Quy định rõ hơn các chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực
Chiều 6/5, thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Bến Tre, Tây Ninh) cho rằng, dự án Luật cần quy định rõ hơn các chính sách về đào tạo nhân lực tại chỗ, thu hút nhân lực trẻ, nhân tài làm việc cho các địa phương, đặc biệt là cần có chương trình phối hợp hỗ trợ chuyên sâu và đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh còn khó khăn…

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 9. Ảnh: T. Tâm
Thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành dự án Luật theo Tờ trình của Chính phủ. Dự án Luật đã cơ bản thể chế được đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nghị quyết của Quốc hội vừa được ban hành trong Kỳ họp bất thường lần thứ Chín vừa qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển
Đồng tình với quy định tại Điều 9 của dự án Luật, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, điều này phù hợp với Nghị quyết 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đại biểu, tại Khoản 1, Điều 9 quy định tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật bổ sung, nghiên cứu cụm từ “đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu tối đa rủi ro, thiệt hại gây ra”. Vì thực tế thời gian qua cho thấy, đây là "điểm nghẽn" rất lớn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy định trong dự thảo Luật sẽ là cơ sở giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm
Dẫn chứng từ thực tiễn lấy ý kiến tại địa phương, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, dự thảo Luật cần quy định nhấn mạnh vai trò của chính sách vùng, chính sách ưu đãi đặc thù cho những địa phương Trung du và miền núi. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ phục vụ nông, lâm nghiệp bền vững để bảo tồn thiên nhiên. “Đây là một trong những mong muốn của những tỉnh còn phát triển khó khăn”, đại biểu bày tỏ.
Quan tâm đến dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho biết, dự thảo Luật đã cụ thể hóa tương đối đầy đủ nội dung của các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung. Điểm mới ưu việt của Luật này là thống kê, đo lường, đánh giá kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để làm cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sán tạo.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển
“Đây là một hình thức định lượng đầu tiên để đưa vào hệ thống thống kê quốc gia. Điều này rất cần thiết để đánh giá thực chất hơn và có cơ sở định lượng chính xác hơn về hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ đối với thực tế đời sống và xã hội. Đây cũng là cơ sở cho việc phân bổ ngân sách và giao nhiệm vụ khoa học công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trên cơ sở các bộ tiêu chí đánh giá”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nêu rõ.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cần quy định thang điểm đánh giá khách quan, khoa học và chi tiết, cụ thể, trên cơ sở có kiểm soát và khuyến khích nâng cao đạo đức nghề nghiệp và liêm chính khoa học để các tổ chức hội và các tổ chức khoa học độc lập tham gia đánh giá. Vì theo đại biểu, điểm d khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật quy định việc đánh giá giao cho cơ quan Nhà nước. Đại biểu cho rằng, nếu các tổ chức đánh giá độc lập dùng kinh phí xã hội hóa thì sẽ bảo đảm tính khách quan.
Bên cạnh đó, đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật đã cụ thể hóa các quy định chính sách mới kích thích khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo có tính rủi ro cao, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cần có giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và khoa học tự nhiên, đối với các lĩnh vực này thì mới chấp nhận rủi ro. Do đó, cần phân loại tùy nhóm và lĩnh vực cũng như mức độ thì mới áp dụng chấp nhận rủi ro; đồng thời, cần có chế tài để quản lý, nếu không thì sẽ khó kiểm soát.
Về đạo đức nghề nghiệp và liêm chính khoa học, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, đây là điểm mới của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đạo đức nghề nghiệp và liêm chính khoa học cần đi kèm với hành lang về rủi ro và khoán chi, quy định về tài chính cho khoa học, qua đó tạo khuôn khổ pháp lý và hành lang vi phạm nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Đồng thời, cần quy định chế tài tương ứng để tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và liêm chính khoa học.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm
Mặt khác, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn các chính sách về đào tạo nhân lực tại chỗ, thu hút nhân lực trẻ, nhân tài làm việc cho các địa phương, đặc biệt là cần có chương trình phối hợp giữa Trung ương và các địa phương trong hỗ trợ chuyên sâu và đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh có điều kiện còn khó khăn. Về tài chính cho khoa học công nghệ, cần tăng cường phân cấp giao quyền tự chủ tài chính cho địa phương trong việc thành lập các Quỹ Khoa học công nghệ cấp tỉnh. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về Quỹ Trung ương với địa phương để trong quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm được hiệu quả.
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44 về việc nghiên cứu, cân nhắc tên gọi của dự án Luật Khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần thể chế hóa nghị quyết 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 193 của Quốc hội mới được ban hành ngày 19/2/2025 chưa có thời gian kiểm nghiệm trong thực tế. Nếu luật hóa ngay một số quy định thí điểm trong Nghị quyết 193 vào trong dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần hết sức cân nhắc, đánh giá kỹ sự cần thiết để bảo đảm tính khả thi, ổn định của Luật...