Lợi nhuận ngân hàng quý 1: Nhiều đơn vị tăng trưởng mạnh mẽ

Để duy trì đà tăng trưởng, các ngân hàng cần củng cố nội lực, nâng cao quản trị rủi ro, tăng cường năng lực tài chính và đa dạng hóa kênh huy động vốn trung - dài hạn.

Ngân hàng SeABank gây ấn tượng mạnh khi lợi nhuận trước thuế tăng vọt 2.884 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng SeABank gây ấn tượng mạnh khi lợi nhuận trước thuế tăng vọt 2.884 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)

Quý 1/2025 ghi nhận sự phục hồi ấn tượng của ngành ngân hàng Việt Nam, với nhiều ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ đã tạo nên những bước đột phá đáng kể, góp phần làm sôi động bức tranh tài chính đầu năm.

Ngân hàng nhỏ gây bất ngờ

Trong số 10 ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, nhiều cái tên có quy mô tài sản khiêm tốn nhưng đã có bước nhảy vọt về hiệu quả kinh doanh như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank) tăng trưởng đến 238% so với cùng kỳ, SeABank tăng trưởng 189%, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) tăng trưởng 125%...

Cụ thể, VietBank đạt lợi nhuận trước thuế đạt hơn 248 tỷ đồng, tăng 248% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng mạnh từ mảng tín dụng.

Bà Trần Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Vietbank cho biết: "Mục tiêu lợi nhuận năm 2025 tăng 55% là áp lực lớn đối với ban điều hành nhưng chúng tôi đặt ra trên cơ sở kinh tế vĩ mô khởi sắc và sự chuẩn bị nội tại kỹ lưỡng. Chúng tôi quyết tâm cao để hiện thực hóa chỉ tiêu này."

Theo bà Trần Tuấn Anh, động lực tăng trưởng chính đến từ việc đẩy mạnh dư nợ tín dụng với kế hoạch tăng khoảng 20% ngay từ đầu năm, song hành cùng việc cơ cấu lại danh mục tài sản để tối ưu hệ số sinh lời. Ngoài ra, Vietbank đang tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, mở rộng mạng lưới kinh doanh, thúc đẩy bán hàng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nhằm gia tăng nguồn thu ngoài lãi.

Ngân hàng SeABank cũng gây ấn tượng mạnh khi lợi nhuận trước thuế tăng 2.884 tỷ đồng, từ mức 1.506 tỷ đồng đạt được trong quý 1/2024 lên tới 4.350 tỷ đồng trong quý 1/2025, tương đương tốc độ tăng 189%. Đóng góp chính vào mức tăng lợi nhuận là nhờ vào việc SeABank đã hoàn tất chuyển nhượng Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service và ghi nhận thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần lên đến 2.607 tỷ đồng.

ABBank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 407 tỷ đồng, tăng mạnh 128% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ hoạt động tín dụng tăng đều, huy động vốn ổn định và chuyển đổi số hiệu quả. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 10,46% tuân thủ mức trên 8% theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo khung vốn vững chắc của ABBank cho công tác kinh doanh.

Ở một số ngân hàng khác cũng chứng kiến kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực. Đơn cử như VietA Bank lãi 353 tỷ đồng, tăng 105 tỷ đồng, tương đương tăng 43%. Saigon Bank lãi 98 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng, tương đương tăng 44%. BaoViet Bank lãi 80 tỷ đồng, tăng 11 tỷ đồng, tương đương tăng 16%. Đáng chú ý NCB chuyển từ lỗ 42 tỷ đồng trong quý 1/2024 sang có lãi 151 tỷ đồng trong quý 1 năm nay.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng duy trì đà tăng. Techcombank ghi nhận lợi nhuận giảm 7,2%, OCB giảm 26,5% và PGBank giảm 17,3%, cho thấy sự phân hóa trong hiệu quả kinh doanh.

 Lợi nhuận của ABBank cũng có bước đột phá ngoạn mục. (Ảnh: Vietnam+)

Lợi nhuận của ABBank cũng có bước đột phá ngoạn mục. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng lớn giữ vững phong độ

Về giá trị tuyệt đối, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế đạt 10.859,9 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ.

Ông Lê Quang Vinh - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết ngân hàng đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng quan trọng trong quý 1, giúp đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng. Thu nhập ngoài lãi đóng góp lớn vào cơ cấu lợi nhuận, khẳng định chiến lược đa dạng hóa nguồn thu.

Ngân hàng Quân đội (MBBank) đạt lợi nhuận trước thuế 8.386 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ, bất chấp việc nhận chuyển giao Ngân hàng Đại Dương và thực hiện tái cơ cấu. Đáng chú ý, MBBank ghi nhận khoản thu bất thường 1.003 tỷ đồng từ thu hồi nợ đã xử lý rủi ro, tăng 740 tỷ đồng so với quý 1/2024.

Các ngân hàng lớn khác cũng duy trì tăng trưởng ổn định. VietinBank đạt lợi nhuận 6.823,2 tỷ đồng, tăng 9,9%; HDBank lãi 5.355,2 tỷ đồng, tăng 33%; VPBank đạt 5.015 tỷ đồng, tăng 20%, tiến gần mục tiêu lãi 1 tỷ USD trong năm.

Một trong những yếu tố đóng góp tích cực vào tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng là tăng trưởng tín dụng đạt khá cao. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2024, gấp gần ba lần mức tăng 1,34% cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh gồm NCB (9,6%), VietA Bank (6,3%), LPBank (6,2%), VPBank (5,4%), Sacombank (4,6%), và BaoViet Bank (4,1%).

 Dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2024, gấp gần ba lần mức tăng 1,34% cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Vietnam+)

Dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2024, gấp gần ba lần mức tăng 1,34% cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh tín dụng, chuyển đổi số là yếu tố then chốt thúc đẩy lợi nhuận. Việc tự động hóa quy trình, mở rộng nền tảng ngân hàng số và tăng cường dịch vụ phi tiếp xúc đã giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí, đồng thời tiếp cận khách hàng ở các khu vực ngoài đô thị, nơi tiềm năng tài chính còn lớn.

Sự chuyển dịch cơ cấu thu nhập cũng là điểm sáng. Tỷ trọng thu nhập lãi thuần giảm, trong khi các nguồn thu ngoài lãi từ dịch vụ, đầu tư, và kinh doanh ngoại hối tăng lên, cho thấy các ngân hàng đang giảm dần phụ thuộc vào tín dụng.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Đinh Trọng Thịnh nhận định, với khởi đầu thuận lợi, triển vọng ngành ngân hàng năm 2025 được đánh giá cao. Tuy nhiên, các rủi ro từ biến động kinh tế toàn cầu, lãi suất quốc tế và căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam.

Để duy trì đà tăng trưởng, ông Thịnh khuyến nghị các ngân hàng cần củng cố nội lực, nâng cao quản trị rủi ro, tăng cường năng lực tài chính và đa dạng hóa kênh huy động vốn trung - dài hạn. Ngân hàng Nhà nước cần duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, cân bằng giữa ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững.

Với những kết quả tích cực trong quý 1/2025, ngành ngân hàng đang cho thấy khả năng thích ứng mạnh mẽ, đặt nền tảng cho một năm kinh doanh đầy triển vọng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/loi-nhuan-ngan-hang-quy-1-nhieu-don-vi-tang-truong-manh-me-post1036898.vnp