Lợi nhuận quý III vẫn sáng
Mặc dù có khó khăn nhất định khi các ngân hàng dần cạn hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng kể từ đầu quý III, song không ít nhà băng vẫn ghi nhận lợi nhuận khả quan.
Nhiều chỉ tiêu tích cực
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch cả năm. Riêng quý III, lợi nhuận trước thuế đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối quý III/2022, tổng tài sản của Sacombank đạt gần 564.200 tỷ đồng, tăng 8,3%; huy động đạt 502.535 tỷ đồng, tăng 8,2%; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu là 0,86%.
Tại VIB, lợi nhuận trước thuế quý III/2022 đạt 2.780 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%. Tính đến 30/9/2022, VIB có tổng tài sản 341.000 tỷ đồng, tăng 10%; dư nợ tín dụng 228.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2021.
SHB đạt hơn 9.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 79% so với cùng kỳ và hoàn thành 78% kế hoạch cả năm. Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của SHB đạt hơn 528.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt gần 400.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 380.000 tỷ đồng.
TPBank đạt 5.926 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm năm 2022, tăng 35% so với cùng kỳ và hoàn thành 72% kế hoạch cả năm. Tổng tài sản của TPBank tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 317.000 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch năm 2022; tổng huy động đạt trên 280.000 tỷ đồng, tăng 49.515 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
SeABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 vượt 4.000 tỷ đồng, tăng gần 59% so với cùng kỳ.
Có 70,4 - 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý cuối năm, dù hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn chế.
Với Eximbank, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay đều tăng: tổng tài sản tăng 10,9%, huy động từ khách hàng tăng 5,9%, dư nợ cho vay tăng 10,3% (room được cấp là 11,2%), lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.200 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,86% (giảm so với mức 1,94% cuối năm 2021), các chỉ số sinh lời như ROA, ROE tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo lãnh đạo Eximbank, đạt được kết quả lợi nhuận khả quan là do Ngân hàng đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán, thu hồi nợ, cắt giảm chi phí... Về công tác an toàn hoạt động, Ngân hàng duy trì tỷ lệ an toàn vốn vững chắc với hệ số CAR theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 13,91% (quy định là 8%), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn dưới 20% (quy định là không quá 37%), trong danh mục đầu tư hiện nay không có trái phiếu doanh nghiệp.
Công ty Chứng khoán SSI vừa đưa ra báo cáo dự đoán kết quả kinh doanh quý III/2022 của một số doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, SSI ước tính, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 7.400 - 7.600 tỷ đồng, tăng 29 -33% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động lần lượt là 15% và 3,5% so với đầu năm. Với Techcombank, lợi nhuận trước thuế quý III/2022 tăng 20 - 25% so với cùng kỳ, dù chi phí vốn chịu áp lực tăng và nguồn thu nhập kém đa dạng hơn so với các quý trước. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của BIDV ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động lần lượt là 10,5% và 2% so với đầu năm, biên lãi ròng (NIM) ổn định. VPBank có thể ghi nhận lợi nhuận trước thuế 4.200 - 4.500 tỷ đồng, tăng 55 - 65% so với cùng kỳ.
Tăng thu ngoài lãi
Tổng giám đốc Sacombank cho hay, thu ngoài lãi trong 9 tháng đầu năm 2022 đóng góp 39,4% vào tổng nguồn thu của Ngân hàng, phần lớn nhờ công tác chuyển đổi số được đẩy mạnh. Việc mang lại trải nghiệm tốt và giá trị đến khách hàng kỳ vọng sẽ tiếp tục có đóng góp tích cực vào hiệu quả kinh doanh.
Tương tự, tại TPBank, thu nhập từ dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.876 tỷ đồng, tăng hơn 78% so với cùng kỳ.
Thu thuần ngoài lãi của SeABank trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận tăng trưởng gần 70% so cùng kỳ, đạt 2.205 tỷ đồng, chiếm 30,28% tổng thu thuần. Tỷ lệ này thể hiện sự ổn định và đa dạng về doanh thu của Ngân hàng.
Còn tại VIB, dư nợ bán lẻ tính đến cuối tháng 9/2022 vượt 200.000 tỷ đồng, có quy mô thuộc nhóm hàng đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Chi tiêu trên thẻ của VIB cao nhất Việt Nam, đóng góp trên 35% tổng mức chi tiêu thẻ Master tại Việt Nam. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số nên 9 tháng đầu năm 2022, VIB ghi nhận tăng trưởng giao dịch ngân hàng số hơn 100% so với năm 2021 và đạt tỷ lệ 93% giao dịch qua kênh số.
Đối với TPBank, ngân hàng này ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 11.951 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ lãi thuần là hơn 8.600 tỷ đồng, tăng 20,62%; thu nhập từ dịch vụ 1.876 tỷ đồng, tăng hơn 78%, nhờ thu từ phí dịch vụ và hoạt động thanh toán tăng nhanh.
Triển vọng quý IV/2022
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tiến hành cho thấy, 70,4 - 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý cuối năm. Tuy nhiên, mức độ cải thiện kinh doanh cả năm 2022 thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 được 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021. Bên cạnh đó, 6,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Nhiều ý kiến nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như 2 năm trước. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2022 đạt gần 11%. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước phải cân đối giữa ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và lạm phát, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm vẫn duy trì mức 14%. Điều này đồng nghĩa room tín dụng trong quý IV/2022 rất hạn chế.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) dự báo, NIM ngành ngân hàng có thể chịu áp lực giảm trong thời gian tới, bởi lãi suất đầu vào có xu hướng tăng nhưng lãi suất cho vay nhiều khả năng được duy trì ổn định. Mặt khác, trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá neo cao, thanh khoản có dấu hiệu căng thẳng, lãi suất liên ngân hàng gần đây có thời điểm tăng vượt mức 10%/năm. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu) thêm 1% sau gần 2 năm ổn định ở mức thấp và trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 5%/năm, trong khi trần lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,3%/năm lên 0,5%/năm.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh đánh giá, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang tăng dần, với mức cao nhất đạt 9%/năm, trong khi lãi suất cho vay chưa thể tăng ngay tương ứng. Việc này sẽ tác động đến kết quả hoạt động ngành ngân hàng cuối năm 2022.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/loi-nhuan-quy-iii-van-sang-post307905.html