Lợi nhuận giảm sâu 98,5% trong Quý 2, cổ phiếu Tập đoàn KIDO (KDC) chạm đáy
Tập đoàn KIDO (KDC) ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 98,5% trong Quý 2/2024, giá cổ phiếu KDC cũng đang chạm đáy trong vòng 1 năm trở lại.
Lợi nhuận Quý 2 sụt giảm 98,5%
CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC), đơn vị hoạt động có tiếng trong mảng chế biến thực phẩm tại Việt Nam vừa ghi nhận kết quả kinh doanh đáng thất vọng trong Quý 2/2024. Doanh thu sụt giảm, lợi nhuận sau thuế lao dốc không phanh gây ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến giá cổ phiếu KDC.
Trong Quý 2/2024, KIDO ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.716,6 tỷ đồng giảm 25,6% so với cùng kỳ. Giá vốn chiếm 1.446,2 tỷ đồng, lợi nhuận gộp mang về 270,4 tỷ giảm 15,7% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp ngược lại được cải thiện từ 13,9% lên 15,8%.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ suy giảm mạnh, từ 1.119,9 tỷ đồng cùng kỳ xuống chỉ còn 46,6 tỷ đồng tương đương giảm tới 24 lần. Chi phí tài chính giảm 3 lần, từ 84,6 tỷ xuống chỉ còn 28,6 tỷ đồng.
Doanh thu sụt giảm nhưng bù lại chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm trong Quý 2. Cụ thể chi phí bán hàng giảm từ 410,9 tỷ xuống chỉ còn 242,3 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm từ 204,8 tỷ xuống chỉ còn 98,2 tỷ đồng.
Dù vậy, kết quả này cũng chỉ vừa đủ giúp công ty thoát lỗ trong Quý 2, ghi nhận lãi sau thuế đạt 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đang lãi 715,2 tỷ. So với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế Quý 2 của công ty sụt giảm 98,5%.
Lý giải cho nguyên nhân gây sụt giảm lợi nhuận, KIDO cho rằng đây là hệ quả của việc tái cấu trúc mô hình kinh doanh của tập đoàn, đồng thời do biến động của thị trường tác động lên doanh nghiệp.
Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm của KIDO ghi nhận doanh thu 3.532 tỷ đồng, giảm 19,1%. Lãi sau thuế giảm từ 564,6 tỷ xuống chỉ còn 32,6 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giảm 94,2%.
Giá cổ phiếu KDC lao dốc, chạm đáy 1 năm trở lại
Trước những thông tin không mấy sáng sủa về tình hình kinh doanh Quý 2/2024, giá cổ phiếu KDC cũng đang phần nào bị ảnh hưởng.
Cụ thể, trong 1 năm trở lại đây, cổ phiếu KDC luôn dao động quanh vùng giá 63.000 đồng/cổ phiếu và không ít lần vượt ngưỡng 65.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, hiện tại mã KDC chỉ đang được giao dịch quanh giá 54.600 đồng/cổ phiếu, là đáy thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Điều này đã tạo điều kiện cho một số quỹ lớn "vung tiền" thâu tóm cổ phần và trở thành cổ đông lớn của KIDO.
Đơn cử như giao dịch mua vào mã KDC của Liva Holdings Limited, một quỹ thuộc CTCP Quản lý quỹ VinaCapital. Đơn vị này đã mua 8,6 triệu cổ phiếu KDC trong phiên giao dịch ngày 14/8.
Với giao dịch trên, Liva Holdings Limited đã tăng lượng cổ phiếu KDC sở hữu từ 11,67 triệu lên 20,29 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 7%. Với lượng sở hữu trên 5% này, Liva Holdings Limited đã trở thành cổ đông lớn của KIDO.
Cơ cấu nguồn vốn của KIDO đang ra sao?
Về thành phần lãnh đạo của KIDO, hai anh em doanh nhân Trần Kim Thành vẫn đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong tập đoàn. Trong đó ông Trần Kim Thành là Chủ tịch HĐQT, ông Trần Lệ Nguyên giữ vai trò Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.
Hiện tại KIDO đang nắm giữ cổ phần của nhiều đơn vị có tiếng trong mảng sản xuất, chế biến thực phẩm như Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), CTCP Dầu Thực vật Tường An, Kido Nhà Bè (KNB)... Hay gần đây nhất, KIDO đã thâu tóm thương hiệu Bánh bao Thọ Phát, nắm 68% cổ phần của CTCP Thọ Phát Quốc Tế.
Về tài sản, tính đến cuối Quý 2/2024, KIDO ghi nhận tổng tài sản 11.377,6 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó lượng tiền mặt giảm từ 2.185 tỷ xuống chỉ còn 1.637 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng giảm từ 618,4 tỷ xuống còn 173,7 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, công ty ghi nhận nợ phải trả chiếm 4.287,9 tỷ đồng. Lượng nợ vay ngắn hạn chiếm 2.566 tỷ đồng, giảm gần 250 tỷ so với đầu năm.
Vốn chủ sở hữu đang chiếm phần lớn trong cơ cấu vốn, chiếm 7.089,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty đang tích lũy một lượng lớn lãi sau thuế chưa phân phối, chiếm 1.493,3 tỷ đồng.