Lợi nhuận gộp của Vinare tăng 82% nhờ giảm mạnh chi phí
Năm 2022, dù doanh thu phí bảo hiểm giảm nhẹ so với năm trước, nhưng nhờ mức giảm của chi phí lớn hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của Vinare vẫn đạt 237 tỷ đồng, tương ứng tăng 82% so với năm 2021.
Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia VIệt Nam (Vinare, HNX: VNR) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 với doanh thu phí bảo hiểm đạt 520 tỷ đồng giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ mức giảm về chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm lớn hơn mức giảm của doanh thu thuần, nên Vinare vẫn ghi nhận lợi nhuận gộp đạt gần 40 tỷ đồng, tăng gấp đôi quý 4/2021.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 33% lên hơn 152 tỷ đồng, chi phí hoạt động tài chính giảm mạnh còn gần 14 tỷ đồng, chỉ bằng 45% chi phí của quý 4/2021. Chi phí quản lý doanh nghiệp cao gấp 1,75 cùng kỳ, lên gần 35 tỷ đồng. Sau khi giảm trừ các loại chi phí, quý 4/2022, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 154 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm của Vinare đạt 2.316 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với kết quả của năm 2021, tương đương giảm hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của công ty vẫn tăng tới 82% so với năm 2021, đạt 237 tỷ đồng, nhờ tiết giảm được 13% khoản chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (còn 1.277 tỷ đồng).
Doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 347 tỷ đồng, giảm gần 11%. Chi phí hoạt động tài chính đạt 56 tỷ đồng, chỉ bằng 53% chi phí của năm 2021. Đến hết năm 2022 lợi nhuận trước thuế của VNR đạt hơn 463 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước.
Hội đồng cổ đông của Vinare đã thông qua mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 trên 3.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế ở mức 434,7 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức là 12%. Như vậy, đến hết năm, công ty mới hoàn thành 77% kế hoạch tổng doanh thu nhưng đã vượt 6,5% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Vinare đã giảm nhẹ hơn 30 tỷ đồng xuống 7.126 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền và các khoản tương đương tiền tăng vọt 3,25 lần lên 82 tỷ đồng ngày 31/12/2022, trong đó khoản tiền gửi ngân hàng gần 50 tỷ đồng, chiếm 61%. Khoản tài sản tái bảo hiểm đạt 1.441 tỷ đồng, giảm 11%.
Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đã giảm 5% xuống 2.428 tỷ đồng, trong đó phần lớn là khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn, đạt 2.323 tỷ đồng, giảm nhẹ 15 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2022, Vinare đã không còn khoản trái phiếu ngắn hạn 100 tỷ đồng.
Tại bảng số sách kế toán, khoản ủy thác đầu tư ngắn hạn của Tổng công ty qua các công ty quản lý quỹ đã giảm 10 tỷ đồng xuống còn gần 107 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng hơn 16% lên 1.948 tỷ đồng. Trong đó, khoản góp vốn cổ phần giảm 9% xuống 309 tỷ đồng, do sự biến động của khoản góp vốn vào ngân hàng Tiên Phong. Khoản trái phiếu dài hạn đã tăng mạnh 50% lên 680 tỷ đồng...
Nợ phải trả của công ty tăng giảm 5% xuống 3.669 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là khoản dự phòng nghiệp vụ đạt 2.938 tỷ đồng, giảm 6%; khoản phải trả người bán ngắn cũng giảm 8%, xuống 446 tỷ đồng...
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNR đang chứng kiến một đà tăng nhẹ từ vùng giá 18.600 đồng/cp (phiên ngày 23/12). Kết phiên ngày 1/2, cổ phiếu tăng 2,7% và giao dịch ở mức 22.800 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 2.294 tỷ đồng.
Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) được thành lập năm 1994 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995, với số vốn điều lệ là 40 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh của Tổng công ty là kinh doanh nhận và nhượng tái bảo hiểm; đầu tư tài chính vào các lĩnh vực trái phiếu chính phủ, cổ phiếu doanh nghiệp...
Vinare là doanh nghiệp duy nhất niêm yết trên Sàn Chứng khoán tại Việt Nam kinh doanh tái bảo hiểm. Tổng công ty đang đứng thứ 3 trên thị trường về vốn hoạt động, chỉ sau Bảo Việt và Bảo Minh.