Lối rẽ cho học sinh trượt tuyển sinh lớp 10

Sau Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2024-2025, cả nước có hàng trăm nghìn học sinh không có cơ hội vào trường công lập. Tại Phú Yên, con số này là hơn 2.600 em. Hiện rất nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng, hoang mang, tìm lối đi cho các con.

Học sinh Trường cao đẳng Nghề Phú Yên học chương trình 9+, vừa học nghề vừa học các môn văn hóa để thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: HÙNG ANH

Học sinh Trường cao đẳng Nghề Phú Yên học chương trình 9+, vừa học nghề vừa học các môn văn hóa để thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: HÙNG ANH

Rớt nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 chưa chắc đỗ

Ngay khi con trượt nguyện vọng 1 vào trường THPT công lập, vợ chồng anh N.M.T (TP Tuy Hòa) khá thất vọng và lo lắng. Anh T tâm sự: “Con tôi năm nay đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Huệ, nguyện vọng 2 vào trường THPT Nguyễn Trãi. Điểm chuẩn của Trường THPT Nguyễn Huệ lập đỉnh từ trước đến nay với 32,75 điểm. Tuy nhiên, con chỉ được 28 điểm rớt nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 cũng chưa chắc đạt. Vì theo quy định, toàn bộ số học sinh không đậu nguyện vọng 1 từ Trường THPT Nguyễn Huệ chuyển xuống, chỉ lấy 30% chỉ tiêu nguyện vọng 2 vào Trường THPT Nguyễn Trãi”.

Không chỉ gia đình anh T mà nhiều gia đình có con thi tuyển sinh lớp 10 trượt nguyện vọng vào trường công lập đều có chung tâm trạng như vậy. Dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý giáo dục, TS Phạm Văn Tư, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, kết quả học tập của con thấp so với kỳ vọng, cha mẹ đã không vui; con trượt kỳ thi quan trọng khiến phụ huynh buồn bã, lo lắng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những cảm xúc của người lớn vô tình gây thêm áp lực, dẫn đến tâm lý tiêu cực cho con trẻ. “Trong trường hợp này, cha mẹ cần tỉnh táo, bởi dù thế nào kết quả cũng đã rồi. Thay vì buồn rầu, trách mắng con hay lo lắng thái quá (đều gây ra hậu quả), cha mẹ hãy động viên, đồng hành cùng con vượt qua cú sốc lớn đầu đời; cùng con ngồi lại để tìm phương án sao cho phù hợp với năng lực của con. Lúc này, cha mẹ chính là chỗ dựa, động lực để cổ vũ, giúp con chinh phục tương lai”, TS Phạm Văn Tư nói.

Thực tế có không ít trường hợp học sinh trượt lớp 10 bỏ nhà đi, thậm chí có những suy nghĩ và việc làm dại dột vì mang tâm lý thất vọng về bản thân, lo sợ cha mẹ trách mắng...

Cũng từ thực tế cho thấy, vào trường công lập không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công, mà có nhiều lối rẽ khác để các em chọn lựa. Nếu cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra.

Học tiếp THPT ngoài công lập hoặc trường nghề

Nếu các em có năng lực, nhu cầu học tập và gia đình có điều kiện thì học sinh vẫn còn cơ hội học tiếp 3 năm THPT ở các trường ngoài công lập. Tỉnh Phú Yên có hai trường ngoài công lập là Trường phổ thông Duy Tân và Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tuy Hòa).

Đối với Trường phổ thông Duy Tân, năm học 2024-2025, trường tiếp tục tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 để chọn học sinh xuất sắc, đồng thời tuyển học sinh lớp 9 trong toàn tỉnh với chỉ tiêu 600 em.

Còn đối với Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Trịnh Văn Chánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm gần đây, chất lượng đào tạo của trường không ngừng được nâng lên, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm vừa rồi đạt 100%, nhiều em đỗ vào các trường đại học uy tín trong nước. Bên cạnh dạy kiến thức, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, bồi dưỡng kỹ năng mềm, cách ứng xử, đạo đức lối sống cho các em phát triển toàn diện. Chỉ tiêu năm học 2024-2025 của trường là 200 học sinh lớp 10”.

Một lối rẽ khác cũng mang lại hiệu quả, nhất là về mặt thời gian và tài chính, đó là học nghề kết hợp học các môn văn hóa để có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT, còn gọi là chương trình 9+.

Chương trình 9+ là một phương án cụ thể hóa chính sách phân luồng học sinh phổ thông, xóa bỏ tình trạng cố học để có bằng tốt nghiệp THPT, rồi tiếp tục vào đại học, trong khi trình độ năng lực không theo kịp, điều kiện gia đình, kinh tế tài chính không cho phép.

Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về công tác phân luồng như: Chỉ thị 10-CT/TW ngày 17/10/2011 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 14/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Luật Giáo dục năm 2019; Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Tại Phú Yên, đề án này cũng được triển khai từ nhiều năm nay.

Những năm gần đây nhiều phụ huynh, học sinh đã dần thay đổi cách nghĩ về việc định hướng lối đi cho tương lai. Chương trình 9+ đang là xu hướng lựa chọn, là lối rẽ tiết kiệm kinh phí, thời gian mà vẫn đảm bảo bằng cấp.

Thực tế cho thấy, trường công không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công, mà có nhiều lối rẽ khác để các em chọn lựa. Nếu cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra.

QUỲNH MAI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/317874/loi-re-cho-hoc-sinh-truot-tuyen-sinh-lop-10.html