Lợi nhuận giảm mạnh, nguồn vốn Intracom thế nào?
Năm 2023, nợ phải trả của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) lên tới 5.500 tỷ đồng, gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu.
Theo bảng công bố thông tin tài chính mà Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) gửi các trái chủ gần đây, năm 2023, Intracom ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức hơn 46 tỷ đồng, giảm 39,6%. Năm trước đó (2022), doanh nghiệp lãi ròng 76,1 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Intracom đạt gần 9.700 tỷ đồng. Đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2023 là 1,3 lần. Theo đó, nợ phải trả vào khoảng 5.479 tỷ đồng.
Năm trước đó, hệ số này của doanh nghiệp ở mức 1,09 lần. Từ đó tính ra được nợ phải trả ở mức 4.548 tỷ đồng. Intracom cũng không còn lưu hành lô trái phiếu nào, do đó dư nợ trái phiếu tại cuối năm 2023 cũng về mức 0.
Như vậy, tính trung bình mỗi ngày trong năm vừa, doanh nghiệp lãi hơn 126 triệu đồng, còn năm trước mức lãi là gần 209 triệu đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp ghi nhận tại ngày 31/12/2023 là 9.694 tỷ đồng, tăng 11,2% so với mức 8.721 tỷ đồng cùng thời điểm năm 2022.
Trước đó trong giai đoạn 2020 - 2021, Intracom phát hành ba lô trái phiếu với tổng giá trị ban đầu khoảng 580 tỷ đồng. Các khoản nợ trên có lãi suất 10 - 10,4% mỗi năm, cùng đáo hạn trong năm 2023 và được Intracom tất toán toàn bộ.
Intracom được thành lập vào tháng 12/2002 với 100% vốn Nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng bất động sản, năng lượng sạch, vật liệu xây dựng, thi công xây lắp. Năm 2006, công ty này tiến hành cổ phần hóa.
Sau khi cổ đông Nhà nước thoái lui, năm 2019 doanh nghiệp được công chúng biết nhiều hơn dưới sự chèo lái của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Việt (Shark Việt). Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), công ty đa ngành này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Đơn vị này là chủ đầu tư của một số dự án bất động sản như Intracom Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và Intracom Riverside tại xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, TP Hà Nội).
Bên cạnh đó, công ty cũng là chủ đầu tư hàng loạt dự án thủy điện lớn gồm Dự án Thủy điện Nậm Pung, dự án thủy điện Tà Lơi 1, 2 và 3, dự án thủy điện Cẩm Thủy 1. Doanh nghiệp này còn đầu tư vào y tế với việc góp hơn 1.000 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông vào năm 2010.
Ông Nguyễn Thanh Việt - Shark Việt còn được biết đến khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ) với nhiều thương vụ lớn lên đến hàng triệu USD. Ông đã hỗ trợ vốn cho nhiều start-up như CDTS, Tokai, Triip, DalatFOODIE...