Lợi nhuận ngân hàng vẫn kỳ vọng ổn định

Dẫu chịu rủi ro nhất định từ bên ngoài, song lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2025 được kỳ vọng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy bởi đầu tư công và cho vay tiêu dùng

Tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy bởi đầu tư công và cho vay tiêu dùng

Khởi đầu tích cực

Kết thúc quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt gần 4.400 tỷ đồng, thực hiện 30% kế hoạch cả năm. Tăng trưởng tín dụng cao là động lực chính cho kết quả lợi nhuận tích cực này. Theo bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB, dư nợ tín dụng tại ngày 31/3/2025 tăng 7,8% so với đầu năm nhờ Ngân hàng phát triển mạnh khách hàng doanh nghiệp lớn và SME...

Tại VIB, cho vay khách hàng tại thời điểm cuối quý I đạt 335.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 3% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đồng đều ở các phân khúc khách hàng, từ bán lẻ, SME, khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính, trong đó tỷ lệ bán lẻ vẫn duy trì ở mức gần 80%, thuộc Top đầu ngành. Ngân hàng đã triển khai gói cho vay mua căn hộ, nhà phố 45.000 tỷ đồng, với lãi suất 5,9%/năm, 6,9%/năm và 7,9%/năm cho các kỳ cố định lãi suất 6 - 12 - 24 tháng, cùng với tính năng vay 1 tỷ đồng trả gốc chỉ 1 triệu đồng mỗi tháng.

Hoạt động dịch vụ và thu nợ của VIB tiếp tục đóng góp tích cực cho nguồn thu hoạt động. Thẻ tín dụng vượt mốc 900.000 thẻ lưu hành cùng chi tiêu thẻ đạt gần 33.000 tỷ đồng trong quý I, tăng 17% so với cùng kỳ. Thu từ nợ đã xử lý rủi ro đạt hơn 342 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Kết hợp với các chiến lược và giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác vận hành, chi phí hoạt động trong quý I giảm 6% so với năm trước, đồng thời chi phí dự phòng giảm 55% so với cùng kỳ nhờ việc trích dự phòng thận trọng trong giai đoạn trước.

TPBank đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh quý I, với lợi nhuận trước thuế hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Ngân hàng trong quý đạt gần 4.500 tỷ đồng; trong đó, thu nhập từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 3.380 tỷ đồng. Thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục là điểm sáng khi đạt 910 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, đẩy tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ: “Động lực tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến từ sản xuất - kinh doanh, cho vay tiêu dùng của người dân như mua nhà, mua xe…”.

Đáng chú ý, kết quả kinh doanh quý I/2025 của NCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 125 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng tích cực: vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) đạt hơn 107.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với cuối năm 2024; cho vay khách hàng đạt hơn 78.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,6% so với cuối năm 2024. Thu nhập lãi thuần đạt mức cao nhất trong 9 quý liên tục, ước đạt gần 510 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác như hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và vàng, mua bán chứng khoán đầu tư... đều có lãi trong quý vừa qua.

Theo ông Tạ Kiều Hưng, Tổng giám đốc NCB, kết quả này có được nhờ Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh theo chiến lược mới, song song với việc tích cực tái cơ cấu theo đúng lộ trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại Vietcombank, theo Tổng giám đốc Lê Quang Vinh, các hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng tốt, đặc biệt là tín dụng và hoạt động tài trợ thương mại quốc tế (chiếm khoảng 20% thị phần). Trong quý đầu năm, Ngân hàng đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng quan trọng, góp phần đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng.

“Huy động vốn tăng trưởng ổn định, doanh số mua bán ngoại tệ tăng trưởng tốt. Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó thu nhập ngoài lãi đóng góp lớn vào cơ cấu lợi nhuận chung”, ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Ngân hàng đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,7%; huy động vốn riêng lẻ đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 6%. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ quý đầu năm ước đạt 9.417 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ.

Kỳ vọng ổn định trong năm 2025

VietinBank là ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhóm Big4. Lãnh đạo VietinBank cho biết, Ngân hàng đã và đang đón đầu các xu hướng lớn như chuyển đổi số, phát triển bền vững, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động. Hiện có khoảng 60 - 70% sản phẩm của Ngân hàng đã được đưa lên kênh số, tỷ trọng giao dịch qua kênh số đạt 99%.

Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình tiết lộ: “VietinBank dự kiến cắt giảm vài trăm điểm giao dịch và thay thế bằng nền tảng số để phục vụ khách hàng tốt hơn, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng”.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng là xu hướng chung của ngành ngân hàng trong giai đoạn này.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kỳ vọng, năm 2025, ngành ngân hàng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Kịch bản cơ sở là tăng trưởng tín dụng đạt từ 14 - 15%, được thúc đẩy bởi mặt bằng lãi suất thấp và nhu cầu vốn gia tăng từ các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Trong đó, tín dụng bán lẻ, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh, tiêu dùng và vay mua nhà, đang có dấu hiệu hồi phục và dự báo tiếp tục cải thiện. Tín dụng doanh nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng ổn định, khi nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh được duy trì.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2025 cũng gặp một số trở ngại: Thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức cao, chủ yếu ở các ngành như xây dựng, bất động sản, thương mại và sản xuất..., trong khi khả năng thanh toán nợ vẫn còn yếu, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ (gồm cả thu nợ ngoại bảng) của các ngân hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ khó khăn hơn với chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump, dẫn đến rủi ro nợ xấu gia tăng như nêu trên.

Thứ hai, các nguồn thu dịch vụ đóng góp lớn vào lợi nhuận trong giai đoạn trước như kinh doanh ngoại hối, bancassurance, thu nợ ngoại bảng... chưa thể phục hồi nhanh;

Thứ ba, chi phí quản lý có xu hướng tăng do đầu tư vào công nghệ và chi phí lương tăng theo lộ trình của Nhà nước cũng như nhằm tăng cạnh tranh về nguồn nhân lực;

Thứ tư, NIM khó cải thiện do lãi suất cho vay dự kiến giảm nhẹ theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong khi lãi suất huy động khó giảm do thanh khoản không thực sự dồi dào với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao.

Hồng Dung

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/loi-nhuan-ngan-hang-van-ky-vong-on-dinh-post368590.html