Lợi nhuận FPT Retail cải thiện, có gần 1.400 nhà thuốc
Chuỗi Long Châu được tăng tốc mở mới thúc đẩy doanh thu của FPT Retail tăng trưởng, đạt gần 1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 8.236 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Bước qua quý 2 - giai đoạn thấp điểm trong năm, thị trường bán lẻ ICT trong quý 3 đã có sự phục hồi. Nhờ đó, chuỗi bán lẻ FPT Shop đem về 4.104 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với quý 2 trước đó.
Lợi nhuận gộp của công ty đạt 1.371 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính sụt giảm 53% xuống mức 21 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng mạnh lên trên 1.029 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ 865 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 41% lên 297 tỷ đồng.
Do chi phí lớn nên lợi nhuận trước thuế của FPT Retail chỉ đạt 1,4 tỷ đồng, không đáng kể so với con số 103 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên so với mức âm 200 tỷ đồng trong quý 2/2023, kết quả này đã cải thiện hơn rất nhiều.
Trừ đi chi phí thuế, công ty lỗ ròng 21 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi ròng gần 85 tỷ đồng. FPT Retail giải trình, trong quý 3, Dược phẩm Long Châu đã mở mới 584 cửa hàng so với cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng doanh thu hợp nhất. Tuy nhiên Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên chưa đóng góp nhiều về mặt lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của FRT đạt 23.160 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; lỗ ròng 245 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi ròng 296 tỷ đồng.
Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của FPT Retail tiếp tục là chuỗi dược phẩm. Trong khi chuỗi FPT Shop đạt 12.222 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái thì chuỗi Long Châu đạt 11.088 tỷ đồng, tăng 69%.
Trong 9 tháng, công ty mở mới 447 nhà thuốc, nâng tổng số nhà thuốc lên 1.384. Các cửa hàng vẫn ghi nhận mức doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng ở mức khoảng 1,1 tỷ đồng.
Đối với chuỗi FPT Shop, để gia tăng doanh thu trong bối cảnh thị trường ICT, từ cuối năm 2021, FPT Shop đã đưa thêm các sản phẩm gia dụng vào các cửa hàng hiện hữu nhằm tăng số lượng mặt hàng phục vụ khách hàng. Sau gần 2 năm mở rộng, tính đến nay đã có 724 cửa hàng bán các mặt hàng gia dụng.
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của FPT Retail tăng 11% so với đầu năm lên 11.720 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 7.290 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.578 tỷ đồng, chiếm 14% tổng tài sản.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả cũng tăng 17% so với đầu năm, lên mức 9.924 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn ở mức hơn 5.600 tỷ đồng, không có nhiều biến động. Vốn chủ sở hữu đạt 1.795 tỷ đồng, bao gồm 340 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.