỳ, với chi phí bình quân cho mỗi nhân sự đạt 26,9 triệu đồng/tháng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, PGBank đã công bố danh sách ứng viên dự kiến bầu vào Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2025–2030 với nhiều thay đổi đáng chú ý về nhân sự cấp cao. Hai gương mặt kỳ cựu gồm Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng và Phó Chủ tịch Đào Phong Trúc Đại đều không có tên trong danh sách đề cử nhiệm kỳ mới.

Thay vào đó, ba ứng viên mới xuất hiện gồm ông Nguyễn Văn Hương – hiện là Tổng giám đốc PGBank, ông Nguyễn Văn Tý và ông Vũ Tuấn Anh – hai nhân vật có liên hệ mật thiết với Tập đoàn Thành Công (TC Group).

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tý – sinh năm 1957 – là chuyên viên đầu tư kỳ cựu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công từ năm 2007 đến nay. Trong khi đó, ông Vũ Tuấn Anh – sinh năm 1965 – hiện là Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ và Hạ tầng Thành Công.

Bên cạnh những gương mặt mới, ba thành viên HĐQT đương nhiệm tiếp tục được đề cử gồm ông Đinh Thành Nghiệp, ông Vương Phúc Chính và bà Cao Thị Thúy Nga.

Về phía Ban Kiểm soát, danh sách ứng viên cũng có sự kết hợp giữa cũ và mới, với 5 cái tên gồm ông Trịnh Mạnh Hoán, ông Trần Ngọc Dũng, bà Hạ Hồng Mai, bà Đinh Thụy Trâm và bà Nguyễn Hồng Hạnh.

Vào ngày 24/4 tới đây, ngân hàng PGBank dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên tại Ninh Bình, với nội dung gồm đánh giá kết quả hoạt động năm 2024, định hướng chiến lược cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, thông qua phương án tăng vốn và các vấn đề quan trọng khác.

Ban lãnh đạo ngân hàng PGBank đã phê duyệt tạm giao kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 716 tỷ đồng, tăng 70% so với kết quả thực hiện trong năm 2024 là 421 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, thấp hơn so với mức 2,56% ghi nhận cuối năm trước.

Bên cạnh kế hoạch lợi nhuận, PGBank cũng định hướng tăng trưởng tổng tài sản từ 15–20% trong năm 2025. Dư nợ tín dụng sẽ được triển khai theo hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, tuân thủ theo chính sách điều hành tín dụng từng thời kỳ. Việc tăng trưởng huy động vốn cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng, nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong năm nay, PGBank thay đổi địa chỉ trụ sở chính từ tầng 16, tầng 23 và tầng 24 Tòa nhà MIPEC, số 229 phố Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa (Hà Nội) thành địa chỉ tầng 4, 5, 6 Tòa nhà Thành Công, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội).

 Diễn biến thị giá cổ phiếu PGB trong thời gian qua

Diễn biến thị giá cổ phiếu PGB trong thời gian qua

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu PGB hiện đang dao động quanh mức 14.100 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Theo đó, vốn hóa của ngân hàng này trên thị trường ước đạt gần 6.000 tỷ đồng.

Hà Trung

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/loi-nhuan-cua-pgbank-di-lui-trong-quy-12025-dat-gan-100-ty-dong-post559338.html