Lợi nhuận PNJ giảm đều đặn, doanh thu vàng miếng có thể biến mất từ năm 2025

Lợi nhuận sau thuế của PNJ đã giảm một nửa về còn 51 tỷ đồng trong tháng 7/2024. Đây cũng là khoản lãi ròng theo tháng thấp nhất kể từ đầu năm, tiếp tục chứng kiến xu hướng đi xuống liên tục từ tháng 2 đến nay...

Kể từ tháng 2/2024 đến nay, lợi nhuận PNJ qua các tháng liên tục giảm mạnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, với tình trạng thiếu nguồn cung vàng, PNJ sẽ không còn doanh thu từ mảng vàng miếng kể từ năm 2025 trở đi. Thay vào đó, công ty sẽ tập trung sản xuất và kinh doanh nữ trang.

LỢI NHUẬN LIÊN TỤC SỤT GIẢM

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt 24.621 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.218 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 31% và 4% so với cùng kỳ 2023.

Được biết năm 2024, PNJ lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 37.147,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt mức kỷ lục hơn 2.089 tỷ đồng. Như vậy, PNJ đã thực hiện được lần lượt 66% và 58% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Nếu tính riêng tháng 7, doanh thu của PNJ ước đạt 2.508 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi sau thuế của doanh nghiệp đã giảm một nửa về còn 51 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lãi ròng theo tháng thấp nhất kể từ đầu năm, tiếp tục chứng kiến xu hướng đi xuống liên tục từ tháng 2 đến nay.

Trong cơ cấu doanh thu 7 tháng đầu năm, nguồn thu từ hoạt động bán lẻ chiếm gần 52% trong khi bán sỉ chỉ đạt gần 9%. Đáng chú ý, doanh thu từ vàng 24K đã tăng 67% lên hơn 9.600 tỷ đồng nhờ thị trường sôi động.

Tỷ trọng vàng miếng trong cơ cấu doanh thu theo đó cũng đã tăng lên 39%, trong khi cùng kỳ chỉ đạt hơn 30%. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp từ vàng miếng đã giảm dần trong các tháng gần đây, sau khi đạt đỉnh hơn 43% trong 5 tháng đầu năm.

Biên lợi nhuận gộp trung bình trong 7 tháng năm 2024 của PNJ theo đó đạt 16,4%, giảm so với mức 18,7% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh.

Trước thềm công bố kết quả kinh doanh tháng 7, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu PNJ đã có cú “vít ga tăng tốc” lên mức đỉnh lịch sử sau thời gian dài đi ngang tích lũy. Theo đó, cổ phiếu PNJ đã tăng một mạch từ 96.900 đồng/cổ phiếu lên mốc cao mới 109.300 đồng/cổ phiếu.

Sau đó cổ phiếu này đã điều chỉnh giảm nhẹ 0,37% xuống mức 108.900 đồng/cổ phiếu phiên giao dịch 23/8. So với thời điểm đầu năm, thị giá PNJ đã tăng hơn 27%. Vốn hóa thị trường tương ứng hơn 36.400 tỷ đồng.

Cổ phiếu PNJ tăng vọt trong bối cảnh giá vàng thế giới vừa thiết lập mức đỉnh cao nhất mọi thời đại và có thể sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong thời gian tới khi thời điểm dự kiến Fed hạ lãi suất đang đến gần. Một lực đẩy khác cho cổ phiếu PNJ có thể tới từ việc "mùa cưới" tại Việt Nam đang tới gần, thường diễn ra từ tháng 8 đến tháng 2 Âm lịch năm sau.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng xu hướng tăng trưởng của PNJ được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2024 nhờ sự hỗ trợ của mùa lễ hội và mua sắm cuối năm và sức mua người tiêu dùng có thể cải thiện trong năm 2025 khi bức tranh kinh tế toàn cảnh khả quan hơn. Bức tranh kinh doanh sáng sủa được kỳ vọng sẽ tạo đà cho cổ phiếu PNJ tăng.

 Nguồn: Chứng khoán ACBS

Nguồn: Chứng khoán ACBS

Tuy nhiên, các chuyên gia của ACBS cũng lưu ý rằng mức tăng trưởng của nửa cuối 2024 và năm 2025 của PNJ sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi đóng góp chính của mảng bán lẻ với mức tăng trưởng dự phóng 13,7% so với cùng kỳ cho năm 2024. Sự tăng trưởng đột biến đến từ mảng vàng 24K khó có thể xảy ra do một số biện pháp hạ nhiệt thị trường của chính phủ và các quy định về kinh doanh vàng cũng được thắt chặt hơn.

