Lợi nhuận VNDirect đi lùi

Hoạt động tự doanh kém hiệu quả, chi phí hoạt động tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của VNDirect giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh so với hai quý liền trước.

 Lợi nhuận quý II của VNDirect giảm mạnh. Ảnh: VND.

Lợi nhuận quý II của VNDirect giảm mạnh. Ảnh: VND.

CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu hoạt động 1.458 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập ròng từ tài sản tài chính (FVTPL) đạt 272 tỷ đồng, giảm một nửa so với quý II năm ngoái do lãi coupon chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh.

Quý này, doanh thu mảng môi giới của công ty cũng sụt giảm đáng kể, thấp nhất trong vòng 4 quý trở lại đây, dù thị phần môi giới trên HoSE của công ty tăng nhẹ từ 6,01% trong quý I lên mức 6,46%. Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán cũng giảm gần 11% về mức 182 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động tăng mạnh hơn 40% lên trên 803 tỷ đồng, trong đó lỗ từ các tài sản tài chính (FVTPL) tăng từ gần 397 tỷ của quý II/2023 lên gần 538 tỷ đồng.

Kết quả, VNDirect báo lãi sau thuế 345 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VNDirect ghi nhận 2.843 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm nhẹ so với nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 962 tỷ đồng, tăng gần 71%, chủ yếu nhờ vào hoạt động tự doanh hiệu quả trong quý đầu năm.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, VNDirect đặt mục tiêu lãi trước thuế 2024 đạt 2.525 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đi ngang ở mức 2.020 tỷ đồng. Như vậy sau nửa đầu năm, công ty đã thực hiện 48% kế hoạch.

Tại ngày 31/6, tổng tài sản của VNDirect ở mức 45.153 tỷ đồng, tăng gần 3.500 tỷ đồng so với đầu năm.

Danh mục FVTPL của VNDirect vẫn chủ yếu là trái phiếu (chiếm 10.775 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm) và chứng chỉ tiền gửi (chiếm 7.390 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm).

Cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết chiếm 1.284 tỷ đồng. Trong đó VPB và HSG là hai mã được công ty chứng khoán này rót vốn nhiều nhất. Lượng cổ phiếu VPB mà VNDirect đang nắm giữ có giá gốc 458 tỷ đồng, tạm lỗ 44 tỷ; còn mã HSG có giá gốc 367 tỷ, tạm lãi 112 tỷ đồng. Trong quý II vừa qua, VNDirect đã mua thêm VPB và HSG, đồng thời bán ra ACB.

Công ty còn có hơn 1.100 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chưa niêm yết, với hai mã chiếm tỷ trọng lớn là C4G trị giá 285 tỷ đồng (tạm lỗ 15 tỷ) và LTG 115 tỷ (tạm lỗ 45 tỷ).

Trong khi đó, dư nợ cho vay margin tính đến cuối quý II đã đạt 10.936 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.

Về phía nguồn vốn, công ty chứng khoán ghi nhận tổng nợ phải trả ở mức gần 27.900 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 21.945 tỷ đồng. Vietcombank là chủ nợ lớn nhất với 6.874 tỷ đồng, tiếp đến là BIDV với 3.616 tỷ đồng và VietinBank là 3.450 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tiền gửi khách hàng tại VNDirect tính tới cuối quý II đạt 5.953 tỷ đồng, thấp hơn khoản ghi nhận được hồi đầu năm (6.367 tỷ đồng), trước khi công ty gặp sự cố bị hacker tấn công hệ thống.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/loi-nhuan-vndirect-di-lui-post1487408.html