Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết quý I: Hướng đến tăng trưởng bền vững

Thị trường chứng khoán đang chứng kiến một tín hiệu tích cực, lợi nhuận quý I/2025 của doanh nghiệp niêm yết tuy tăng trưởng khiêm tốn hơn, nhưng lại phản ánh xu hướng 'bình thường hóa' và chất lượng tăng trưởng thực chất.

Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết quý I/2025 đang cho thấy sự chuyển mình đáng chú ý

Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết quý I/2025 đang cho thấy sự chuyển mình đáng chú ý

Lợi nhuận tăng trưởng thực chất

FiinGroup vừa công bố bức tranh kết quả kinh doanh quý I và kế hoạch lợi nhuận cả năm 2025 với tên gọi “Tăng trưởng ổn định”. Theo đó, thị trường chứng khoán đang chứng kiến sự "bình thường hóa" trong xu hướng tăng trưởng lợi nhuận sau nhiều quý phục hồi từ nền thấp.

Lợi nhuận sau thuế toàn thị trường quý I/2025 tăng +12% so với cùng kỳ năm trước (YoY), tuy thấp hơn đáng kể so với mức trung bình các quý năm 2024 (+20,5%/quý), nhưng lại phản ánh một nền tăng trưởng thực chất và ổn định hơn.

Điều này đặc biệt ý nghĩa khi không còn sự đóng góp trọng yếu từ thu nhập tài chính, cho thấy sự cải thiện đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục đến từ nhóm tài chính với mức tăng +13,4% YoY, trong đó ngân hàng dẫn đầu với mức tăng ấn tượng +15,3%. Đây là trụ cột vững chắc, duy trì đà tăng trưởng chung của thị trường.

Bên cạnh đó, nhóm phi tài chính cũng ghi nhận mức tăng +10,4% YoY - một con số hợp lý trong bối cảnh nền so sánh cao dần. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các ngành như bất động sản, công nghệ thông tin, bán lẻ và xuất khẩu.

Những tín hiệu này cho thấy thị trường đang quay trở lại trạng thái tăng trưởng lợi nhuận ổn định và có chất lượng hơn, thay vì phục hồi mang tính kỹ thuật như các quý trước đó.

Trong bức tranh toàn cảnh của các ngành tăng trưởng, bất động sản đã vươn lên vị trí dẫn đầu nhờ vào việc ghi nhận doanh thu từ các dự án đã bàn giao. Ngay sau đó là ngành bán lẻ, với động lực chính đến từ sự hồi phục mạnh mẽ của nhu cầu đối với thiết bị điện tử và công nghệ. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành này đã chủ động cắt giảm chi phí, góp phần cải thiện đáng kể biên lợi nhuận.

Song song đó, các ngành như công nghệ thông tin (CNTT), hàng cá nhân, tài nguyên cơ bản (mà nổi bật là ngành thép) và ngân hàng tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng lợi nhuận ổn định, bền vững.

Trong khi một số lĩnh vực bắt đầu cho thấy tín hiệu hồi phục, thì những ngành vốn được kỳ vọng lại đối mặt với sự giảm tốc.

Nổi bật ở nhóm hồi phục là hóa chất và tiện ích. Hai ngành này đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể về lợi nhuận từ mức nền thấp của giai đoạn trước. Động lực chính đến từ sự ổn định của giá đầu vào, đặc biệt là giá dầu, yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí sản xuất và cải thiện biên lợi nhuận.

Ngược lại, nhóm giảm tốc lại mang đến nhiều trăn trở. Thực phẩm và đồ uống ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn (+5,5% YoY), mặc dù được kỳ vọng hưởng lợi từ xu hướng phục hồi tiêu dùng nội địa. Nhiều doanh nghiệp đầu ngành như VNM (-28,1%), SAB (-21,9%), QNS (-26,4%) chứng kiến lợi nhuận sụt giảm do biên EBIT thu hẹp và sức mua yếu. Ngược lại, MSN (+105,3%), chăn nuôi (DBC, HAG) và thủy sản (VHC, MPC, ANV) lại ghi nhận lợi nhuận tăng vượt trội.

Xây dựng và vật liệu, dù kỳ vọng hưởng lợi từ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cũng cho thấy xu hướng giảm tốc với lợi nhuận giảm ở nhiều doanh nghiệp đầu ngành như VCG (-68,6%), CTD (-70,4%), VCS (-19,6%). Tuy nhiên, nhóm ống nhựa (BMP, NTP) và khai thác đá (DHA, NNC, VLB) vẫn tăng trưởng tích cực.

Ở nhóm suy giảm, lợi nhuận tiếp tục giảm ở dầu khí, nhưng có dấu hiệu tạo đáy ở dịch vụ tài chính (chủ yếu là chứng khoán) và việc thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt trong tháng 4-5/2025 có thể trở thành yếu tố hỗ trợ, mở ra khả năng tăng trưởng trở lại cho ngành trong quý II.

Riêng với du lịch và giải trí, mức giảm -17,6% YoY là do không còn khoản thu nhập bất thường của HVN. Điểm tích cực là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của HVN vẫn duy trì đà tăng mạnh, đạt +90,3% YoY trong quý I.

Triển vọng năm 2025: Mục tiêu khả thi trong bối cảnh ổn định

Dựa vào kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường chứng khoán năm 2025 dự kiến tăng +13,9%. Nhóm tài chính lên kế hoạch tăng trưởng +17%, đi ngang so với thực hiện 2024, trong khi nhóm phi tài chính đưa ra mục tiêu tương đối thận trọng với mức tăng khiêm tốn (+9,6%).

Mặc dù nhiều doanh nghiệp lớn xây dựng kế hoạch năm 2025 trước thời điểm xuất hiện rủi ro thuế quan, mục tiêu tăng trưởng +13,9% này vẫn được đánh giá là khả thi trong bối cảnh nền kinh tế đang dần ổn định và chính phủ tập trung thúc đẩy nội lực.

Các nhóm ngành nổi bật với kết quả vượt trội so với kế hoạch và chất lượng tăng trưởng cải thiện (doanh thu và biên EBIT cùng tăng trong quý I) bao gồm tiện ích (chủ yếu là điện như POW, REE, GEG), bán lẻ (MWG, FRT) và hóa chất (chủ yếu là phân bón như DCM, DPM hay cao su như DRI).

Nhóm vẫn đang bám sát kế hoạch 2025 với triển vọng tăng trưởng ổn định là công nghệ thông tin (FPT) và ngân hàng (MBB, VPB, HDB).

Đáng chú ý, các nhóm đang hụt hơi so với kế hoạch lợi nhuận 2025 bao gồm bất động sản (đặc biệt là phân khúc bất động sản dân cư), dù vẫn có triển vọng phục hồi phía trước.

Thực phẩm và đồ uống cùng xây dựng và vật liệu cho thấy đà tăng trưởng đang chững lại, phản ánh sức mua và tiến độ giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng.

Tuy nhiên, một số phân ngành vẫn ghi nhận diễn biến tích cực đi ngược xu hướng chung, như thủy sản và chăn nuôi (thuộc thực phẩm và đồ uống), ống nhựa và khai thác đá (thuộc xây dựng và vật liệu). Những ngành này ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng khả quan trong quý I/2025 và tương đối vượt trội so với kế hoạch cả năm, mang lại điểm sáng cho bức tranh chung.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/loi-nhuan-doanh-nghiep-niem-yet-quy-i-huong-den-tang-truong-ben-vung-164877.html