Lợi nhuận trăm tỷ của Schneider Electric Việt Nam
Là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, Schneider Electric Việt Nam đạt lợi nhuận ổn định vài trăm tỷ đồng mỗi năm từ việc cung cấp giải pháp quản lý năng lượng và tự động hóa.
Công ty TNHH Scheneider Electric Việt Nam (SEV) là thành viên của Schneider Electric (SE), tập đoàn đa quốc gia chuyên về quản lý năng lượng và tự động hóa. Có mặt tại thị trường Việt Nam được 26 năm, SEV hiện là một trong những nhà cung cấp các thiết bị điện giúp tiết kiệm điện năng và tự động hóa hệ thống cho các căn hộ, tòa nhà, trung tâm dữ liệu, các công trình cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp.
Một cách tổng quát, Schneider Electric Việt Nam cung cấp một danh mục dài các sản phẩm phục vụ ngành năng lượng, từ ổ cắm, công tắc cho tới những hệ thống điều khiển, phân phối điện phức tạp cho tòa nhà, thậm chí cả hệ thống điện lưới quốc gia.
Một trong những dự án đầu tiên và nổi bật của SEV khi mới vào Việt Nam đó là bắt tay cùng Chính phủ triển khai công trình đường dây truyền tải điện năng “500kV Bắc – Nam mạch 1” với tổng chiều dài 1.487km từ Hòa Bình đến TP.HCM trong 3 năm 1991-1993. Công trình đã góp phần mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam lúc bấy giờ, khi mang điện đến khắp cả nước.
Hiện nay, các khách hàng của Công ty bao gồm cả những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn FPT, Samsung Việt Nam, Gỗ An Cường...
Năm 2017, SEV khánh thành nhà máy tại Khu công nghệ cao Sài Gòn. Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 45 triệu USD, với tổng diện tích sản xuất và văn phòng trên 12.000 m2, đây là một trong những nhà máy có quy mô lớn trong hệ thống cung ứng toàn cầu gồm hơn 200 trung tâm sản xuất của Tập đoàn Schneider Electric.
Sau nhiều năm có mặt tại Việt Nam, xây dựng một nhà máy rộng lớn, sản phẩm dịch vụ đa dạng, SEV ghi nhận kết quả tài chính tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2017 - 2019, SEV đạt doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng. Cấu trúc chi phí của công ty cũng gần như không đổi, qua đó giúp lợi nhuận thu về cũng luôn ở quanh mức 300 tỷ đồng mỗi năm. Sau khi chia lại cho các cổ đông, tính tới cuối năm 2019, SEV vẫn còn một khoản lợi nhuận lũy kế hơn 531 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của Schneider Electric Việt Nam phản ánh phần nào tiềm năng của ngành năng lượng tại Việt Nam. Trong vai trò một công ty cung cấp dịch vụ phụ trợ, Công ty vẫn thu đạt doanh thu và lợi nhuận cao, bền vững.
Những năm gần đây, SEV mở rộng sang cả cung cấp dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành năng lượng với tên gọi EcoStruxure. Đây là nền tảng công nghệ IoT mở, cho phép kết nối các thiết bị với nhau hỗ trợ cho người dùng quản lý và vận hành hệ thống hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.
Cuối năm 2018, Schneider Electric Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác chiến lược (MOU) với tập đoàn FPT nhằm phát triển, triển khai nền tảng thông minh EcoStruxure và đào tạo đội ngũ tư vấn chất lượng cao.
Để cụ thể hóa tham vọng, Tập đoàn Schneider Electric dự kiến chuyển dời toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Malaysia sang Việt Nam, từ đó tăng gấp đôi công suất của nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.