Lợi nhuận ròng quý II của Masan vượt cả năm 2023

Kết quả này đến từ sự cải thiện của các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ, sự phục hồi của các hoạt động/mảng không cốt lõi và chi phí tài chính ròng giảm hơn trăm tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 20.134 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 946 tỷ đồng, tăng 120%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ có sự nhảy vọt khi lên tới 503 tỷ đồng, tăng 378% và cao hơn con số 419 tỷ đồng của cả năm 2023.

Kết quả này đến từ sự cải thiện của các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ, sự phục hồi của các hoạt động/mảng không cốt lõi và chi phí tài chính ròng giảm 138 tỷ đồng.

Cụ thể về các mảng, Masan Consumer đạt doanh thu 7.387 tỷ đồng trong quý II, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này được đóng góp bởi ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và cà phê với mức tăng lần lượt là 20,7%, 17,6% và 16% so với cùng kỳ.

Masan Consumer tiếp tục duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức cao là 46,3%. Kết quả này có được nhờ vào các thương hiệu mạnh, tăng tốc chiến lược cao cấp hóa giúp có mức giá bán cao trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu thô thấp hơn ở ngành hàng thực phẩm tiện lợi.

Đối với WinCommerce, chuỗi cửa hàng bán lẻ này ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 7.844 tỷ đồng trên toàn mạng lưới. Đây là thành quả của công tác nâng cấp, cải tiến cửa hàng WiN (hướng đến người tiêu dùng ở khu vực thành thị) và WinMart+ Rural (phục vụ người tiêu dùng ở khu vực ở nông thôn).

Hai mô hình cửa hàng này đạt hiệu quả so với mô hình truyền thống với mức tăng trưởng LFL (thước đo tăng trưởng doanh thu) lần lượt là 6,3% và 10,7% trong quý II so với cùng kỳ. Tăng trưởng LFL của WinCommerce tăng tốc lên 6,8% trong quý II/2024 và lên 9,7% riêng trong tháng 6 nhờ vào lượng khách đến cửa hàng tăng.

WinCommerce ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6/2024 và tính đến tháng 6/2024, cửa hàng đã vận hành 3.673 điểm bán, mở 40 cửa hàng mới kể từ tháng 12/2023. Công ty dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm 2024.

Đối với mảng kinh doanh thịt mát, Masan MEATLife ghi nhận EBIT (thu nhập trước lãi vay và thuế) tăng 105 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây là quý thứ hai liên tiếp Masan MEATLife đạt EBIT dương.

Đóng góp tích cực vào kết quả này là doanh thu từ mảng thịt chế biến tăng lên nhờ những thuận lợi như thịt gà, thịt lợn tăng giá và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm. Hai thương hiệu là Ponnie và Heo Cao Bồi đã đạt được gần 50% thị phần trong thị trường sản phẩm xúc xích tiệt trùng.

Doanh thu thuần của thương hiệu trà sữa Phúc Long Heritage trong quý II/2024 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 391 tỷ đồng, nhờ đóng góp từ 15 cửa hàng mở mới từ quý II/2023.

Phúc Long hiện có 163 cửa hàng trên toàn quốc. Doanh thu LFL hàng ngày của các cửa hàng Phúc Long ngoài WinCommerce tăng 2,4% so với mức đáy trong quý IV/2023, báo hiệu nhu cầu dịch vụ ăn uống trong nước đang phục hồi.

Masan High-Tech Materials – đơn vị sản xuất vonfram ghi nhận EBIT cải thiện 193 tỷ đồng nhờ giá APT và đồng tăng. Thương vụ bán H.C. Starck Holding GmbH cho Mitsubishi Materials Corporation với giá 134,5 triệu USD dự kiến sẽ hoàn tất trước cuối năm 2024.

Theo đó Masan High-Tech Materials dự kiến sẽ ghi nhận khoản lãi một lần khoảng 40 triệu USD trong nửa cuối năm 2024 và được hưởng lợi khi lợi nhuận sau thuế sẽ tăng 20-30 triệu USD trong dài hạn. Số tiền thu được từ giao dịch sẽ được dùng để giảm nợ của công ty. Việc thoái vốn H.C. Starck Holding GmbH đã giúp Masan High-Tech Materials được giải tỏa khỏi nghĩa vụ nợ của HCS tính đến quý II/2024.

Diễm Phương

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/loi-nhuan-rong-quy-ii-cua-masan-vuot-ca-nam-2023-217732.html