Lợi nhuận sơ bộ năm 2023, Ngân hàng Quân đội vươn lên top 3

Vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội đã công bố tình hình kinh doanh năm 2023. Theo đó, ngân hàng này ước lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2023 đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.

Vượt VietinBank và Ngân hàng Agribank

Theo đó, chỉ tính riêng ngân hàng mẹ ghi nhận lợi nhuận đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022. Trong khi đó, lợi nhuận các công ty con và công ty liên kết của Ngân hàng Quân đội chỉ đạt 1.993 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022 trong bối cảnh thị trường đối mặt nhiều thách thức kinh tế vĩ mô.

Xét riêng về ngân hàng mẹ, tổng mức tín dụng tính đến cuối năm 2023 đã đạt 615.400 tỷ đồng, tăng 28,8% so với đầu năm. Kết quả này cao hơn đáng kể so với mức trung bình của nền kinh tế (13,71%) và của toàn hệ thống ngân hàng.

Đối với huy động vốn, Ngân hàng Quân đội ghi nhận mức tăng trưởng 29,5%, đạt 669.600 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA ở mức 34%, giảm khoảng 6% so với hồi cuối năm 2022.

 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2023 đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2023 đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.

Về chất lượng tài sản, tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản hợp nhất của Ngân hàng Quân đội đạt 943.000 tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm 2022 và tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,6%.

Như vậy, với mức lợi nhuận sơ bộ nêu trên, Ngân hàng Quân đội đã vượt hai ngân hàng trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) là Ngân hàng VietinBank (mã cổ phiếu CTG) với lợi nhuận ước đạt hơn 24.000 tỷ đồng và Ngân hàng Agribank với lợi nhuận ước đạt hơn 25.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận của Ngân hàng BIDV (mã cổ phiếu BID) ước đạt khoảng 26.750 tỷ đồng và lợi nhuận của Ngân hàng Vietcombank (mã cổ phiếu VCB) ước đạt 40.400 tỷ đồng.

Lợi nhuận năm 2024 của các ngân hàng sẽ ra sao?

Chia sẻ tại sự kiện tổng kết ngành ngân hàng đầu năm 2024, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cho biết, lãi suất trên thị trường giảm nhanh chóng trong thời gian qua, hiện về mức thấp nhất trong vòng 20 năm, thấp hơn khá xa giai đoạn trước COVID-19.

Tuy nhiên, luôn có độ trễ trong thời gian giảm lãi suất huy động và cho vay. Cụ thể, cơ cấu tài sản các NHTM hiện nay, có khoảng 80% nguồn vốn là huy động ngắn hạn và trên 50% là dư nợ tín dụng là cho vay trung - dài hạn. Do đó, lãi suất cho vay trung dài hạn sẽ giảm chậm hơn và mới bắt đầu ở các khoản vay mới, còn các khoản vay cũ phải có thêm thời gian.

Các chuyên gia cho biết, sẽ mất khoảng 3-6 tháng để các NHTM có thể cân đối nguồn vốn và lãi suất giảm từ huy động sang cho vay.

Nhóm NHTM quốc doanh luôn là các nhà băng dẫn đầu trong các phong trào giảm lãi suất theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Điều này thực chất là lợi thế trong bối cảnh huy động tăng mạnh nhưng tín dụng lại tăng trưởng chậm (dù lãi suất huy động rất thấp). Nhà băng nào có thể đẩy tín dụng thành công ra nền kinh tế thì sẽ có lợi nhuận. Còn ngược lại, nếu nhà băng nào đẩy mạnh hút vốn bằng lãi suất cao, lại không thể đẩy vốn vào các kênh mong muốn thì kết quả kinh doanh chắc chắn sẽ sụt giảm do chi phí lãi tăng cao.

Về cơ bản, năm 2024, tình hình chung được cho là có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Theo SSI tính toán, trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP có thể phục hồi trong khoảng từ 6,0% - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ trở lại đây và NHNN sẽ có ứng phó linh hoạt trong cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu. Theo ước tính, tăng trưởng LNTT năm 2024 của nhóm 10 ngân hàng dẫn dầu về quy mô tài sản dự kiến tăng 15,4% so với năm 2023 - đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 4,6% trong năm 2023.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/loi-nhuan-so-bo-nam-2023-ngan-hang-quan-doi-vuon-len-top-3-84665.html