DOANH THU VÀNG MIẾNG CÓ THỂ BIẾN MẤT TỪ NĂM 2025

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành bán lẻ trang sức vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sau nghị định 24/2012/NĐ-CP, nguồn vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang chủ yếu đến từ nữ trang đã qua sử dụng và các nguồn khác. Mặc dù theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, các doanh nghiệp được xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng chưa có doanh nghiệp nào nhận được giấy phép này trong hơn mười năm qua.

Trước đây, vàng nguyên liệu dùng để sản xuất nữ trang tới từ các nguồn: hoạt động mua đi bán lại nữ trang đã qua sử dụng (đây là hoạt động thường xuyên của các đơn vị kinh doanh nữ trang), nhập khẩu bởi cơ quan Nhà nước, nhập khẩu bởi doanh nghiệp và các nguồn khác.

Sau khi Nghị định ra đời, cơ quan Nhà nước không nhập khẩu hoặc cấp phép nhập khẩu, nên trên thị trường chỉ còn lại hai nguồn chính – hoạt động mua đi bán lại nữ trang đã qua sử dụng và các nguồn khác.

Trong thời gian gần đây, Nhà nước siết chặt quản lý nguồn gốc vàng, thông qua các động thái sau: các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra và tịch thu vàng tại các doanh nghiệp bán vàng không có hóa đơn, chứng từ. Động thái của cơ quan quản lý cộng hưởng với giá vàng leo thang khiến nguồn vàng mua lại trong dân và các nguồn khác càng khan hiếm, làm tăng thêm áp lực về nguồn cung vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP gần đây được yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế; tuy nhiên, VDSC cho rằng cho đến khi nút thắt về “nhập khẩu vàng” được tháo gỡ, bài toán nguồn cung vàng nguyên liệu vẫn khó có lời giải. Dù được sửa đổi, hoạt động kinh doanh vàng nói chung và trang sức vàng nói riêng vẫn sẽ bị kiểm soát (ngành kinh doanh có điều kiện) và nguồn cung vàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Từ diễn biến tiêu cực của thị trường chung, VDSC cho rằng, mảng kinh doanh vàng miếng của PNJ dự kiến sẽ chậm lại. Do việc siết chặt quản lý của Nhà nước, trong quý 3/2024, trên toàn hệ thống PNJ không có hoạt động mua bán vàng miếng bởi thiếu hụt nguồn cung. Người dân hầu như chỉ mua, không có hoặc rất hiếm có việc bán lại vàng miếng.

VDSC dự phóng tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho vàng miếng sẽ tiếp diễn cho các năm sau. Điều này dẫn đến việc PNJ sẽ không có doanh thu từ mảng vàng miếng từ năm 2025 trở đi. Thực tế, mảng kinh doanh vàng miếng chỉ là mảng phụ mà PNJ giữ lại để tiếp cận và thu hút khách hàng cho mảng cốt lõi là bán lẻ trang sức, do đó PNJ sẽ ưu tiên nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang thay vì tập trung vào kinh doanh vàng miếng.

VDSC tin rằng công ty có thể đáp ứng được nhu cầu vàng nguyên liệu cho mảng này, do mảng trang sức không như vàng miếng, khi người tiêu dùng bán lại sẽ tính theo giá trị hóa đơn mua chứ không theo giá vàng lên xuống từng ngày, nên nhu cầu bán lại trang sức của người dân vẫn còn, và PNJ có biên lợi nhuận gộp cao cho mảng trang sức đến từ phần phụ trội từ thiết kế, dịch vụ, thương hiệu nên có khả năng trả cao hơn để lấy nguồn nguyên liệu vàng từ các bên.

Trong trường hợp cơ quan quản lý siết chặt hơn nữa và lâu dài hoạt động kinh doanh vàng và nữ trang, PNJ có thể sẽ thiếu hụt nguồn cung không chỉ mảng vàng miếng mà cả mảng nữ trang. Doanh thu và lợi nhuận của PNJ nói riêng, và các nhà sản xuất – kinh doanh nữ trang có thương hiệu và tiềm lực tài chính nói chung, sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn.

Lúc này, doanh nghiệp có thể có các lựa chọn như sau: Một là, duy trì hoạt động kinh doanh nữ trang bằng cách nhập nữ trang về bán. Nữ trang hoàn thiện khi nhập vào Việt Nam sẽ chịu thuế suất nhập khẩu 30%. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do tác động thêm của thuế suất này mà không thể chuyển hoàn toàn qua cho người tiêu dùng. Hai là, PNJ có thể tìm hướng kinh doanh khác cho lợi nhuận tốt hơn

Nguyễn Lan

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/loi-nhuan-pnj-giam-deu-dan-doanh-thu-vang-mieng-co-the-bien-mat-tu-nam-2025-post554222.html