Lối rẽ vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trên những sườn đồi ở Thái Nguyên
Từ nhiều năm nay, Thái Nguyên không chỉ được biết đến là 'thủ phủ chè' của cả nước, mà còn là địa phương tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng.
Nhờ sự thay đổi căn bản trong cách nghĩ, cách làm, không ít vùng đồi cằn cỗi tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vốn chỉ trồng lúa, ngô tự cung tự cấp, nay đã vươn lên thành những mô hình canh tác mới – từ chè hữu cơ, chăn nuôi quy mô lớn, đến các HTX công nghệ cao.
Mở hướng đi bền vững
Anh Từ Văn Quyền, người dân tộc Sán Dìu, ở xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) là một ví dụ điển hình cho sự mạnh dạn đổi trong tư duy sản xuất.
Trước đây, gia đình anh sống dựa vào mấy sào ruộng, thu nhập bấp bênh, quanh năm không dư dả. Với quyết tâm thay đổi cuộc sống, anh Quyền chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn. Tận dụng diện tích đất rộng hơn 2.000 m2, anh mạnh dạn vay 2 tỷ đồng từ ngân hàng để đầu tư xây dựng một trang trại gà đẻ trứng theo hình thức gia công, quy mô hơn 20.000 con.

Thay đổi cách nghĩ cách làm giúp người dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên làm giàu.
Phát triển chăn nuôi quy mô lớn giúp anh Quyền gây tiếng vang, được đối tác liên kết hỗ trợ giống, kỹ thuật, lại được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Kết quả là đến nay, trang trại của anh cho doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm, lãi ròng khoảng 700-800 triệu đồng. Không chỉ vậy, trang trại còn tạo việc làm cho 2 lao động địa phương, thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn từ câu chuyện của anh Quyền, dễ thấy chuyển đổi sinh kế không chỉ là giải pháp kinh tế, mà còn là cuộc chuyển mình trong tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Không chỉ dừng lại ở từng hộ, sự phát triển mạnh mẽ của mô hình HTX cũng đã và đang mở ra một hướng đi bài bản, chuyên nghiệp hơn cho sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên.
Một trong những điểm sáng là HTX Nông nghiệp Liên Sơn (xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên), do ông Lê Văn Sinh, người dân tộc Sán Dìu làm Chủ tịch HĐQT. Với tổng vốn trên 50 tỷ đồng, HTX không chỉ kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp mà còn mở rộng sang chế biến chè.
Hai năm trước, ông Sinh đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè Liên Sơn rộng 450 m2. Với định hướng sản xuất hướng tới tạo việc làm, đóng góp cho kinh tế địa phương, HTX được thành phố hỗ trợ gần 300 triệu đồng mua máy sao sấy, vò chè. Nhờ đó, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, tiêu thụ rất tốt.
“Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 7 tấn chè búp khô, thu về gần 4 tỷ đồng”, Chủ tịch HĐQT HTX Liên Sơn Lê Văn Sinh phấn khởi cho biết.
Công nghệ bước vào nương chè
Không chỉ tích cực thay đổi phương thức sản xuất, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, qua đó nâng cao giá trị canh tác cho thành viên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Như tại vùng chè Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), khi nắng sớm còn đọng trên những búp lá non, chị Lý Thị Hương – Giám đốc HTX chè Hương Huệ (người dân tộc Nùng) đã có mặt tại xưởng từ sớm.
Tay thoăn thoắt kiểm tra mẻ chè vừa sao xong, chị Hương chia sẻ: “Làm chè sạch theo VietGAP vất hơn, nhưng được giá hơn, thị trường ổn định hơn, mình yên tâm gắn bó dài lâu”.
HTX Hương Huệ thành lập từ năm 2018, hiện có 8 thành viên, quản lý 8,5 ha chè sản xuất theo chuẩn VietGAP. Điều đáng tự hào là HTX có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 4 sao. Mỗi năm, đơn vị cung cấp ra thị trường khoảng 70 tấn chè búp khô, đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng.

Nhiều HTX, nông dân ở Thái Nguyên đang thành công lớn nhờ đưa công nghệ mới vào sản xuất.
Không chỉ sản xuất sạch, HTX Hương Huệ còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, và đặc biệt là kết nối tiêu thụ qua thương mại điện tử. “Trước đây chủ yếu bán buôn. Giờ có Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử, HTX bán lẻ được nhiều hơn, khách ở tận miền Nam, miền Trung cũng đặt mua chè”, chị Hương vui vẻ nói.
Theo thống kê, tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 500 HTX nông nghiệp, trong đó hơn 22% hoạt động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những mô hình HTX điểm như Hương Huệ, Liên Sơn… đang ngày càng phát huy vai trò là “bà đỡ” cho người nông dân – từ cung cấp giống, vật tư, kỹ thuật, đến tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều HTX còn chủ động đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng phần mềm theo dõi mùa vụ, cảm biến môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp thông minh. Nhờ đó, không chỉ nâng cao thu nhập, các HTX còn tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, giúp giữ chân thanh niên ở lại quê hương lập nghiệp.
Thêm đòn bẩy thúc đẩy sản xuất
Thành công của các HTX trên địa bàn Thái Nguyên có sự đóng góp tích cực từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh. Cụ thể, thông qua nhiều chương trình thiết thực, Liên minh HTX Việt Nam đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi số cho các HTX, đồng thời tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai Chương trình hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” đến 100% HTX trên địa bàn.
Chương trình này không chỉ giúp các HTX xây dựng thương hiệu số mà còn hỗ trợ họ tiếp cận thị trường rộng lớn thông qua các sàn thương mại điện tử, góp phần khẳng định chủ quyền số quốc gia và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng đến việc nâng cao năng lực cho cán bộ và thành viên HTX thông qua các chương trình tập huấn khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè - sản phẩm chủ lực của tỉnh. Việc này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tựu trung lại, từ những con số thu nhập hàng trăm triệu, doanh thu hàng tỷ đồng, cho đến những gian hàng chè sạch lên sàn thương mại điện tử, có thể thấy rằng chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ, nhân rộng mô hình HTX chính là con đường phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên.
Với ý chí vươn lên, sự đồng hành của Nhà nước, chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên không chỉ thoát nghèo, mà còn góp phần làm giàu cho quê hương – bằng chính đôi tay, khối óc.